Nhiều bệnh nhân COVID-19 kháng kháng sinh, nhiễm nấm xâm lấn, nhiễm trùng

Quỳnh Giang
06:54 - 22/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ở bệnh nhân mắc COVID-19, tỉ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc chiếm 33%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong ở đối tượng này.

Tình trạng kháng kháng sinh ở bệnh nhân COVID-19 rất cao

Một trong những thông tin quan trọng được đưa ra tại Hội nghị khoa học "Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19" tại Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng là tình trạng kháng kháng sinh ở bệnh nhân COVID-19 rất cao. Cụ thể, ở bệnh nhân mắc COVID-19, tỉ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc chiếm 33%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong ở đối tượng này.

Tình trạng kháng kháng sinh, nhiễm nấm xâm lấn, nhiễm trùng ở bệnh nhân COVID-19 rất cao - Ảnh 1.

Ảnh: nhandan.vn

Nghiên cứu "Thực trạng siêu nhiễm trùng ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2" được bác sĩ Nguyễn Thị Trang và các cộng sự công tác tại Bệnh viện Quân y 175 thực hiện trên 3.407 mẫu bệnh phẩm từ Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022.

Kết quả cho thấy, đa số các vi khuẩn được phân lập trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian điều trị có tỉ lệ kháng thuốc khá cao. Tỉ lệ đồng nhiễm vi khuẩn và siêu vi nhiễm trùng nói chung là thấp ở bệnh nhân COVID-19 nhẹ.

Ngày 21/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị khoa học "Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19". Đây cũng là thời điểm tròn 1 năm dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại Việt Nam, mà thành phố Hồ Chí Minh là tâm dịch đau thương nhất.

Hội nghị có sự tham gia của Giáo sư Nguyễn Gia Bình - chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, cùng nhiều chuyên gia hồi sức đầu ngành của cả nước với hơn 30 báo cáo của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành thuộc các đơn vị đã từng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 như: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Trưng Vương…

Tuy nhiên, những bệnh nhân nặng phải nhập viện và điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU), tỉ lệ này cao hơn đáng kể, dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc.

Ở bệnh nhân mắc COVID-19 trong nhóm nghiên cứu, tỉ lệ kháng thuốc ở các chủng phân lập được là 59%; trong đó, tỉ lệ vi khuẩn đa kháng thuốc chiếm 33%, kháng mở rộng 52%, đáng chú ý tỉ lệ toàn kháng (kháng toàn bộ các loại kháng sinh) lên đến 15%.

Từ nghiên cứu trên, các bác sĩ đưa ra kết luận, siêu vi nhiễm trùng tỉ lệ cao là một trong những nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19.

Cảnh báo nhiễm nấm xâm lấn, nhiễm trùng ở bệnh nhân COVID-19

Trong số hàng chục bài báo cáo tại Hội nghị, có một số hiện tượng đáng chú ý khác như thực trạng nhiễm trùng, nhiễm nấm xâm lấn ở bệnh nhân COVID-19. 

Cụ thể, theo báo cáo trong gần 1 năm qua, Trung tâm tiếp nhận hơn 6.500 ca bệnh nặng và vừa, trong đó có 3.407 mẫu bệnh phẩm của 610 bệnh nhân gửi lên khoa vi sinh để nuôi cấy, định danh vi khuẩn/vi nấm. Kết quả xác định siêu nhiễm trùng với tỉ lệ cao, căn nguyên siêu nhiễm trùng đa dạng và tỉ lệ nhiễm trùng MDR, EDR, PDR ngày càng tăng.

Ngoài ra, với các bệnh nhân nhiễm nấm xâm lấn thường rơi vào bệnh nhân nguy kịch có tỉ lệ tử vong cao. Trong khi đó, khả năng phân lập được vi nấm và chẩn đoán xác định chắc chắn là nhiễm nấm xâm lấn hiện nay tại các cơ sở y tế còn rất nhiều khó khăn.

Tình trạng kháng kháng sinh, nhiễm nấm xâm lấn, nhiễm trùng ở bệnh nhân COVID-19 rất cao - Ảnh 3.

Ảnh: benhvien175.vn

Vaccine phòng COVID-19 làm giảm rõ rệt tỉ lệ bệnh nhân nặng, nguy kịch

Các báo cáo tại Hội nghị khoa học "Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19" cũng trình bày một nghiên cứu khác về "Ảnh hưởng của vaccine phòng COVID-19 lên độ nặng và diễn tiến bệnh ở bệnh nhân mắc COVID-19" đã được thực hiện trên 244 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông.

Theo nhóm nghiên cứu, các loại vaccine phòng COVID-19 đã làm giảm rõ rệt tỉ lệ bệnh nặng, nguy kịch. Cụ thể, với nhóm chưa tiêm vaccine, tỉ lệ chuyển nặng là 44,4%; nhóm tiêm 1 mũi là 10,1% và nhóm đã tiêm 2 mũi chỉ có 2%. Các biến chứng suy hô hấp, tổn thương thận cấp và bội nhiễm phổi giảm dần ở những người đã tiêm mũi 1, mũi 2.

Đặc biệt, các báo cáo tại Hội nghị khoa học "Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị COVID-19" còn xác định 100% nhân viên y tế tại Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 có căng thẳng tâm lý khác nhau, trong đó chủ yếu là stress mức độ trung bình, chỉ 5% stress mức độ cao. Stress còn có sự khác biệt giữa trình độ học vấn; thâm niên và đơn vị công tác; mức thu nhập và tình trạng hôn nhân…

Đáng chú ý, nghiên cứu không ghi nhận trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine phải điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt; trong khi đó, tỉ lệ này ở nhóm chưa tiêm là 20,6% và nhóm đã tiêm 1 mũi là 5%.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thượng tá, Bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó giám đốc Trung tâm Điều trị người bệnh COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: Chỉ trong 1 thời gian rất ngắn, Việt Nam đã nằm trong nhóm 6 quốc gia có độ bao phủ vaccine cao nhất của thế giới. Đây là yếu tố rất quan trọng để khống chế dịch COVID-19. Do đó, dù xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2 nhưng tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 thở máy, lọc máu, ECMO tại Việt Nam rất thấp.

Chìa khóa chiến thắng COVID-19

Chia sẻ tại Hội nghị, bác sĩ Vũ Đình Ân cho biết: Trong giai đoạn cao điểm COVID-19, ngày 19/7/2021, Trung tâm Điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 đã ra đời sau 48 giờ, thu dung điều trị 6.102 bệnh nhân, trong đó gần 5.297 bệnh nhân xuất viện, đạt tỉ lệ hơn 86%. Trong đó, có 65 ca chuyển viện, là các sản phụ nhập viện chuyển đi Hùng Vương, Từ Dũ. Có 884 ca thở oxy dòng cao HFNC, tỉ lệ thành công 441 ca, đạt gần 50%; thở không xâm lấn 118 ca, thành công 47 ca, đạt tỉ lệ gần 40%.

Theo bác sĩ Vũ Đình Ân, để điều trị thành công cho người bệnh COVID-19, cần chú ý từ yếu tố tâm lý đến dinh dưỡng, vận động... bên cạnh các kỹ thuật điều trị cao. "Từ việc nhỏ như cho bệnh nhân nằm sấp để tăng thông khí, cho bệnh nhân liên lạc với người nhà để trấn an tâm lý, thể dục, vật lý trị liệu, dinh dưỡng... đến các kỹ thuật điều trị thuốc, máy móc can thiệp phải được chú trọng toàn diện".

Việc tranh thủ thời gian sớm, điều trị cho bệnh nhân để ngăn chuyển nặng là rất cần thiết. Vì khi chuyển sang giai đoạn thở máy tỉ lệ hồi phục sẽ thấp hơn.

Do vậy, trong giai đoạn biến chủng mới, việc phòng ngừa COVID-19 bằng vaccine được xem là biện pháp hiệu quả, ngăn ngừa các ca chuyển nặng. Người dân nên tiêm ngừa đủ liều vaccine tăng cường theo khuyến cáo, hiện tại là mũi 4.

Nguồn: Tổng hợp