Có tìm được vật chủ trung gian của COVID-19?

Bác sĩ Văn Bình
14:32 - 11/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

COVID-19 không truyền trực tiếp từ dơi sang người mà phải qua vật chủ trung gian.

Nhiều loài động vật từng bị nghi ngờ là vật chủ trung gian

Phân tích bộ gene cho thấy, COVID-19 thuộc chi Betacoronavirus (1 trong 4 chi của họ Coronaviridae), có nhiều tương đồng với gene của Coronavirus ở dơi, vì thế trước nay dơi vẫn được xem là vật chủ chính. Nhưng COVID-19 không truyền trực tiếp từ dơi sang người, phải qua vật chủ trung gian.

Nhiều loài động vật hoang dã (tê tê, chồn, linh trưởng, lửng chó, lửng mật, hươu đuôi trắng, gấu chó, chuột, rắn, chim, cáo…), trong sở thú, nuôi tại gia đã bị "nghi ngờ" là vật chủ trung gian.

Có tìm được vật chủ trung gian của COVID-19? - Ảnh 1.

Tê tê từng bị nghi ngờ là vật chủ trung gian. Ảnh: nationaltoday

Cục Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hông Kông (Trung Quốc) phát hiện một chó phốc sóc (pomeranian) 17 tuổi, dương tính "nhẹ" với COVID-19. Nữ doanh nhân Yvonne Chow, 60 tuổi, chủ của nó, nhiễm COVID-19, phải nằm viện 15 ngày. Xác định cấu trúc gene COVID-19 ở chủ và chó rất giống nhau. 

Sau 8 ngày, chó chết nhưng bà Chow không cho giám định pháp y để xác định có phải chết vì COVID? Hai mươi ngày sau, Hông Kông lại có một con Becgie Đức dương tính với COVID-19 sau nhiều lần xét nghiệm. 

Cùng thời điểm, một con mèo và chủ ở thành phố Liège, Bỉ, bên sông Meuse, gần biên giới Hà Lan và Đức nhiễm COVID-19. Mèo tiêu chảy, khó thở và trong phân của nó có COVID-19. Trong khi hai con chó Hồng Kông không có triệu chứng, vì chỉ mang virus ở mũi, thì mèo Bỉ có tải lượng virus máu cao, triệu chứng rõ ràng. Do đó, bà Jane Sykes Jane Sykes, Đại học California Davis, Mỹ, tin rằng đây là ca lây nhiễm thực sự. 

Ở New York (Mỹ), có hai con mèo nhà ở 2 nơi trong thành phố dương tính với COVID-19. Trường Thú y quốc gia ở Maisons-Alfort, Paris, Pháp, thông tin một con mèo dương tính với COVID-19, có các triệu chứng hô hấp và tiêu hóa. Nhóm nghiên cứu gồm 4 viện, trường, cơ quan của Pháp cho rằng mèo lây nhiễm từ chủ. 

Tháng 1/2021, Hàn Quốc có một mèo dương tính với COVID-19. Phòng thí nghiệm dịch vụ thú y quốc gia, Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận, 2 chị em hổ cái Azul, Nadia giống Malaysia cùng 2 hổ giống Amur và 3 sư tử châu Phi ở sở thú Bronx, NewYork, Mỹ dương tính với COVID-19, đều "ho khan và ăn uống kém", song sức khỏe ổn. Xét nghiệm phân xác nhận 4 con hổ và 3 sư tử nhiễm COVID-19… 

Tuy nhiên, Giáo sư Sophie Le Poder ở trường Maisons-Alfort cho rằng, hiện không có bằng chứng COVID-19 ở động vật lây nhiễm sang người. Tiến sĩ Casey Barton Behravesh, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng khuyên "người dân không nên lo lắng, sợ hãi vì chưa có bằng chứng thú cưng là vật chủ trung gian của COVID-19 trước khi lây sang người". 

Thế nhưng, chuyện không nhỏ là 18 trang trại nuôi chồn ở đông nam Hà Lan trong tổng 26 trang trại chồn ở nước này, với hơn 1,1 triệu con chồn bị tiêu hủy khi phát hiện 90% số chồn nhiễm COVID-19, trong đó có nhiều con khó thở; ít nhất 2 nhân viên trang trại mắc bệnh. 

Bà Carola Schouten, Bộ trưởng nông nghiệp Hà Lan thừa nhận trước Quốc hội nước này về khuyến cáo động vật không lây nhiễm COVID-19 cho người của Bộ trước đó là sai. Cùng thời điểm, ở đô thị La Puebla de Valverde, có 508 cư dân (2004), thuộc Cộng đồng tự trị Aragon, Tây Ban Nha, lại có 7/14 nhân viên và chủ trang trại dương tính với COVID-19. 

Trước đó, từ tháng 6 - 11/2020, Viện Huyết thanh Đan Mạch phát hiện được 214 người nhiễm COVID-19 từ chồn vizon (chồn nâu). Lúc này COVID-19 đã lây ra hơn 200 trang trại chồn. Tuy biến chủng COVID-19 mới nhất (tại thời điểm này) chỉ phát hiện ở 5 trang trại và 12 người, nhưng những người nhiễm biến chủng mới không có phản ứng kháng thể tích cực như nhiễm các biến chủng trước đây, dù chỉ có các triệu chứng nhẹ. 

Do đó nước này tiêu hủy 17 triệu chồn vizon ở 1.000 trang trại toàn quốc do lo ngại lây lan biến chủng COVID kháng vaccine nguy hiểm! Tháng 01.2021, Ba Lan - thuộc nhóm nước sản xuất lông chồn hàng đầu thế giới - công bố ca nhiễm COVID-19 từ chồn ở thị trấn Kartuzy, phía bắc.

COVID-19 từ chồn lây sang người làm các nhà khoa học "nhớ" lại "hành tung" của hai "tiền bối" virus này. Dịch "hội chứng hô hấp cấp tính nặng" (SARS) năm 2002 - 2003, khởi phát ở Quảng Đông, Hông Kông, Trung Quốc và cũng chính loại Coronavirus gây bệnh SARS này đã giết chết hơn 10.000 cầy hương ở Quảng Đông được tìm thấy ở chó gấu trúc (Nyctereutes - mặt giống gấu trúc) và chồn bạc má (Melogale) - một chi trong họ Chồn (Mustelidae) và một số loài mèo địa phương. 

Năm 2006, các nhà khoa học Hông Kông và Quảng Đông tìm ra bằng chứng liên quan giữa virus SARS gây dịch ở cầy hương và người, khẳng định virus này lây từ động vật sang người. 

Tương tự, dịch "hội chứng hô hấp Trung Đông" (MERS) ở Trung Đông và Hàn Quốc từ 2012 - 2015 cũng do Coronavirus từ dơi lây sang người qua lạc đà. Đã phát hiện 3.200 chủng Coronavirus có vật chủ chính là dơi, năm 2018 phát hiện thêm 6 chủng Coronavirus mới ở dơi Myanmar, nhưng virus này không lây trực tiếp từ dơi sang người vì chúng chưa tiến hóa đến mức có thể liên kết với thụ thể ở tế bào người. 

Tháng 9/2021, các nhà khoa học Mỹ tìm được 3 loại Coronavirus trong dơi ở Lào tương đồng di truyền với COVID-19 hơn bất kỳ loại Coronavirus nào từng được phát hiện, nhưng "buồn" là những loại này cũng không "trở thành" COVID-19!

Vậy COVID-19 lây qua một hay những vật chủ trung gian nào trước khi lây sang người? 

Biết được loài này sẽ có ý nghĩa to lớn cho phòng chống dịch. Trước đây, tê tê bị "nghi oan" là vật chủ trung gian của COVID-19. Nhưng Ping Liu ở Viện Hàn lâm Quảng Đông và Zhang Zhigang ở đại học Vân Nam, Trung Quốc, nghiên cứu bộ gene của loại Coronavirus ở tê tê thấy tương đồng di truyền không vượt quá 99% cần thiết để COVID-19 lây từ tê tê sang người (công bố trên tạp chí Plos Pathogens và Science Daily)! 

Khoa học quan tâm tới mọi loại động vật nhiễm COVID-19, bởi virus có thể lây qua nhiều loại động vật mà không bị phát hiện (vì không biểu hiện triệu chứng bệnh) trước khi sang người. Các nhà nghiên cứu Nhật, Mỹ, nhốt chung 3 mèo nhiễm COVID-19 với 6 con không nhiễm, sau 5 ngày tất đều dương tính. Tuy nhiên, sau nghiên cứu họ khẳng định không có bằng chứng COVID-19 lây từ mèo sang người. 

Để xâm nhập tế bào người, nhân lên…, protein gai của COVID-19 (chìa khóa) phải liên kết được với thụ thể ACE2 (khóa cửa) ở bề mặt tế bào. Máy tính 3D đã xác định tê tê, chồn, mèo, trâu, bò, dê, cừu, chim bồ câu, cầy hương và lợn có thụ thể ACE2… Các loài động vật đặc biệt là động vật hoang dã là cái "nôi" tiềm năng nhất để virus Corona tiến hóa tạo ra các biến thể mới có thể liên kết với thụ thể tế bào người. 

Chợ động vật hoang dã là nơi tập trung lượng lớn các loài với mật độ dày đặc và các loài hoang dã "vô tình" tiếp xúc gần gũi - cơ hội để "chuyển giao" mầm bệnh giữa các loài. Tuy nhiên, loài nào đó là vật chủ trung gian và truyền COVID-19 sang người có được bán ở chợ động vật hoang dã Vũ Hán, Trung Quốc hay không hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. 

Quá trình tìm kiếm mối liên kết trong chuỗi lây truyền dịch COVID-19, các nhà khoa học tìm thấy "manh mối" ở nhiều loài vật, thậm chí cả rùa và rái cá. Tuy nhiên, không có loài nào trong các "manh mối" này được chứng minh là vật chủ trung gian truyền bệnh. Vì thế, dầu với nhiều phương pháp nghiên cứu trên rất nhiều loài động vật nhưng cho đến hiện tại, dấu vết vật chủ trung gian của COVID-19 được cho là đã mất!

Hơn 50 năm qua, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm toàn cầu là do virus từ động vật hoang dã lây sang người và đã khảng định được vật chủ trung gian truyền các bệnh như dại, viêm não Nhật Bản B, cúm các loại, HIV/AIDS, SARS, MERS, sốt vàng, sốt tây sông Nile, Ebola, Zika. Với COVID-19, các nhà khoa học cho rằng có thể sẽ không bao giờ tìm thấy vật chủ trung gian. Không tìm được bệnh nhân số 0 của Thế giới và không tìm được vật chủ trung gian của COVID-19 sẽ là "đại trở ngại" cho phòng chống dịch trong tương lai.