Biến thể BA.4 và BA.5 lây lan nhanh đang làm tăng các ca mắc COVID-19

Nhật Minh
13:01 - 12/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sự xuất hiện của các biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đã nâng tỷ lệ ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tăng lên trong thời gian gần đây.

Đột biến nhanh và lây lan nhanh, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron đang khiến ca mắc COVID-19 tăng trở lại.

Nguy cơ lây nhiễm cao với biến thể BA.4 và BA.5

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.4 và BA.5 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1 và tháng 2/2022 cũng tại Nam Phi rồi lan dần ra nhiều nước.

Trong tuần qua, toàn cầu ghi nhận số ca mắc mới tăng 18%, số ca tử vong mới tăng 3% so với tuần trước đó. Số ca mắc và tử vong tương ứng với biến thể BA.4 tăng từ 9% lên 12%, và với BA.5 là tăng từ 28% lên 43%.

Không chủ quan, lơ là với dịch COVID-19: Biến thể BA.4 và BA.5 lây lan rất nhanh - Ảnh 1.

Cách ngăn ngừa hiệu quả là tiêm phòng vaccine phòng dịch COVID-19 liều nhắc lại và liều tăng cường. Ảnh: Bộ Y tế

Theo các chuyên gia đánh giá, biến thể Omicron BA.4 và BA.5 lây lan nhanh hơn so với biến thể BA.1, BA.2 từ 10% đến 13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến thể Delta trước đó.

Tại một số nước, tỷ lệ nhiễm BA.4 và BA.5 đang tăng dần theo tuần. Tỷ lệ số ca nhiễm BA.5 chiếm 52% tổng số ca mắc COVID-19 được phát hiện từ ngày 26/6 đến 6/7, tăng từ 37% trong giai đoạn 19-25/6. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm BA.4 là 12%.

Mặc dù các biến thể của Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó, đặc biệt khi số người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc bệnh có tỷ lệ khá lớn. Nhưng các dữ liệu cho thấy, biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một tỷ lệ nhỏ người mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ.

Dù chỉ một tỷ lệ nhỏ những người bị mắc các biến thể Omicron cần nhập viện, nhưng nếu một số lượng lớn các ca mắc mới xảy ra đồng thời trong cộng đồng thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, khả năng gây các biến chứng hậu COVID-19 của các biến thể này vẫn là một thách thức lớn đối với y tế cộng đồng, nhất là khi số ca mắc mới quá nhiều. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều ca bệnh bị hoại tử xương sọ, mặt sau khi mắc COVID-19.

Theo PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm dưới 30 ca/ngày).

Cách ngăn ngừa hiệu quả là tiêm phòng vaccine phòng dịch COVID-19 liều nhắc lại và liều tăng cường

Theo WHO, dù các biến thể phụ hiện nay của Omicron lây lan khá nhanh, nhưng vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vaccine, và nếu không may mắc bệnh thì bệnh không nặng.

Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 11/7, cả nước đã tiêm được khoảng 66 triệu liều vaccine COVID-19 mũi 3 và 4. Bộ Y tế khẳng định, với các biến thể phụ của Omicron, việc phòng bệnh từ vaccine vẫn được coi là yếu tố then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine vẫn là một biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa COVID-19. Vaccine sẽ hoạt động hiệu quả trong cả việc ngăn chặn lây lan dịch và bảo vệ người dân khỏi những rủi ro đáng tiếc.

Có rất nhiều người băn khoăn và đặt ra câu hỏi tại sao nên tiêm vaccine liều nhắc lại (mũi 3) và liều tăng cường (mũi 4), các chuyên gia y tế cho hay, khả năng bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19 từ tiêm vaccine hoặc từng nhiễm bệnh COVID-19 sinh miễn dịch, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian. Điều đó có nghĩa, không ai được bảo vệ hoàn toàn khỏi các biến thể của virus SARS-CoV-2, nhất là khi biến thể phụ BA.4 và biến thể BA.5 đang có nguy cơ lây lan nhanh chóng.

Do đó, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) vô cùng hữu ích đối với mọi người dân hiện nay.

Với những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 - 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm mũi 3 và mũi 4 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Bởi sau tiêm mũi 3 và mũi 4 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể trong máu, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển nặng và ca tử vong.

Nguồn: Bộ Y tế