Người dân châu Âu lo ngại khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ gây ra bất ổn xã hội

Trúc Phong
11:18 - 07/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới More in Common do YouGov thực hiện ở Pháp, Đức, Ba Lan và Anh, nhiều người dân châu Âu lo ngại rằng, lạm phát cao do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể gây ra bất ổn xã hội, biểu tình và đình công.

Người dân châu Âu lo khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ gây ra bất ổn xã hội - Ảnh 1.

Chi phí sinh hoạt đã trở thành vấn đề quan trọng nhất đối với người dân châu Âu ở 4 quốc gia được thăm dò ý kiến. Ảnh: EPA-EFE / ANDY RAIN/Euractiv

Chi phí sinh hoạt cao, số hộ gia đình nghèo đói gia tăng

Kết quả cuộc thăm dò More in Common do YouGov thực hiện được công bố hôm thứ sáu (ngày 2-9), cho thấy chi phí sinh hoạt đã trở thành vấn đề quan trọng nhất đối với người dân  ở 4 quốc gia được thăm dò ý kiến là Pháp, Đức, Ba Lan và Anh. Hơn 7.000 người dân ở 4 nước  này đã tham gia cuộc khảo sát.

Ở Anh và Ba Lan, hơn 70% số người được khảo sát nói rằng chi phí sinh hoạt hiện là vấn đề quan trọng nhất mà người dân phải đối mặt.

Cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt có thể sẽ khiến số lượng hộ gia đình sống trong cảnh nghèo đói gia tăng. 

Người dân châu Âu đang cảm thấy ngày càng rõ hơn tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với cuộc sống của mình. Cứ 1 trong 5 người được khảo sát ở Anh, Pháp và Ba Lan nói rằng họ đang sử dụng tiền tiết kiệm của mình để thanh toán các hóa đơn và tỷ lệ người đang bỏ bữa là 1/10. 

Đa số người được khảo sát ở cả 4 quốc gia cho biết họ lo lắng về bất ổn xã hội, với tỷ lệ là 57% ở Anh đến 75% ở Ba Lan. Trong khi đó, tại Pháp, cứ 10 người được hỏi thì có 4 người cho biết họ muốn thấy sự trở lại của phong trào phản đối áo vàng - một phong trào phản đối nổi lên vào năm 2018 chủ yếu để phản ứng với chi phí nhiên liệu tăng.  

Ở Pháp và Ba Lan, chỉ có 1 trong 20 người nói rằng họ đang đối phó tốt với giá cả tăng cao, so với 1/5 ở Anh và Đức.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy: "Đại đa số người được khảo sát tin rằng cuộc khủng hoảng này không phải là ngắn hạn. Thậm chí nhiều người cho rằng chưa thấy tín hiệu kết thúc cuộc khủng hoảng". 

Nhiều người được khảo sát ở Ba Lan và Đức cho biết họ đã phải tìm kiếm những nơi mua hàng hóa có giá rẻ hơn. Đa số những người được khảo sát cũng dự kiến sẽ cắt giảm hệ thống sưởi vào mùa đông này do giá năng lượng cao.

Niềm tin của người dân đối với Chính phủ về khả năng xử lý khủng hoảng ở mức thấp

Cuộc khảo sát cũng cho thấy người dân châu Âu ở 4 nước Anh, Pháp, Đức và Ba Lan có niềm tin thấp vào khả năng xử lý khủng hoảng của Chính phủ. Nhìn chung người dân không tin tưởng bất kỳ đảng chính trị nào có thể xử lý được cuộc khủng hoảng. Và vì thế, các đảng đối lập bao gồm cả những đảng theo chủ nghĩa dân túy bắt đầu có lợi thế.

Ở Anh, sự tin tưởng vào Đảng Lao động cao hơn 20 điểm so với Đảng Bảo thủ. Ở Pháp, Rassemblement National cực hữu là đảng được nhiều người tin tưởng nhất về xử lý khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Những người được khảo sát không chỉ cho rằng Nga là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, mà cả các công ty năng lượng và chính phủ các quốc gia cũng là những người phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng.

Ở Ba Lan, cử tri chủ yếu đổ lỗi cho chính phủ, trong khi cử tri Anh tập trung chỉ trích các công ty năng lượng và điện. Nga là nguồn đổ lỗi chính ở Pháp và Đức.

Đa số ở các quốc gia được thăm dò ý kiến, người dân muốn thấy sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo. Họ tin rằng năng lượng tái tạo là một cách để đạt được sự độc lập về năng lượng nhanh hơn.

Theo kết quả cuộc thăm dò, gần 2/3 số người dân ở các quốc gia đổ lỗi cho việc tăng hóa đơn năng lượng hiện nay một phần là do chính phủ của họ chậm đầu tư vào năng lượng tái tạo và không tin rằng các chính phủ nên trì hoãn cam kết về giải quyết biến đổi khí hậu. 

Đa số người dân được khảo sát ở 4 nước đều cho rằng việc trì hoãn các cam kết chống biến đổi khí hậu sẽ làm tăng các hóa đơn năng lượng trong trung và dài hạn. 

Nguồn: Euronews