Euro trượt giá mạnh: Không đơn giản chỉ là câu chuyện kinh tế

Li Lê
12:33 - 24/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đồng tiền chung châu Âu Euro tuột dốc không phanh, nhiều thời điểm nằm dưới ngưỡng 1 USD, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này, chỉ nỗ lực trong kinh tế là chưa đủ.

Không bất ngờ khi Euro rớt giá

Hơn 20 năm được đưa vào sử dụng, đồng Euro luôn duy trì là đồng tiền mạnh. Giá Euro luôn ở quanh mức 1 Euro đổi được 1,2 USD. Tuy nhiên, đồng tiền này đã gặp phải cú sốc cực nặng từ hồi giữa tháng 7, khi nó đã rơi xuống mức ngang giá với USD, thậm chí có thời điểm còn giảm dưới ngưỡng này khiến toàn thị trường một phen bất ngờ. 

Tính đến 18 giờ 15 ngày 23/8, giá Euro lại giảm sâu và ở ngưỡng 1 Euro đổi 0,9924 USD, giảm hơn 3% so với 24 giờ trước. Đây là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi đồng Euro bắt đầu được lưu hành rộng rãi vào ngày 1/1/2002. 

Tính từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã giảm giá mạnh gần 12%, tạo ra bức tranh tương phải với đồng USD khi đồng tiền này liên tục tăng cao kỷ lục. 

Euro trượt giá mạnh: Không đơn giản chỉ là chuyện kinh tế - Ảnh 1.

Tính từ đầu năm đến nay, Euro đã giảm giá gần 12%.
Ảnh: Reuters

Tâm lý bi quan bao trùm lên toàn bộ khu vực đồng Euro và thị trường lo lắng về xu hướng của đồng tiền chung châu Âu trong tương lai. Xu hướng lao dốc của Euro đã làm đảo lộn nhận thức cố hữu của mọi người rằng: “Đồng euro luôn có giá trị cao hơn đồng USD”.

Thực tế, việc đồng Euro giảm giá nhanh so với đồng USD không có gì đáng ngạc nhiên với những chuyên gia theo dõi sát tình hình tài chính toàn cầu. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tưởng này chính là do chính sách tăng lãi suất “diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). 

Cùng phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng vọt, nhưng thay vì "dậm chân tại chỗ" như châu Âu, FED đã đi đầu trong việc tăng lãi suất từ 25 điểm cơ bản đến liên tục tăng thêm 75 điểm cơ bản lần lượt vào tháng 3, 5, 6, 7 năm nay. Đây là các mức tăng liên tiếp cao nhất kể từ đầu thập niên 1980.

Việc tăng lãi suất nhanh và mạnh của FED đã khiến khoảng cách lãi suất giữa đồng USD và đồng Euro ngày càng bị nói rộng. Dòng vốn toàn cầu tập trung vào thị trường USD, trong khi, ở chiều ngược lại, Euro buộc phải chịu áp lực bán khống và tình hình ngày càng xấu đi.

Ngoài tác động bên ngoài, chính những vấn đề xáo trộn bên trong châu Âu cũng kéo tụt giá trị của đồng Euro xuống mức thấp.

Trong một khoảng thời gian dài, Liên minh châu Âu (EU) luôn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, EU từng bước áp đặt nhiều đợt trừng phạt kinh tế đối với Nga. Để đáp trả, Nga đã hạn chế xuất khẩu năng lượng và lương thực sang EU khiến khu vực này lao đao trong cảnh khủng hoảng năng lượng và tình trạng thiếu lương thực, đẩy giá cả trong toàn khu vực lên cao. 

Từ đó, lạm phát không ngừng leo thang khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, nhà đầu tư e dè khiến một lượng vốn lớn bị rút khỏi khu vực này, làm tăng nguy cơ suy thoái ở khu vực đồng Euro. Tất cả đã tác động khiến đồng Euro giảm mạnh. 

Sự chần chừ của nhà quản lý 

Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ tăng 50 điểm cơ bản đối với 3 lãi suất chủ chốt. Đây lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011. Tại cuộc họp báo sau cuộc họp về lãi suất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã thẳng thắn nói rằng việc tăng lãi suất lần này cao hơn dự kiến 25 điểm cơ bản và nguy cơ sụp đổ của đồng Euro là nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, động thái của ECB được đánh giá là quá muộn. Và điều này xuất phát từ chính mẫu thuẫn bên trong khối khi nhiều quốc gia trong khu vực đồng Euro đang vay nợ cao. Vì vậy, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí đi vay của các quốc gia này và làm tình hình tài chính thêm phần khó khăn. Từ đó, ECB luôn phải thận trọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ khiến khu vực này đã bỏ lỡ các cơ hội trong thời gian qua. 

Đánh giá về quyết định tăng lãi suất muộn còn hơn không của ECB, các chuyên gia cho rằng trong trung và dài hạn, tác dụng làm đảo chiều giá trị đồng Euro của việc tăng lãi suất là khá hạn chế. Bởi lẽ, nếu xung đột Nga - Ukraine còn tiếp diễn thì thị trường châu Âu sẽ khó thoát khỏi khủng hoảng thiếu hụt năng lượng.

Trong thông báo kinh tế mới nhất, ECB đã hạ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro từ 2,7% xuống 2,6% do có nhiều yếu tố bất lợi. Theo tính toán của tập đoàn Goldman Sachs, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro cứ giảm 1% thì tỉ giá hối đoái đồng Euro sẽ giảm 2%. Theo dự báo của một lãnh đạo ngân hàng Deutsche Bank, nếu kinh tế châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm trong quý III/2022 và đồng euro giảm xuống 1 Euro đổi 0,95-0,97 USD khi FED tiếp tục tăng lãi suất.

Euro trượt giá mạnh: Không đơn giản chỉ là chuyện kinh tế - Ảnh 3.

Đằng sau sự mất giá của đồng Euro thực chất là cuộc chiến tiền tệ căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu.
Ảnh: Reuters

Không chỉ đơn thuần là kinh tế

Đằng sau sự mất giá của đồng Euro thực chất là cuộc chiến tiền tệ căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu. Trước khi đồng Euro ra đời, đồng USD giữ vị thế “thống trị” và Mỹ dựa vào vị trí thống trị của mình trong hệ thống quốc tế để liên tục thu về của cải trên toàn cầu. 

Do đó, với tư cách là đồng tiền lớn thứ hai thế giới, đồng Euro được thị trường vốn quốc tế đặt nhiều hy vọng, được xem là có khả năng thách thức quyền bá chủ của đồng USD nhất.

Với đà giảm của hiện tại, chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho những thách thức mà châu Âu phải đối mặt. Một số phương tiện truyền thông Mỹ đã bắt đầu thổi phồng “thuyết suy thoái đồng Euro”. Và một số nhà bình luận đã nhìn ra rằng sự suy yếu liên tục của đồng Euro so với đồng USD không chỉ đơn giản là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề chính trị. 

Điểm mấu chốt lớn nhất của suy thoái kinh tế châu Âu không nằm ở vấn đề kinh tế, mà là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do đó, để có thể giải quyết khủng hoảng lạm phát châu Âu và khôi phục tỉ giá hối đoái đồng Euro, cũng như phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn khu vực, thì ưu tiên hàng đầu của EU chính là làm sao để thúc giục Nga và Ukraine đàm phán hòa bình, ngăn chặn xung đột kéo dài giữa hai quốc gia này.

Nguồn: Tổng hợp