Nghìn năm khuyến học của người Việt. Bài 2: Khuyến học khi có chữ quốc ngữ

GS.TS. Phạm Tất Dong
14:36 - 16/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lịch sử khuyến học của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 ghi nhận Đông Kinh nghĩa thục, Truyền bá Quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa… là những phong trào lớn cách mạng giáo dục kể từ khi có chữ quốc ngữ.

Chính sách khuyến học trong phong trào Duy Tân và cuộc vận động mở Đông Kinh nghĩa thục

Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị chìm đắm vào cảnh nô lệ, xã hội lầm than và nhân dân rơi vào tình trạng ngu dốt. Cuộc khởi nghĩa Cần Vương dẫu oanh liệt nhưng đã thất bại đau đớn. Sự thất bại Cần Vương chính do sự khủng hoảng về đường lối cứu nước lúc bấy giờ.

Sự khủng hoảng ở Việt Nam xảy ra đồng thời với sự khủng hoảng của nhiều dân tộc ở Châu Á bởi họ cũng phải đối mặt với thế lực của chủ nghĩa tư bản phương Tây đang đổ xô đi tìm thị trường ở các xã hội phương Đông.

Trong tình hình đó đã xuất hiện một trào lưu tư tưởng và hành động đổi mới, cách tân đất nước, sôi nổi nhất là ở Nhật Bản, Trung Quốc, rồi đến Việt Nam. Trào lưu ấy được gọi là phong trào Duy Tân.

Ở Việt Nam, nhà ái quốc Phan Bội Châu là người dẫn dẫn phong trào Duy Tân, hướng nhân dân và giới trẻ đến một xã hội văn minh, đổi mới đời sống nhân dân, mọi việc cần làm cho mục tiêu đó phải bắt đầu từ sự học hành.

Nội dung học hành xoay quanh việc giải quyết tình trạng "dân ngu, nước yếu", xóa bỏ sự hủ bại của Nho học, phủ nhận chế độ phong kiến và thực dân, đề cao dân chủ. Những việc mà phong trào Duy Tân tập trung vào làm để khai sáng dân trí là:

Chuyển những tác phẩm mang những tư tưởng tân tiến của thế giới đã được dịch sang chữ Hán vào Việt Nam để thức tỉnh dân chúng, trước hết là giới trí thức Nho học và thanh niên. Trong đó phải kể đến những tác phẩm về các nhân vật như Jeane d'Arc – Nữ anh hùng người Pháp trong cuộc chiến tranh 100 năm giữa Pháp và Anh; Roland (Marie – Jeanne Roland) – nhà văn và là nhà chính trị người Pháp, nhân vật nổi tiếng trong cuộc Cách mạng Pháp 1789 – 1799; Pierre le Grand (Piốt Đại đế - Vị vua có nhiều cải cách ở Nga); Washington (Người lập quốc và là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ).

Tuyên truyền tư tưởng Duy Tân trong những bộ sách lớn như Esprit des Lois (Tinh thần pháp luật) của Montesquieu, Contrat social (Dân Ước) của Jean Jacques Rousseau, tác phẩm của Charles Darwin và của nhiều nhà khoa học khác.

Đưa nhiều tờ báo có tư tưởng dân chủ, tiến bộ từ nước ngoài vào Việt Nam, nhiều nhất là báo chí Trung Quốc với những tên tuổi Chương Thái Viên, Đàm Tự Đồng, Trần Dung, Lương Khải Siêu...

Phổ biến những văn bản có nhãn quan đổi mới như bản Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, bản Thiên hạ đại thế của Nguyễn Lộ Trạch...

Giúp một số nhà Nho nghiên cứu một số vấn đề khoa học, chú ý tính thực nghiệm, phê phán lối học hư văn, cổ động Tân học.

Vận động một số nhà Nho đoạn tuyệt với hủ tục cổ truyền (nhất là phong trào cắt tóc ngắn).

Mở hàng loạt trường học ở thôn quê, khác với các trường lớp của thầy đồ, theo mô hình Đông Kinh nghĩa thục.

Tổ chức các buổi diễn thuyết, vận động tân học.

Lập các hội buôn, các cửa hàng bán các sản phẩm nội hóa và bán sách Tân thư.

Nghìn năm khuyến học của người Việt. Bài 2: Khuyến học khi có chữ quốc ngữ  - Ảnh 3.

Trường học Đông kinh nghĩa thục đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam. Ảnh Tư liệu

Đông Kinh nghĩa thục là loại hình trường tư, xây dựng phỏng theo mô hình Khánh Ứng nghĩa thục (Keio Gijuku) của Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản).

Việc tổ chức Đông Kinh nghĩa thục thực chất là sự tập hợp lực lượng trí thức rộng rãi từng tiếp xúc với tư tưởng dân chủ và văn minh phương Tây, phát triển và đổi mới giáo dục như một điều kiện làm cách mạng giải phóng đất nước.

Gắn với Đông Kinh nghĩa thục là tên tuổi của những nhà Nho có đầu óc canh tân như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cấn, Trần Quý Cáp, Dương Bác Trạc, Hoàng Tăng Bí, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can... cùng với những gương mặt mới trong các lĩnh vực văn hóa, văn chương như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn...

Đông Kinh nghĩa thục giương cao khẩu hiệu "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Mở mang dân trí, đổi mới tư duy; thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, giác ngộ quyền lợi; tổ chức học hỏi để mở mang ngành nghề, phát triển sản xuất, mưu cầu hạnh phúc.

Đông Kinh nghĩa thục đưa ra 6 giải pháp lớn về đổi mới giáo dục:

  • Dùng văn tự nước nhà (Dùng chữ quốc ngữ do giáo sĩ Alexandre de Rhode có công biên soạn và hoàn chỉnh).
  • Hiệu đính sách vở, phổ biến các tác phẩm có tư tưởng tiến bộ, dân chủ và canh tân.
  • Sửa đổi phép thi, phê phán cách thi Nho học nghiệt ngã, vô lối, không trọng sự sáng tạo và uyên thâm, gò người học vào khuôn mẫu cứng nhắc.
  • Cổ võ nhân tài, chủ trương muốn mở dân trí thì trước hết phải mở trí phái thân sĩ, tạo nên lớp người có tài giúp ích thiên hạ.
  • Chấn hưng công nghệ, coi trọng phát triển các công nghệ, coi trọng phát triển các công nghệ để đẩy mạnh sản xuất.
  • Mở tòa báo, lấy báo chí làm công cụ mở mang dân trí, cổ vũ đọc báo (vì chữ quốc ngữ chỉ cần mấy tháng học là đọc được báo).

Những tư tưởng về phát triển, mở mang dân trí của Đông Kinh nghĩa thục đến nay vẫn có giá trị cao:

Dục khai dân trí, tiên khai thân trí (Muốn khai trí cho dân, trước hết phải khai trí cho giới trí thức).

Tuệ não tận tòng tân học đắc/Kiêm tâm tư tự nhiệt thành lai (Trí thông minh đều do cái học mà có. Song sự kiên tâm học phải do lòng nhiệt thành ái quốc đem lại).

Đông Kinh nghĩa thục là một nét son khuyến học trong lịch sử phát triển nước nhà. Nhiều người đã gọi 10 năm đầu tiên của thế kỷ XX (1901 – 1910) của nước ta là thập niên ánh sáng. 

Chính sách khuyến học của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Từ ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, đất nước ta đã hồi sinh và phát triển kỳ diệu, trở thành một quốc gia sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự phát triển đó có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu phải nói đến là chúng ta đã có được một nền giáo dục làm nền tảng cho mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, mà xuyên suốt mọi quá trình giáo dục là chính sách khuyến học nhất quán và triệt để theo hướng chỉ đạo của tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh: Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái.

Thúc đẩy học tập, chống "giặc dốt"

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập trước thế giới thì ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký 3 sắc lệnh về học tập toàn dân chống nạn mù chữ:

Sắc lệnh 17/SL: Đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam và cử ông Nguyễn Công Mỹ làm giám đốc Bình dân học vụ.

Sắc lệnh 19/SL: Trong toàn cõi Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và công nhân những lớp học bình dân buổi tối. Trong hạn sáu tháng, làng nào và đô thị nào cũng có ít ra là một lớp học dạy được ít nhất là ba mươi người.

Sắc lệnh 20/SL: Trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bức, việc học chữ Quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Lá thư đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh và ngành giáo dục

Nhân ngày khai giảng năm học 1945 - 1946, năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư đến các trường học trong cả nước

"Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…

Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay, chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều.  

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em!
Hồ Chí Minh


Chính sách khuyến khích giáo viên Bình dân học vụ

Để có thể giúp dân xóa mù chữ, Nhà nước đã chủ trương xây dựng một đội ngũ những người biết chữ dạy những người chưa biết chữ. Đó là đội ngũ giáo viên Bình dân học vụ. Người dạy Bình dân học vụ có thể là người mới đọc thông viết thạo, tức là ở trình độ thoát nạn mù chữ. Nhiều thiếu niên đang học tiểu học cũng tham gia xóa mù chữ.

Đây là chính sách độc đáo chỉ thấy ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho những người tham gia dạy Bình dân học vụ. Trong thư có đoạn viết:

"Anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp xóa nạn mù chữ. Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hi sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc.

Anh chị em làm việc không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là người "vô danh anh hùng". Tuy là vô danh những rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em. 

Tôi mong rằng trong một thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang: đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng". 

Kết quả diệt giặc dốt giai đoạn 9/1945-12/1958

43,40% dân cư đồng bằng và trung du Bắc Bộ biết đọc, biết viết.

Toàn thể công nhân, nhân viên các xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể đã thanh toán xong nạn mù chữ, chuyển sang bổ túc văn hóa.

97,50% dân số Hà Nội không mù chữ.

Ninh Bình là tỉnh đầu tiên hoàn thành kế hoạch thanh toán nạn mù chữ do Chính phủ quy định.

Ông Nguyễn Trung Thiếp (Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An) được Nhà nước phong Anh hùng lao động trong phong trào diệt dốt.

Chính sách nâng cao trình độ học vấn cho toàn dân

Năm học 1957 - 1958 đánh dấu thời điểm chuyển hoạt động Bình dân học vụ sang Bổ túc văn hóa bằng sự kiện khai giảng khóa học đầu tiên của trường Phổ thông lao động. Đây là loại hình trường làm nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho cán bộ chủ chốt của các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ cốt cán của các ngành, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và những thanh niên ưu tú.

Ngày 1/12/1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 93-NQ/TW, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các biện pháp tiến hành bổ túc văn hóa nhằm đáp ứng có hiệu quả việc nâng cao trình độ học vấn cho cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo công nhân, nông dân theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Ngày 7/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và giáo viên Bổ túc văn hóa. Trong thư có đoạn viết:

"Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hóa. Vì vậy, công việc bổ túc văn hóa là cực kỳ cần thiết.

Công việc bổ túc văn hóa đối với người dạy và người học đều có khó khăn hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng với quyết tâm và với tinh thần xã hội chủ nghĩa thì khó khăn gì cũng phải khắc phục và bổ túc văn hóa nhất định thành công".

Ngày 17/5/1961, Phủ Thủ tướng ra Thông tư số 195/TTg với mấy quy định sau:

Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm chính và lãnh đạo kế hoạch dạy văn hóa trong đơn vị mình.

Công đoàn chịu trách nhiệm tổ chức người đi học và động viên khen thưởng người có thành tích tốt trong học tập.

Việc dạy Bổ túc văn hóa phải bảo đảm mấy yêu cầu: Nội dung phải hết sức thiết thực; Thực hiện đúng phương châm "Cần gì học nấy"; Kết hợp chặt chẽ với học kỹ thuật.

Việc thực hiện Thông tư 195/TTg được tiến hành theo những giải pháp dưới đây:

Một là, Bộ Giáo dục xây dựng chương trình Bổ túc văn hóa cấp I, cấp II.

Hai là, các Bộ phải phối hợp với Bộ Giáo dục để biên soạn chương trình bổ túc văn hóa cho ngành mình.

Ba là, chương trình bổ túc văn hóa cấp III chủ yếu dựa vào chương trình phổ thông, có sửa đổi cho tinh giản nhưng vẫn phải coi trọng kiến thức văn hóa cơ bản.

Bốn là, hệ thống bổ túc văn hóa cấp xã, đội ngũ giáo viên dựa vào các trường phổ thông ở địa phương. Hội đồng giáo viên trường phổ thông thực hiện chủ trương "Một hội đồng, hai nhiệm vụ". Đảng ủy và chính quyền cấp xã phải lãnh đạo, quản lý việc dạy bổ túc văn hóa trên địa bàn, kể cả việc xóa mù cho những người chưa hoàn thành chương trình xóa mù chữ.

Từ năm 1958 đến năm 1993, công tác Bổ túc văn hóa đã đạt được nhiều kỳ tích như sau:

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng việc học bổ túc văn hóa chưa bao giờ bị gián đoạn: Ở Vĩnh Linh (Quảng Bình), hàng ngày vẫn có hàng trăm cán bộ, du kích, dân chúng học bổ túc văn hóa dưới hầm sâu; mặc cho chiến sự ác liệt, ở Hà Tĩnh  vẫn có 70.000 người học bổ túc văn hóa).

Trường bổ túc văn hóa phát triển thành nhiều loại hình, bao gồm: Trường bổ túc công nông trung ương; Trường bổ túc công nông tỉnh, thành; Trường phổ thông lao động huyện, quận; Trường "Ba đảm đang" dành cho phụ nữ; Trường thanh niên dân tộc vừa học, vừa làm; Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa.

Nhờ học bổ túc văn hóa, đội ngũ cán bộ quản lý hành chính các cấp xã đã có trình độ trung học, hàng vạn cán bộ cốt cán, thanh niên ưu tú đã học lên đại học, trong số đó có nhiều trở thành cán bộ khoa học, cán bộ quản lý các ngành, các doanh nhân thành đạt và các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Vào những năm chiến tranh ác liệt, tại miền Nam, công tác bổ túc văn hóa cũng được tổ chức. Ví dụ, năm 1973, tại Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé có 900 cán bộ học bổ túc văn hóa. Con số học viên Bổ túc văn hóa ở Hậu Giang, Kiên Giang, Minh Hải năm 1974 là 4000, ở Thuận Hải, Lâm Đồng, Quảng Trị năm 1973 là 1463 người.

Ngày 15/9/1986, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho thành ngành Bổ túc văn hóa. Đến năm học 1992 - 1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thành lập một số Trung tâm giáo dục thường xuyên trên cơ sở phát triển hệ thống trường Bổ túc văn hóa đa chức năng. Sau đó, Bộ ra tiếp Chỉ thị 07/CT quy định xây dựng các Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và phát triển các Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.

Hội nghị Trung ương lần thứ tư (Khóa VII, 1993) đã ra Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, khẳng định rõ:

"Cần phải thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân. Đối với giáo dục bổ túc, đào tạo và bồi dưỡng tại chức, khuyến khích các loại hình giáo dục không chính quy, mở rộng dạy nghề và học ngoại ngữ"

Đến đây, chính sách khuyến học sang trang mới, hướng tới xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập

Khuyến học trong thời đại ngày nay

Ngày nay, người dân Việt vẫn coi khuyến học như một đạo lý cần được lưu giữ, truyền tải, phổ biến trong xã hội, nhưng trong điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức, đạo lý ấy được gắn liền với "hành trình đi cùng tri thức" do người dân thực hiện trong suốt cuộc đời.

Để giáo dục đến với mọi người, để bất cứ người dân nào cũng gắn giáo dục và học tập với mọi thời kỳ lứa tuổi của một con người, hoạt động khuyến học hướng tới mục tiêu xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.

Xã hội học tập có một nhiệm vụ mà nền giáo dục truyền thống không làm được, đó là việc dỡ bỏ mọi rào cản đối với cơ hội học tập suốt đời của bất cứ người dân nào trong xã hội hiện nay. Những rào cản về mọi phương diện tài chính, kỹ thuật, pháp lý, tâm lý, phong tục, tập quán lạc hậu phải được khắc phục một cách triệt để.

Những chính sách khuyến học ngày nay

Việc hoạch định những chính sách khuyến học hiện nay cần được tập trung vào các vấn đề quan trọng sau đây:

Phát huy những năng lực còn tiềm ẩn trong mỗi người dân để họ được phát triển bền vững trong xã hội hiện đại.

Xây dựng cho người dân một lối sống thích hợp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội, nhất là lối sống trong môi trường số do Chương trình chuyển đổi số quốc gia quy định.

Xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho người dân, tạo nên một xã hội học tập lành mạnh.

Xây dựng các mô hình học tập tại các cấp hành chính để tạo ra hệ sinh thái học tập suốt đời cho dân chúng.

Khuyến học ngày nay không chỉ đạo lý trong nhân dân, mà nó còn là pháp lệnh. Quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm học tập suốt đời của nhân dân được quy định bởi các văn kiện pháp lý của Nhà nước, tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của Đảng. Những văn kiện pháp lý của Nhà nước được những điều luật bảo đảm việc thực hiện đầy đủ.

Xã hội học tập là một trào lưu quốc tế, là xu hướng phát triển giáo dục của các quốc gia có nền công nghiệp hiện đại. Việc xây dựng xã hội học tập của Việt Nam sẽ hội nhập với xu hướng chung của thế giới. Vì thế, khuyến học phải giúp người học tiếp cận với xu thế học tập suốt đời của người lớn tại những nước tiên tiến về giáo dục.
Bình luận của bạn

Bình luận