Lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến

Nguyễn Năng Lực
18:06 - 24/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong hơn 900 năm, từ khi bắt đầu mở khoa thi (1075) đến khoa thi cuối cùng tổ chức năm 1919, lịch sử khoa cử Việt Nam có 184 khoa thi với 2785 vị đỗ đại khoa (đỗ Tiến sĩ và Phó bảng), trong đó có 56 Trạng nguyên, gồm 7 trong số 9 thủ khoa Đại Việt và 49 Trạng nguyên.

Lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến- Ảnh 1.

Các quan giám khảo kì thi Hội cuối cùng (1919). Ảnh: Tư liệu

Trạng nguyên là danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ của người đỗ cao nhất trong các khoa thi Đình thời phong kiến ở Việt Nam, kể từ khi có danh hiệu Tam khôi dành cho 3 vị trí đầu tiên. 

Người đỗ Trạng nguyên nói riêng và đỗ Tiến sĩ nói chung phải vượt qua 3 kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình

Khoa thi đầu tiên mở năm 1075 dưới thời Lý Nhân Tông, nhưng người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh chưa được gọi là Trạng nguyên. Từ năm 1075 đến năm 1246, có bảy vị đỗ đầu các khoa thi, nhưng chưa có danh hiệu Trạng nguyên. 

Đến đời Vua Trần Thái Tông (1246 hoặc 1247?) mới đặt ra định chế tam khôi (ba vị trí đỗ đầu có tên gọi thứ tự là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) thì mới có danh hiệu Trạng nguyên và người đầu tiên đạt danh hiệu Trạng nguyên là Nguyễn Hiền. Ông cũng là vị Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đỗ Trạng nguyên khi mới 12 (có tài liệu nói là 13) tuổi. 

Đến thời nhà Nguyễn không lấy danh hiệu Trạng nguyên nữa. Do đó Trạng nguyên cuối cùng là Trịnh Tuệ (vốn tên là Trịnh Huệ, nhưng do trùng tên với Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên phải đổi là Tuệ) đỗ khoa Bính Thìn (1736) thời Lê -Trịnh.

Các vị đỗ đại khoa, đặc biệt là Trạng nguyên, được vua ban mũ áo, được tổ chức vinh quy bái tổ rất trọng thể. Nghi thức này nhằm vinh danh người tài, khuyến khích sĩ tử chăm chỉ học tập, dùi mài kinh sử để mong có ngày vẻ vang.