Nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, bạn phải làm gì?

Minh Châu
17:41 - 30/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Khi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, nhiều người thường bi quan và tuyệt vọng về sự sống của bản thân. Dưới đây là những chỉ dẫn hữu ích giúp bạn quên đi nỗi lo bệnh tật và tận hưởng từng giây phút quý giá của cuộc sống.

Bệnh hiểm nghèo là gì?

Bệnh hiểm nghèo là bệnh nguy hiểm đến tính mạng và khó có phương thức chữa trị. Trong đó, sự nguy hiểm đến tính mạng có thể gây ra bởi những tác động nghiêm trọng lên cơ thể ở thời điểm hiện tại và diễn tiến qua giai đoạn sau nhanh chóng hoặc bệnh diễn tiến từ từ nhưng lại khó điều trị. Bệnh hiểm nghèo có nguy cơ cao gây ra suy yếu, tật nguyền hoặc tử vong.

Phương pháp điều trị bệnh hiểm nghèo thuộc mức độ khó, đòi hỏi kỹ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư… cao cấp, liệu trình điều trị đặc biệt, kéo dài, bám sát thực tế, khó đoán định trước. Khả năng điều trị thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, nguyên nhân, tình trạng bệnh, sức khỏe và cơ địa người bệnh…

Nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, bạn phải làm gì? - Ảnh 1.

Khi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, nhiều người thường bi quan và tuyệt vọng về sự sống của bản thân. Ảnh minh họa: Getty Images

Một số bệnh hiểm nghèo được nhiều người biết đến như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, suy tim, suy thận…

Yếu tố quyết định khả năng chữa khỏi các bệnh này là sự điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, chi phí điều trị tốn kém là một trong những nỗi lo lớn nhất của người mắc bệnh hiểm nghèo và gia đình họ.

Theo WebMD, nếu chẳng may mắc phải bệnh hiểm nghèo, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc những lời căn dặn trong điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa, một thói quen sống tích cực sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho bạn.

Làm cho bữa ăn hấp dẫn

Khi phát hiện mình mắc bệnh, tâm lý người bệnh thường buồn phiền, chán nản và không muốn ăn uống, chăm sóc bản thân mình. Tuy nhiên điều này sẽ làm cho tình trạng sức khỏe của bạn xấu hơn. Lời khuyên cho bạn lúc này là nên ăn các loại thực phẩm mà bản thân yêu thích và sử dụng thủ thuật để cải thiện khả năng ăn uống.

Chẳng hạn như lời chia sẻ của Soldinger, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này tại Washington, Mỹ: "Nếu mẹ tôi ngồi ở một bàn ăn mà không có ai nói chuyện, bà sẽ không ăn. Nhưng nếu bà ngồi cùng bàn với những người mà bà yêu quý, bà muốn ăn nhiều hơn - đặc biệt là nếu bà ngồi đối diện với một người đàn ông. Bà sẽ chăm chú nói chuyện cùng với họ".

Ra ngoài thư giãn

Theo các nhà nghiên cứu, việc lang thang ngoài trời có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm và lo âu. Nếu sống trong thành phố, bạn có thể chuyển tới một khu phố xanh sạch hơn bởi nơi đó giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho bạn.

Chỉ cần được hòa mình với thiên nhiên bạn sẽ cảm thấy thoải mái và quên đi nỗi lo bệnh tật.

Nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, bạn phải làm gì? - Ảnh 3.

Chỉ cần được hòa mình với thiên nhiên bạn sẽ cảm thấy thoải mái và quên đi nỗi lo bệnh tật. Ảnh: stretch-spot

Tích cực hoạt động thể chất

Cơ thể cần tập thể dục để giữ cho cơ bắp khỏe mạnh, dẻo dai. Thực hiện các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe sẽ mang lại tác dụng tuyệt vời cho bạn. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục mang lại lợi ích cho tất cả các bộ phận trên cơ thể. Nó cũng có tác dụng tuyệt vời giúp cải thiện tâm trạng của bạn và đánh bay stress.

Bạn nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục với cường độ vừa phải (như đi bộ nhanh), thực hiện 5 ngày/tuần đối với người trưởng thành. Điều này áp dụng cho những người có sức khỏe.

Không quan trọng việc bạn tập thể dục tại nhà hay tại phòng tập thể dục mà điều quan trọng là việc thực hiện và làm điều đó đều đặn hàng ngày.

Ngủ nhiều

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng cho cơ thể. Khi bạn đang phải chống chọi lại với một căn bệnh hiểm nghèo, điều này càng trở nên đặc biệt quan trọng.

Giấc ngủ là một cách để cơ thể tự làm lành các vết thương. Nếu không thể ngủ được khoảng 7-9 tiếng một đêm, hãy thử ngủ trưa. Nghiên cứu cho thấy ngủ trưa có thể giúp làm giảm căng thẳng và thúc đẩy hệ thống miễn dịch, bảo vệ của cơ thể chống lại vi trùng. Một giấc ngủ ngắn khoảng 30 phút có thể bù đắp những tác động nội tiết từ một đêm bạn bị mất ngủ hay ít ngủ.

thien dinh.jpg

Bạn có thể thực hiện các bài thiền để tâm trí được thư giãn, giảm căng thẳng và bình tĩnh tốt hơn. Ảnh: sunrockyoga

Giữ bình tĩnh

Căng thẳng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, từ bệnh tim, tiểu đường và ung thư đến chất lượng cuộc sống. Trong một nghiên cứu trước đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Penn State, Mỹ đã đo phản ứng của người trưởng thành trước một sự việc không như ý và xem xem điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể của họ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người không giữ được bình tĩnh khi đối mặt với những căng thẳng dù là rất nhỏ của cuộc sống hàng ngày có tình trạng viêm trong cơ thể cao hơn.

Bạn có thể thực hiện các bài thiền để tâm trí được thư giãn, giảm căng thẳng và bình tĩnh tốt hơn.

Quan tâm tới mọi người

Không phải là mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter hay Instagram. Điều quan trọng là bạn phải dành nhiều thời gian thực sự cho gia đình và bạn bè chứ không phải là thế giới ảo của mạng xã hội.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Y tế và Hành vi xã hội cho thấy, quan tâm tới các mối quan hệ đang có và cải thiện nó mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần và thể chất cho mỗi người.

Bạn có thể lên kế hoạch đi chơi thường xuyên với cha mẹ, người thân của mình, như là ra ngoài ăn tối, cùng đi xem phim hay xem ca nhạc…

Bình luận của bạn

Bình luận