8 thói quen nấu ăn dễ làm gia đình bạn mắc bệnh

N.Cường
06:20 - 16/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Loại bỏ những thói quen này sẽ giúp nhà bếp của bạn sạch sẽ, an toàn để nấu nướng và ăn uống. Bữa ăn cho gia đình sẽ trở nên ngon lành, hấp dẫn và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cho thức ăn vào bất cứ chỗ nào còn trống trong tủ lạnh

Nhiều người có thói quen để thức ăn vào bất cứ chỗ nào còn trống trong tủ lạnh mà không cần suy nghĩ nhiều.

Theo The Huffington Post, Ellen Shumaker - tiến sĩ về khoa học thực phẩm và chỉ đạo chương trình tiếp cận an toàn thực phẩm cộng đồng của Đại học Bang North Carolina, Mỹ cho biết mỗi người nội trợ cần tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt về nơi đặt thực phẩm trong tủ lạnh để tránh lây nhiễm chéo. Ví dụ, thực phẩm sống có thể chứa mầm bệnh nên tuyệt đối không nên để chúng tiếp xúc với thực phẩm chín.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bạn nên bảo quản thực phẩm chín lên phía trên của tủ lạnh và để thực phẩm sống bên dưới. Nên để thịt sống ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh, trong khi rau và các thực phẩm khác cần giữ tươi ở các ngăn phía trên. Điều quan trọng là phải sử dụng nắp đậy và hộp đựng thực phẩm thích hợp. Đồng thời, vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh bụi bẩn hoặc hơi ẩm tích tụ. Những thứ này cũng có thể làm thực phẩm bị nhiễm bẩn, gây ngộ độc khi sử dụng.

Để những món ăn mới lên trên, món cũ xuống dưới

Nếu bạn nhìn vào bên trong tủ lạnh nhà mình ngay bây giờ, cái gì sẽ ở ngay phía ngoài tủ? Túi khoai tây chiên yêu thích của bạn hay bột yến mạch bạn lấy ra hàng ngày để làm bữa sáng?

Bạn nên sử dụng thực phẩm dựa trên thời hạn sử dụng của chúng. Điều này đảm bảo mọi thứ đều được sử dụng và ngăn chặn thực phẩm hết hạn trong tủ lạnh do bạn để chúng ở góc sâu trong tủ và quên không sử dụng.

Đặc biệt, một khi thực phẩm đã bị hỏng hay quá hạn sử dụng, nên bỏ đi ngay lập tức.

8 thói quen nấu ăn dễ làm gia đình bạn mắc bệnh - Ảnh 1.

Việc nếm thử món ăn trong quá trình chế biến có thể được thực hiện, nhưng cần đảm bảo người nếm thử không làm ô nhiễm món ăn. Ảnh: Getty Images

Khi nấu ăn, nhúng thìa vào thức ăn đang chuẩn bị để nếm thử

Khi bạn nấu ăn ở nhà, một trong những điều thú vị mà nhiều người nội trợ vẫn hay làm là nếm thử món ăn trước khi dọn ra bàn ăn. Đây được xem là chìa khóa giúp đảm bảo lượng gia vị đã được cho vào món ăn một cách hợp lý. Tuy nhiên, con người có thể mang vi khuẩn vào thực phẩm. Do đó, việc nếm thử có thể được thực hiện, nhưng cần đảm bảo người nếm thử không làm ô nhiễm món ăn.

Cụ thể, không nên nếm thử thức ăn trong quá trình chuẩn bị món ăn. Cách an toàn để kiểm tra thực phẩm là sử dụng dụng cụ hoặc đĩa dùng một lần để lấy mẫu từ một món ăn.

Xếp thớt ướt sau khi rửa

Đây cũng là một trong những thói quen nấu ăn bạn nên loại bỏ bởi nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Nếu để những chiếc thớt của mình chồng lên nhau trong tủ bếp hay giá treo, bạn đang vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Thớt nên được cất thẳng đứng và không bao giờ xếp chồng lên nhau. Điều này để đảm bảo bề mặt thớt nhanh chóng thoát nước, khô ráo. Nếu thớt được cất chồng lên nhau, độ ẩm sẽ bị giữ lại, dẫn đến nấm mốc phát triển trên mặt thớt.

8 thói quen nấu ăn dễ làm gia đình bạn mắc bệnh - Ảnh 2.

Lau khô các đồ dùng trong nhà bếp bằng khăn lau bát đĩa có thể làm bát đĩa nhiễm khuẩn nếu khăn bị nhiễm bẩn. Ảnh: Getty Images

Làm khô đồ dùng bằng khăn lau bát đĩa

Khăn lau bát đĩa có thể là nơi sinh sản của vi khuẩn. Lau khô các đồ dùng trong nhà bếp bằng khăn lau bát đĩa có thể làm bát đĩa nhiễm khuẩn nếu khăn bị nhiễm bẩn. Cách tốt nhất là nên phơi bát đĩa dưới ánh nắng mặt trời.

Chơi cùng thú cưng khi đang nấu ăn

Không nên chơi đùa cùng động vật trong quá trình nấu ăn vì chúng có thể làm ô nhiễm khu bếp nhà bạn bởi lông, nước dãi và các chất tiết khác của chúng. Cả mèo và chó đều mang mầm bệnh có thể lây nhiễm sang thực phẩm. Nếu bạn định cho phép thú cưng của mình vào bếp, ít nhất hãy rửa tay trước khi chơi đùa cùng chúng và rửa lại tay sạch sẽ khi chuẩn bị bữa ăn.

Rã đông thịt, cá sai cách

Thực phẩm được bảo quản đông lạnh sẽ cần rã đông trước khi chế biến. Việc rã đông thực phẩm sai cách có thể khiến hàm lượng chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị giảm sút. Đồng thời, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn, gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng.

Có nhiều cách rã đông thực phẩm an toàn như để thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh, ngâm thực phẩm trong nước lạnh…

Nếu có kế hoạch dùng thực phẩm trong ngăn đông lạnh từ trước, bạn chỉ cần lấy thực phẩm cần sử dụng trong ngăn đông lạnh ra rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Với cách rã đông này, bạn có thể để thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh thêm 1-2 ngày mà thực phẩm vẫn đảm bảo chất lượng.

Trong trường hợp không có nhiều thời gian để rã đông thực phẩm, có thể ngâm thực phẩm cần rã đông trong nước lạnh. Lưu ý, cần bọc kín thực phẩm trong túi nhựa, ngâm trong nước lạnh và không để túi bị rách. Điều này sẽ làm không khí và nước ngấm vào thực phẩm, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm gây bệnh. Sau khi rã đông thực phẩm nên chế biến ngay.

Đặc biệt, không nên cho vào tủ lạnh trữ đông tiếp thực phẩm đã rã đông. Nguyên nhân là bởi thực phẩm sau khi rã đông sẽ dễ bị nhiễm vi khuẩn, nếu tiếp tục cho vào ngăn đông sẽ thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi, chất lượng thực phẩm giảm và khi dùng dễ bị ngộ độc.

Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh không đúng cách

Việc đảm bảo nhiệt độ phù hợp trong tủ lạnh cũng rất quan trọng.

Ngăn đông là nơi bảo quản thực phẩm tươi sống và các loại đồ khô… Để chúng không bị hư hại, nấm mốc, thực phẩm tươi sống nên được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ -18 độ C.

Đối với ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ lý tưởng để bảo quản tất cả các loại thực phẩm là từ 2-4 độ C. Lưu ý, thực phẩm trong ngăn mát chỉ được bảo quản trong thời gian giới hạn nhất định tùy theo loại thực phẩm.

Thực hiện các bước an toàn trong sơ chế, nấu nướng và bảo quản thực phẩm khi nấu ăn là điều rất cần thiết để ngăn ngừa các bệnh do thực phẩm gây ra. Bạn không thể nhìn, ngửi hoặc nếm thực phẩm khi chúng chứa vi khuẩn có thể gây hại cho sức khỏe.

Trong mỗi bước nấu ăn, hãy làm theo bốn nguyên tắc để giữ an toàn cho thực phẩm:

  • Thường xuyên rửa tay và bề mặt bếp sạch sẽ.
  • Tách thịt sống ra khỏi các thực phẩm khác.
  • Nấu thực phẩm đến nhiệt độ phù hợp.
  • Làm lạnh (bảo quản) thực phẩm nhanh chóng.