Nền kinh tế internet có sụp đổ khi Google "chia tay" Chrome?

08:00 - 22/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bloomberg đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang yêu cầu thẩm phán xét xử vụ kiện chống độc quyền của Google, buộc công ty này phải bán trình duyệt Chrome nhằm tránh duy trì tình trạng độc quyền tìm kiếm bất hợp pháp.

Nền kinh tế internet có sụp đổ khi Google "chia tay" Chrome?- Ảnh 1.

Bộ Tư pháp đã quyết định yêu cầu thẩm phán buộc Google phải bán trình duyệt Chrome. Đây là một động thái trấn áp mang tính lịch sử đối với một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Hình ảnh: Bloomberg

Hoa Kỳ kiện Google: Cuộc chiến chống độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm

Bloomberg đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang yêu cầu thẩm phán xét xử vụ kiện chống độc quyền của Google, buộc công ty này phải bán trình duyệt Chrome nhằm tránh duy trì tình trạng độc quyền tìm kiếm bất hợp pháp.

"Trong hơn một thập kỷ, Google đã kiểm soát các kênh phân phối phổ biến nhất, khiến các đối thủ cạnh tranh không có động lực để cạnh tranh, giành người dùng. Để khắc phục hoàn toàn những tác hại này, không chỉ cần chấm dứt quyền kiểm soát phân phối của Google hiện nay mà còn phải đảm bảo Google không thể kiểm soát việc phân phối trong tương lai".

Đây không phải là lần đầu tiên Google đụng độ với chính phủ Hoa Kỳ. Vào tháng 8/2024, Thẩm phán Amit Mehta đã phán quyết rằng công cụ tìm kiếm của Google đã khai thác bất hợp pháp vị thế thống trị của mình. 

Đối với người dùng, Chrome là một sản phẩm miễn phí, đưa người dùng vào Google Tìm kiếm mặc định và cho phép Google theo dõi toàn diện hơn những gì người dùng đang làm. 

Nền kinh tế internet có sụp đổ khi Google "chia tay" Chrome?- Ảnh 2.

Chính Phủ Mỹ mong muốn thẩm phán xem xét việc xóa bỏ quyền lực độc quyền của Google, bao gồm cả việc chia nhỏ công ty. Hình ảnh: The Verge

Sở hữu trình duyệt web phổ biến nhất thế giới là chìa khóa cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google. Công ty có thể xem hoạt động từ những người dùng đã đăng nhập và sử dụng dữ liệu đó để nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào các chương trình khuyến mại, tạo ra phần lớn doanh thu của công ty. Google cũng đã sử dụng Chrome để hướng người dùng đến sản phẩm AI hàng đầu của mình, Gemini, có tiềm năng phát triển từ một bot trả lời thành một trợ lý theo dõi người dùng trên web.

Theo Chính phủ Mỹ, Chrome củng cố hoạt động kinh doanh của Google, như việc Apple trả tiền để đưa Google thành công cụ tìm kiếm mặc định trên thiết bị iOS. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tác hại liên kết nguy hiểm do hành vi phản cạnh tranh của Google.

Nếu Chrome tách khỏi Google, nền kinh tế internet có sụp đổ hay không? 

Cụ thể, câu chuyện về Chrome không chỉ là về trình duyệt của Google; vai trò của nó trong nền kinh tế internet còn quan trọng và phức tạp hơn nhiều. Chrome, là sản phẩm thương mại của Google, chủ yếu dựa trên Chromium - phần mềm mã nguồn mở miễn phí cho các công ty khác. Nhiều trình duyệt như Edge (Microsoft), Silk (Amazon), Opera, Yandex, QQ, Brave, DuckDuckGo và Arc cũng được phát triển dựa trên Chromium. Google quản lý và tài trợ cho dự án Chromium, do đó, các tiêu chuẩn và công nghệ trình duyệt mới đều bị ảnh hưởng bởi Google.

Nếu Google mất quyền kiểm soát Chrome đồng nghĩa là Google sẽ rút nguồn lực khỏi dự án Chromium hoặc bán dự án này cho những người mua mới. Theo định giá của Bloomberg, Chrome được ước tính có giá gần 20 tỷ đô la. Như vậy, nhóm người mua tiềm năng là cực kỳ nhỏ. Điều này, sẽ tạo ra sự xáo trộn và hỗn loạn trên thị trường trình duyệt phụ thuộc và Chromium kể trên.

Cùng với đó, trình duyệt Safari mặc định trên Mac OS và iOS của Apple có thể sẽ mất hàng tỷ đô la tiền thanh toán hàng năm từ Google tìm kiếm. Firefox có thể thay thế cho Chrome và hệ sinh thái Chromium nhưng công ty mẹ là Mozilla Foundation sẽ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn vì phần lớn nguồn tài trợ của tổ chức này đến từ tiền bản quyền do… Google trả.

Theo quan điểm của Google, sự can thiệp của Chính phủ Mỹ sẽ gây hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển website và các nhà lãnh đạo công nghệ Hoa Kỳ. Ai cũng hiểu rõ sức mạnh vô song đến mức không có đối thủ cạnh tranh của Google. Nền tảng này được coi là nền tảng của cuộc sống số, hỗ trợ hàng tỷ người dùng. Đồng thời, hệ sinh thái kinh doanh của Google, mạng lưới đối tác và đồng minh công nghệ xoay quanh quỹ đạo của ông lớn này, khiến cho Google khó có thể bị lật đổ. Kể từ khi xảy ra đại dịch, lợi nhuận và sự tăng trưởng của Big Tech đã nâng đỡ toàn bộ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Cơ hội mới cho các nhà phát triển trong một thị trường công nghệ lành mạnh hơn

Nỗ lực của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhằm chống lại sự độc quyền của Google đang tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghệ. Vào tháng 8/2024, một quyết định từ tòa án đã đánh dấu thành công trong việc đối phó với hoạt động tìm kiếm độc quyền của Google. Đề xuất này sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh doanh của Big Tech.

Hiện tại, Chính phủ chỉ đưa ra khái quát về biện pháp trừng phạt mà tòa án có thể thực thi đối với Google. Google dự kiến sẽ trình bày đề xuất của mình vào ngày 20/11. Nếu thắng kiện Google, các công ty khởi nghiệp AI có thể hưởng lợi.

Sự kiện này khởi đầu cuộc chiến giành thị phần trong lĩnh vực tìm kiếm, với doanh thu đạt 175 tỷ đô la vào năm 2023, đánh dấu một sự thay đổi lịch sử trong ngành công nghệ, với nhiều bên có thể thắng hoặc thua.

Kết quả có thể dẫn đến việc chuyển hướng hàng tỷ đô la mà Google trả cho các công ty công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm cho hàng triệu người dùng. Điều này có thể giảm chi phí cho hàng triệu nhà quảng cáo đã phải chi tiêu quá mức và có thể ảnh hưởng đến tính miễn phí của các sản phẩm quan trọng như hệ điều hành Android và trình duyệt Chrome, được nhiều nhà phát triển tin tưởng.

Can thiệp của Chính phủ Mỹ có thể mở ra cơ hội mới và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa trình duyệt hiện có và những trình duyệt mới, kích thích kỷ nguyên đổi mới mà không làm sụp đổ toàn bộ thị trường internet hiện tại.



Bình luận của bạn

Bình luận