“Lách luật” bất thành, Google bị phạt 250 triệu Euro tại Pháp

Minh Phú
18:05 - 22/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo thông cáo báo chí ngày 20/3 của cơ quan giám sát cạnh tranh độc lập Autorité, Google đã sử dụng nội dung từ các nhà xuất bản và cơ quan báo chí Pháp để đào tạo Bard, nay đã được Google đổi tên thành Gemini.

Google

Theo cơ quan giám sát cạnh tranh, Google đã bỏ qua một số cam kết trước đây với các nhà xuất bản tin tức. Ảnh: Unspalsh

Wikipea định nghĩa: "Gemini là một chatbot trí tuệ nhân tạo tạo sinh được phát hành bởi Google. Chatbot này ra mắt vào tháng 2 năm 2023 dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn cùng tên và trở thành một đáp ứng trực tiếp tới sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Gemini...

Sử dụng dữ liệu báo chí để huấn luyện Gemini

Ngày 20/3 vừa rồi, cơ quan cạnh tranh Autorité của Pháp đã công bố mức phạt 250 triệu Euro (tương đương 270 triệu USD) đối với gã khổng lồ công nghệ Google. Theo đó, Google đã dùng dữ liệu báo chí để huấn luyện AI này "mà không thông báo cho chủ sở hữu bản quyền hoặc Cơ quan có thẩm quyền". Đây cũng được coi là một trong những "câu chuyện không hồi kết" giữa Google và Autorité trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, để huấn luyện Gen AI này, Google đã sử dụng dữ liệu từ các nhà xuất bản và cơ quan báo chí Pháp mà không thông báo trước. Autorité cũng cáo buộc rằng Google đã không cung cấp, một giải pháp kỹ thuật nào để cho phép các nhà xuất bản và cơ quan báo chí có quyền từ chối việc cho phép Google sử dụng nội dung của họ để đào tạo AI mà không làm ảnh hưởng đến việc hiển thị nội dung của họ trên Google News, Google Discover và các ứng dụng khác.

“Lách luật” bất thành, Google bị phạt 250 triệu Euro tại Pháp- Ảnh 2.

Nói một cách kỹ thuật hơn, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2023, các nhà xuất bản tin tức có thể không lập chỉ mục trên Google để những nội dung đó không được dùng để đào tạo mô hình AI của Google. Nhưng không lập chỉ mục cũng có nghĩa là trang web của các nhà xuất bản không hiển thị trên Google.
Ảnh: Getty

Google “lách luật" bất thành

Những công cụ tổng hợp tin tức nổi tiếng của Google như Google News, Google Discover hay hộp tính năng "Câu chuyện hàng đầu" được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của người dùng đã thu thập dữ liệu từ các nhà xuất bản, cơ quan báo chí mà không hề trả "nhuận bút". 

Bởi thế, năm 2019, Liên minh Châu Âu đã thông qua cải cách bản quyền kỹ thuật số trên toàn EU nhằm mở rộng việc bảo vệ bản quyền cho các tiêu đề và đoạn tin tức liên quan đến những công cụ này.

Ban đầu, Google đã cố gắng lách luật bằng việc ngưng hoạt động Google News tại Pháp. Tuy nhiên, Autorité đã nhanh chóng can thiệp khi nhận ra Google đang lạm dụng vị thế thống trị thị trường, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho các nhà xuất bản.

Cơ quan này đã buộc Google phải cắt giảm thỏa thuận với các nhà xuất bản địa phương về việc sử dụng lại nội dung. Nhưng vào năm 2021, Google đã phải chịu mức phạt 592 triệu USD sau khi Atourité phát hiện ra những vi phạm lớn trong cuộc đàm phán với các nhà xuất bản và báo chí Pháp.Tuy nhiên, câu chuyện không hồi kết này vẫn còn hai từ "sau đó".

 Sau đó, Google đã cam kết và được cơ quan giám sát Autorité chấp nhận, bao gồm việc chuyển thông tin quan trọng về tác quyền cho nhà xuất bản và đàm phán công bằng về thù lao. Đồng thời, Google đã ký thỏa thuận bản quyền với hàng trăm nhà xuất bản ở Pháp. Từ đó, hoạt động kinh doanh của Google trong lĩnh vực này ở Pháp, được quản lý rất chặt chẽ.

Trên Blog Google tại Pháp, Giám đốc điều hành, Quan hệ đối tác tin tức và xuất bản Sulina Connal đã đăng một bài viết dài với việc phàn nàn: "Mức phạt không tương xứng và chúng tôi không thể dự đoán gió sẽ thổi theo hướng nào tiếp theo" sau khi tiếp nhận lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, gã khổng lồ Google vẫn chấp nhận nộp đủ tiền phạt để đổi lấy một quy trình nhanh chóng hơn với một môi trường kinh doanh bền vững hơn.

Cần đào tạo GenAI trong khuôn khổ

“Lách luật” bất thành, Google bị phạt 250 triệu Euro tại Pháp- Ảnh 3.

Các báo cáo viên tán thành kết quả bỏ phiếu toàn thể về Đạo luật AI tại Nghị viện Châu Âu.
Ảnh:TechCrunch

Lần đầu tiên trên thế giới có một luật AI toàn diện, đó là Đạo luật AI đã được Nghị viện Châu Âu thông qua. Đạo luật này dựa trên việc lấy con người là trung tâm. Theo đó, khung pháp lý sẽ dựa trên việc phân loại nguy cơ các trường hợp biến việc sử dụng AI trở thành các cấp độ rủi ro. Đối với các AI cụ thể, đạo luật này yêu cầu nhà quản lý phải có nghĩa vụ minh bạch và có các quy tắc bổ sung.

Tuy nhiên, việc áp dụng đạo luật này trên khắp các nước thành viên Châu Âu vẫn được tiến hành theo giai đoạn và còn một lộ trình dài phía trước. Bởi thế, còn rất nhiều kẽ hở khi hầu hết các AI vẫn đang “nằm ngoài vòng pháp luật".

Không phải quốc gia nào cũng có một cơ quan giám sát chặt chẽ như Autorité của Pháp. Bởi vậy, để những gã khổng lồ công nghệ không vi phạm bản quyền cũng như sử dụng nội dung sáng tạo từ dữ liệu báo chí và xuất bản, không cách nào khác là cần sự kiểm soát và đóng góp từ phía người dùng. Điều này, chắc chắn, sẽ lại dấy lên một lo ngại lớn về việc làm sao phân biệt nội dung do AI hay con người tạo ra?!

Nguồn: TechCrunch, Autoritedelaconcurrence france, Blog Google
Bình luận của bạn

Bình luận