Nên dạy kỹ năng sống cho trẻ để không ngộ độc cây, quả dại
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc cho học sinh, nêu rõ các loài cây, hoa có độc thường gặp. Tuy nhiên, nếu trẻ không nhận diện được cây, quả độc thì nếu sân trường không có chúng cũng sẽ ăn ở chỗ khác.
Liên tiếp những vụ ăn nhầm lá Ngón
Sau bữa cơm trưa ngày 7/12, đến thời gian tự quản buổi chiều, hai em H.T.D, lớp 8A và L.M.Đ, lớp 8B, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La, lên khu đồi sau trường chơi và vặt lá ăn. Khoảng 15h, phát hiện hai em ăn nhầm lá Ngón tuy còn tỉnh táo, nhà trường đưa các em đến bệnh viện huyện Sốp Cộp. Ở viện, tình trạng em H.T.D diễn biến xấu, sắc mặt tái nhợt dần… Đến khoảng 20h, em ra đi dù đã nỗ lực cấp cứu! Còn em L.M.Đ, không có biểu hiện ngộ độc nên không muốn đi viện, nhưng nhà trường và cô chủ nhiệm cố gắng thuyết phục nên em đã đi. Sau đó sức khỏe Đ bình thường…
Tháng 8, một ông 49 tuổi, ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang ăn nhầm lá Ngón, rồi nôn, tê lưỡi, đau đầu, chóng mặt…, cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Khoa Hồi sức tích cực - chống độc phải rửa dạ dày, truyền dịch…. Sau một ngày mới thoát khỏi lưỡi hái Thần Chết.
Tháng 5, hai vợ chồng ở Hòa Bình khi chăn trâu trong rừng, đã hái lẫn lá Ngón với lá cây Beo (ăn được, rất giống lá Ngón) về nấu nước uống. Đến khi bị đau đầu, choáng váng, nôn, co giật, được người thân đưa đi cấp cứu. Người vợ uống ít nên biểu hiện ngộ độc nhẹ, nằm ở Trạm y tế xã. Người chồng uống nhiều hơn nên nguy kịch: co giật, suy hô hấp, hôn mê, Trung tâm y tế huyện phải đặt nội khí quản, hô hấp nhân tạo, sơ cứu rồi chuyển bệnh viện tỉnh. Đến tỉnh đã hôn mê sâu, thở hoàn toàn theo bóng bóp qua ống nội khí quản, loạn nhịp tim, co giật từng cơn, đồng tử giãn, tiên lượng rất xấu. Phải điều trị tích cực bằng thở máy, cắt cơn co giật, truyền dịch, chống loạn nhịp tim, thải độc... Sau 4 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân may mắn qua được nguy kịch, tỉnh táo, tự thở, nhưng vẫn phải theo dõi sát sao…
Tháng 4, nhóm công nhân 9 người cùng quê Nghệ An, làm việc trong một công ty ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, ăn cơm trưa có món rau rừng bị lẫn lá Ngón. Sau bữa khoảng 30 phút, cả 9 người đều đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn cấp cứu bằng gây nôn, rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch… Sau một ngày cứu chữa, cả 9 người ổn định, nhưng chóng mặt và tê bì tay chân.
Tháng 3, 4 người cùng ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, Bắc Cạn và 2 người ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, được thuê xây nhà ở thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn. Một bữa tối ăn rau rừng và măng xào bị lẫn lá Ngón. Đến đêm, 5 người đau đầu, đau bụng, khó thở và nôn mửa. Ở Trung tâm y tế Chợ Đồn, anh B.V.S, 33 tuổi, quê Hàm Yên đã tử vong. Bốn người ngộ độc nặng phải chuyển bệnh viện tỉnh Bắc Kạn. Các bác sĩ ở đây phải hội chẩn phác đồ cấp cứu với Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Một người không ngộ độc là do đau dạ dày nên không ăn món rau xào có măng.
Cây Ngón (Gensemium elegans - cây Rút ruột, Co ngón, Hồ mạn trường, Hồ mạn đằng, Hoàng đằng, Đoạn trường thảo, Câu vẫn), trước đây phân loại trong họ Mã tiền (Loganiaceae) nhưng từ năm 1994 được phân loại thuộc họ Hoàng đằng (Gensemiaceae), thân leo, mọc hoang ở các vùng núi cao độ 200 - 2.000 mét. Có ở các tỉnh miền núi phía bắc và Tây Nguyên nước ta. Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, bắc Myanmar, bắc Thái Lan; Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam, Hồ Nam, Giang Tây, Vân Nam, Chiết Giang và Đài Loan, Trung Quốc có nhiều cây này. Cây Ngón chứa các Alcaloid (hợp chất hữu cơ có Nitơ, đa số là nhân dị vòng, hầu hết tính kiềm, đôi khi trung tính hoặc acid, có trong nhiều loài thảo mộc và số ít loài động vật) rất độc trong toàn cây; độ độc giảm từ rễ, lá, hoa, quả đến thân.
Đã chiết xuất được 17 đơn phân Alcaloid từ cây Ngón như Koumin, Gelsenicin, Gelsamydin, Gelsemoxonin, 19Anpha Hydroxygelsamydin…; hàm lượng Koumin cao nhất; Gelsenicin độc nhất, liều độc trung bình (LD50 - liều lượng tối thiểu tính theo miligam/kilogam trọng lượng làm chết 50% động vật thực nghiệm) trên chuột là cao nhất.
Ở Việt Nam và Trung Quốc, Ngón được liệt vào bốn loại cây độc nhất (độc bảng A), người lớn ăn 2 - 3 lá chắc chắn chết, chết nhanh trong 1 - 7 giờ! Ngón hoa vàng độc hơn ngón hoa trắng. Ai cũng biết Ngón là thứ chết người, nhưng thật khó hiểu là người sống ở miền núi lại không nhận diện được nó, trẻ nhỏ thì đã đành, nhưng người lớn thì thật đáng trách. Những người thoát chết nói trên chắc chắn là số lá Ngón lẫn vào ít.
Không học thì không biết
Trong chiến tranh Việt Nam trước đây, lính và phi công Mỹ được phát một quyển sách, mô tả chi tiết những thứ cây, quả ăn được và không ăn được kèm theo ảnh. Không học thì không biết và cái giá phải trả nhiều khi là mạng sống.
Mấy năm gần đây có nhiều tai nạn tập thể khi các em học sinh ăn những thứ quả, cây mà chẳng biết đó là cây, quả gì! Bốn cháu ở tổ Pá Kết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái ăn mấy hạt Dầu mè (cây Cọc rào, Ba đậu nam…), sau chưa đầy một giờ đều rát bỏng ở họng và dạ dày, đau quặn bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần, lả người, chóng mặt. Cháu H.Đ.D, 12 tuổi, ngộ độc nặng nhất, mạch nhanh, huyết áp tụt. Hạt Dầu mè (Jatropha curcas) chứa chất Curcin gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng; ngộ độc nặng sẽ chảy máu tiêu hóa, loạn tim mạch và ức chế thần kinh trung ương hoặc hôn mê, nguy hiểm tính mạng.
Năm 2017 - 2019, ở Nghệ An, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc tập thể do các em học sinh ăn quả Ngô đồng rụng từ cây trồng trong sân trường. Đó là các bé lớp 2 và 3, trường Tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An; các em lớp 6, 7, trường Trung học cơ sở nội trú Quỳ Châu, Nghệ An; các em trường Tiểu học Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh; tổng 112 em phải cấp cứu, trong đó có nhiều em ngộ độc rất nặng.
Người dân quen gọi là Ngô đồng, nhưng đúng ra là cây Ba đậu tây (Vông đồng - Hura crepitans, thuộc họ Đại kích - Euphorbiaceae), nguồn gốc châu Mỹ, chứa chất độc Crepitin gây nôn mạnh, phồng rộp da, bắn vào mắt gây tổn thương giác mạc, mù lòa; liều cao sẽ đi ngoài ra máu, nhiễm độc nặng có thể chết người… Ba đậu tây hơi khác Ba đậu (Croton tiglium - Bã đậu, Mãnh tử nhân, Ba nhân…, cũng họ Đại kích), được cho có nguồn gốc Tứ Xuyên (Ba Thục) Trung Quốc. Hạt có chất Crotin gây tổn thương và rối loạn tiêu hóa như Ba đậu tây; thêm toát mồ hôi, mạch nhanh yếu, huyết áp hạ, có thể tử vong. Ngoài ra Ba đậu 2 loại còn chứa Ricin và một số chất khác… Cây Ngô đồng đích thực (Jatropha podagrica - Dầu lai có củ, Dầu lai lá sen, Sen lục bình…; cũng họ Đại kích), thường được trồng trong chậu cảnh, chứa chất Curcin. Các chất độc có trong Ba đậu tây, Ngô đồng, Ba đậu, Dầu mè, Cam thảo dây đều thuộc nhóm Toxalbumin, là những protein thực vật có chung cơ chế gây độc là ức chế tổng hợp protein - chất căn bản của sự sống - ở tế bào, làm tế bào chết. Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện cách vài giờ đến một ngày sau khi ăn phải, tử vong sau 3 ngày đến khoảng hai tuần. Hầu hết các chất độc này vào cơ thể theo đường tiêu hóa (ăn hạt), ít độc hơn nhiều lần so với đường hô hấp và máu nhưng đã rất nguy hiểm. Ví dụ, liều chết trung bình của Abrin trong Cam thảo dây từ 10 - 1000 microgam/kg trọng lượng cơ thể theo đường tiêu hóa.
Năm em nhỏ 3 - 11 tuổi, ở thôn Cây Táu, xã Đồng Quý, Sơn Dương, Tuyên Quang, ăn quả lạ, hôm sau cả 5 em đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo…, bệnh viện huyện phải chuyển tỉnh. Ở tỉnh cho uống than hoạt, truyền dịch, bù điện giải…, nhưng sau 3 giờ cấp cứu không chuyển biến, phải chuyển bệnh viện Nhi trung ương. Sau biết chúng ăn hạt Thầu dầu! Hạt Thầu dầu (Ricinus communis, thuộc họ Đại kích), có chất Ricin, không mùi, không vị, thuộc nhóm Toxalbumil, độc hơn cả nọc rắn hổ mang độc nhất, được cho là một trong những chất độc mạnh nhất mà con người từng biết đến: 1gam chất này đủ làm chết khoảng 36.000 người; độc hơn Xyanua khoảng 1.000 lần; độ độc của Arsenic so với Ricin là "không đáng kể".
Khi vào cơ thể bằng đường hô hấp, độ độc của Ricin tương đương chất độc thần kinh Sarin (chất độc chiến tranh; giáo phái Aum Shinrikyo đầu độc trong tàu điện ngầm ở Tokyo, Nhật, năm 1995). Trúng độc Ricin sẽ nôn; đau bụng; đi ngoài ra máu (do tổn thương niêm mạc ruột), mất nước; suy thận: tiểu ít, nước tiểu có máu (do Ricin làm tan hồng cầu) hoặc không có nước tiểu; khó thở; tím tái; rối loạn thị lực và tim mạch, tụt huyết áp; rối loạn tri giác; liệt các dây thần kinh trung ương; vàng da, gan to, suy gan; phù phổi cấp; hôn mê và tử vong sau 3 ngày trở đi. Ác là, những triệu chứng trúng độc đầu tiên thường không xuất hiện trước 15 giờ và hiện thời không có phương thuốc nào giải độc được Ricin. Liều độc trung bình của Ricin là 22 microgam/kg trọng lượng cơ thể (1 - 2 hạt Thầu dầu làm chết người lớn).
Do Ricin kịch độc nên từ Thế chiến I, Mỹ đã có ý tưởng chế tạo "đám mây ricin" nhưng không thành; làm lớp phủ trên đạn, bi trong đạn nhưng bị công ước quốc tế và chính luật Mỹ cấm.
Ngày 29 tháng 5 năm 2013, một thư nặc danh gửi đến Thị trưởng New York, Michael Bloomberg; một thư gửi Mark Glaze, Giám đốc tổ chức những thị trưởng chống lại việc buôn súng bất hợp pháp (Mayors Against Illegal Guns - MAIG), ở Washington; thư thứ ba gửi tới Tổng thống Barack Obama, đều phát hiện Ricin. Nữ diễn viên Shannon Richardson đã nhận tội vào tháng 12/2013 và bị kết án 18 năm tù giam và phạt 367.000 USD, ngày 16/7/2014.
Trước đây, thế giới không thiếu những vụ ám sát chính trị gia đình đám tìm thấy chất Ricin... Chất cực độc này được dùng để giết chính trị gia nổi tiếng Bulgaria, Georgi Markov khi đang sống lưu vong ở London năm 1978.
Dạy để trẻ không ngộ độc cây, quả dại
Từ chuyện ngộ độc nấm thấy rằng, có lẽ nhiều người nhất biết rằng có nấm độc, thế nhưng số người ngộ độc nấm hàng năm không ít. Tự nhiên quanh ta có nhiều loại cây, quả rất gần gũi đời sống nhưng có độc mà nhiều người không biết... Nói đến Cà độc dược, Mã tiền hay Trúc đào thì khá nhiều người biết là cây độc; Thầu dầu, Ngô đồng thì người biết có độc ít hơn. Nhiều cây hoa, cảnh rất gần gũi nhưng mấy người biết là độc như Vạn tuế, Hồng môn, Chuỗi ngọc, Vạn niên thanh, Kim tiền, Huệ tây (Bách hợp, Loa kèn, Lily, Lys), Đỗ quyên, Cẩm tú cầu, lan Ý (hoa loa kèn Arum), Thiên điểu, Ngót nghẻo, Dạ lan, Tuylip, Thủy tiên, Môn đỏ, Đai vàng… Gần gũi hơn nữa là hạt Na, Táo, Lê, Anh đào, Hạnh nhân đắng đều độc. Còn những cây nghe lạ hoắc như Thông thiên, Sừng trâu, Ba đậu, Ba đậu tây... thì rất hiếm người biết là độc...
Những vụ việc trên là cảnh báo cho nhà trường và gia đình về nhận biết của học sinh với những sinh vật độc. Các em bị ngộ độc trong các vụ việc trên đều là học sinh lớp 2, 3 cho đến lớp 7, vì không biết độc mới ăn, nhưng có lẽ ngay cả bố mẹ các em cũng chưa chắc đã biết hạt Ba đậu tây, Thầu dầu, Cọc rào, Tầm bóp, Lu lu… có độc, nói gì các em. Có thể một vài phụ huynh biết một cây nào đó độc bảo cho con mình biết, thì số người biết cũng rất hạn hẹp.
Ở đây chúng tôi muốn nói đến trách nhiệm của nhà trường và gia đình, bởi liệu có thể trong chương trình giảng dạy có được những bài giảng về cây, quả độc, những động vật nguy hiểm...? Chỉ có bằng cách này thì mới có nhiều nhất số trẻ biết được những nguy hiểm tiềm ẩn trong cuộc sống mà tránh được. Hiện mới thấy lác đác các trường và cơ sở tự phát dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…!? Các em ở trường Tiểu học Nghi Hòa còn bảo quả Ngô đồng là quả Óc chó, ăn vào sẽ rất thông minh!
Tháng 10 mới đây, 8 người đàn ông từ 31 - 51 tuổi, cùng ở xã Mỹ Tân, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, vào Nghệ An làm việc trong rừng, đã lấy cây rừng cắt nhỏ đun nước uống. Cả 8 người phải cấp cứu vì đau đầu, chóng mặt, nôn ói… Bệnh viện huyện Đô Lương chẩn đoán ngộ độc chất chưa xác định, phải rửa dạ dày, truyền dịch… và chuyển bệnh viện tỉnh…!
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc cho học sinh, nêu rõ các loài cây, hoa có độc thường gặp. Tuy nhiên, nếu trẻ không nhận diện được cây, quả độc thì nếu sân trường không có chúng cũng sẽ ăn ở chỗ khác. Trước hết phải dạy cho trẻ nhớ rằng, cây, quả gì không biết thì không được ăn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google