Ngộ độc thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol

Bác sĩ Nguyễn Văn
06:00 - 24/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngộ độc Paracetamol là vấn đề lớn toàn cầu. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 300 người chết vì ngộ độc Paracetamol; hơn 50% ca suy gan cấp là do quá liều Paracetamol và 20% số này phải ghép gan. Việt Nam cũng không hiếm ngộ độc cấp thuốc này!

Paracetamol (C8H9NO2 hay Acetaminophen) có con đường điều chế, công nhận gập ghềnh từ năm 1878 đến năm 1948 và mãi đến năm 1955 mới được McNeil Laboratories - một công ty dược phẩm thuộc tập đoàn sản phẩm chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson, Mỹ, bán ra thị trường với tên Tylenol (dạng lỏng), dùng hạ sốt, giảm đau cho trẻ em. Năm 1977, Paracetamol thuộc danh sách thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới, với giá trị sử dụng rộng rãi nhưng hệ lụy cũng không nhỏ!

Những vụ ngộ độc Paracetamol

Ngày 17/11, bệnh nhân N, 35 tuổi, nhập bệnh viện Trưng Vương, thành phố Hồ Chí Minh do đau bụng, chất nôn lẫn máu, vàng mắt, bứt rứt, đáp ứng chậm. Người nhà khai chị uống 40 viên Paracetamol nhưng không xác định được uống trong mấy ngày. Năm ngày trước đó, chị đã đau bụng âm ỉ, buồn nôn, đau mỏi cơ, sốt liên tục. Xét nghiệm thấy tổn thương gan, thận; giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, nhưng xét nghiệm kháng thể sốt xuất huyết âm tính. 

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), chẩn đoán tổn thương gan, thận cấp do ngộ độc Paracetamol trên nền viêm gan C. Điều trị truyền dịch, thuốc chống ngộ độc Paracetamol, kháng sinh chống bội nhiễm, vitamin K1. Khi mạch, huyết áp ổn định, lại thấy có dấu hiệu giảm tưới máu mô ngoại biên; vẫn đau bụng; dịch dạ dày màu đen; tiểu cầu giảm thấp; men gan tăng cao hơn; chức năng thận diễn biến xấu. Làm lại xét nghiệm kháng thể sốt xuất huyết thấy dương tính - nghĩa là "họa vô đơn chí" - sốt xuất huyết, ngộ độc cùng lúc trên nền viêm gan C. Phải truyền 1,5 lít huyết tương tươi đông lạnh và hồng cầu lắng, truyền dịch theo phác đồ sốt xuất huyết..., 18 giờ sau tình trạng bệnh nhân mới có cải thiện. 

Tháng 5, ngày 11, thiếu niên nam N.N.L, sinh năm 2008, ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào bệnh viện Nhi đồng 2 khi đã lơ mơ (trạng thái bán mê (subcoma) sắp chuyển sang hôn mê). Ngay lập tức phải rửa dạ dày và hồi sức tích cực, chống độc… Tuy ngăn chặn được hậu quả nghiêm trọng nhưng chắc chắn sẽ có tác động xấu đến gan vì em đã uống 40 viên Paracetamol 500 mg. Bố mẹ đi công tác xa, ở nhà một mình, trước khi phải nhập viện khoảng 3 giờ, em gọi điện cho bà nội than buồn…. May mà do nghi ngờ, người thân đến kiểm tra, kịp thời phát hiện, đưa em đi cấp cứu.

 Ngày 24/5, bé N.P.A, 10 tuổi, ở xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh, uống hơn 7 viên Paracetamol 500mg, sau uống mệt lả, nôn nhiều dịch vàng lẫn thức ăn, phải đưa đến khoa Cấp cứu, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tháng 4, anh B.T, 27 tuổi, ở Quảng Ngãi, đau vai gáy, nên uống liên tục mỗi ngày 2 viên Paracetamol trong suốt 2 tháng. Khoảng 15 ngày trước khi  nhập viện anh phát hiện vàng da, vàng mắt; mệt mỏi, ăn uống kém, hay nôn ói, nên đến bệnh viện Hoàn Mỹ, Đà Nẵng… Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán viêm gan do virus B, C, A và D đều âm tính, nhưng các chỉ số men gan, Bilirubin máu và chức năng đông máu rối loạn nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh mới khai do lao động nặng, thường đau nhức lưng, vai gáy, nên uống trung bình mỗi ngày 2 viên Paracetamol trong hơn 2 tháng qua. 

Ngộ độc thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol - Ảnh 1.

Dị ứng Paracetamol.

Bác sĩ yêu cầu phải nhập viện do viêm và suy gan cấp nặng. Anh phải điều trị suy gan cấp nặng bằng thay huyết tương (đưa máu ra ngoài qua máy lọc, tách riêng huyết tương để lọc bỏ các chất độc (nội, ngoại sinh) rồi đưa trở lại cơ thể cùng các tế bào máu. Sẽ làm thiếu hụt huyết tương và bù đắp bằng dịch thay thế hoặc huyết tương người; bổ sung protein, yếu tố đông máu…) và các biện pháp hỗ trợ, chờ đợi gan hồi phục. Tám ngày sau mới đỡ vàng da, mắt, ăn khá hơn và đã thấy ngon miệng…

Tháng 3, ngày 4, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cấp cứu thành công bé gái 15 tuổi, ở phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, nhập viện cấp cứu ngày 01 trong tình trạng nôn ói, li bì, rất mệt mỏi do uống 13 viên Paracetamol. Em phải truyền Acetylcystein giải độc theo cơ chế tăng nhanh sản xuất men Glutathion ở gan (Acetylcystein là tiền chất của Glutathion), tác dụng khử độc tính của chất chuyển hóa trung gian từ Paracetamol độc gan…

Tháng 2, ngày 5, nam thanh 17 tuổi, ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam, bị bố trách mắng, đã tự sát bằng 30 viên Paracetamol 500mg (15g, trong khi tổng liều gây độc trong 24 giờ ở người lớn 7,5g) từ khoảng 3 giờ chiều hôm trước. Sáng hôm sau gia đình đưa đến viện đã nôn nhiều, đau thượng vị, mệt mỏi, tiếp xúc chậm. Phải cấp cứu bằng truyền Acetylcystein.

Paracetamol không "lành" như người dân tưởng

Paracetamol không độc, nhưng khoảng 10% chất này oxy hóa trong cơ thể thành chất độc (N-Acetyl-P- Benzoquinone imine) hủy hoại tế bào gan. Tuy chất này bị men Glutathion do gan sản xuất chuyển thành chất không độc và thải ra ngoài qua thận, nhưng quá liều Paracetamol gây ứ thừa chất độc này, hủy hoại cả gan, thận.

Paracetamol gây ngộ độc với liều 150mg/kg cân nặng, biểu hiện: Trong 24 h: buồn nôn, nôn, ngủ lịm, chán ăn, vã mồ hôi, khó chịu, men gan tăng. Từ 24 - 72 h: chán ăn, buồn nôn, nôn giảm đi, thêm đau vùng hạ sườn phải; Bilirubin (chất mật) và men gan… tăng cao, do tế bào gan bị phá hủy giải phóng các chất này vào máu; suy giảm chức năng thận. Từ 72 - 96 h, nổi bật là vàng da (màu của Bilirubin), rối loạn đông máu (chảy máu do thiếu Prothrombin - do gan sản xuất). Hoại tử gan dẫn tới bệnh não do gan: thay đổi cảm xúc, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ; lơ mơ, khả năng định hướng không gian, thời gian, xung quanh, bản thân u ám (ý thức bị phủ sương mù); hành vi bất thường, đến mất định hướng; ngủ gà (ý thức u ám nặng)...; hôn mê, biểu hiện "mất" não. Sau hủy hoại gan sẽ đến suy thận cấp, biến chứng viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu hoặc máu. Tử vong do suy gan, thận; rối loạn đông máu; hạ thân nhiệt và suy đa tạng. 

Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo các thuốc chứa Paracetamol gây dị ứng nghiêm trọng biểu hiện trên da (hồng ban, phỏng nước, trợt da, viêm lở loét lan tỏa hay mụn mủ, hoại tử), niêm mạc mắt, họng, sinh dục, tiết niệu (hội chứng Steven-Johnson  - SJS và Lyell) có thể ngay từ lần dùng đầu tiên… Đặc biệt, Paracetamol làm bong rộp giác mạc mắt, hình thành sẹo giác mạc và lan rộng dần, toàn bộ tuyến nước mắt bị tổn hại, mắt khô dần, dính và co dần lại... 

Bệnh viện Mắt trung ương, Hà Nội cho biết, thường xuyên nhận những ca giảm hay mất thị lực sau ngộ độc Paracetamol và hầu hết người ngộ độc Paracetamol đều không biết vì sao thị lực giảm! Bé M, mới 10 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội, ngộ độc Paracetamol, khi vào Viện Mắt thị lực đã giảm 60%. Bà T.T.H, ở Thanh Hóa đành chịu mù lòa vì Paracetamol…! 

Đại học Otago, New Zealand, khảo sát trên 1.400 trẻ em dưới 15 tháng tuổi và Đại học Copenhagen, Đan Mạch, khảo sát 336 trẻ từ chào đời đến 7 tuổi đều kết luận: Dùng Paracetamol cho trẻ em gây chứng co thắt phế quản, thở có tiếng rít, khò khè, làm tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh hen sau này. Dùng càng nhiều nguy cơ càng cao; đặc biệt cao nếu bố mẹ bị hen phế quản.

Ngộ độc Paracetamol nhiều thứ 2 trong các ca ngộ độc thuốc vào Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Paracetamol là nguyên nhân hàng đầu gây suy gan cấp ở Mỹ và nhiều nước khác, với 25% tử vong trong tổng số ca ngộ độc nặng. Năm 2009, ở Mỹ có 401 tử vong do Paracetamol; 30 - 50% số nhập viện do ngộ độc paracetamol có kèm nguy cơ khác (nghiện hoặc uống nhiều rượu, dùng kèm thuốc hại gan khác, dinh dưỡng kém…). Đặc biệt nguy cơ là những người mang virus viêm gan các loại nhưng không biết. 

Ngộ độc thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol - Ảnh 2.

Tổn thương mắt do Paracetamol

Lâu nay những thuốc "cảm cúm", có thành phần chính là Acetaminophen (Paracetamol, Tylenol, Tiffy, Panadol (không hoặc có thêm cafein; dạng sủi; dành riêng cho trẻ em), Panet, Efferangan (không và có thêm Codein), Panamax, Hapacol, My Para - ER...) được mua bán không khác gì rau. Nếu các loại thuốc giảm đau khác như Aspirin; Miloxecam, Brexin... (dòng không steroit - NSAID); Presnisolon, Medrol... (dòng steroit) gây chảy máu dạ dày và rất nhiều tác dụng phụ xấu khác thì các thuốc "cảm cúm" không làm chảy máu dạ dày, bởi thế dân ta cứ uống vô tư. Vô số người đau đầu vì uống nhiều hoặc uống phải rượu, bia không tinh khiết (rượu sắn, mía nhiều Aldehyte và các chất độc hại khác, bia công nghệ "mini" (ăn bớt công đoạn) nhiều tạp chất độc) uống thuốc giảm đau chứa Paracetamol để hết đau đầu và cũng để… phá gan mình, mà không chỉ một lần! Cần biết là mức độ tăng men gan máu tỉ lệ thuận với mức độ phá hủy tế bào gan. 

Thực sự ngộ độc Paracetamol là "dịch thầm lặng" khi dòng thuốc này đang dùng tận mọi ngõ ngách. Thậm chí, giới trẻ còn dùng Paracetamol để... "dứt nợ trần". Ở tiểu bang Victoria, Úc, 50% các ca ngộ độc Paracetamol là tuổi 15 - 24 tự sát. Một bé 13 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh đã uống khoảng 50 viên thuốc chứa Paracetamol chỉ vì mẹ mắng… Họ không biết rằng, uống paracetamol không chết nhanh được, vì sau 3, 4 ngày gan mới bị hủy hoại hoàn toàn chức năng, kéo dài thời gian thê thảm nếu chết!

Để tránh tối đa rủi ro, không lạm dụng thuốc có Paracetamol, không dùng quá liều, đọc kỹ chống chỉ định. Nếu thuốc chứa 500mg Paracetamol/viên, người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: uống 8 viên/24h, chia 4 lần (cho giảm đau hoặc hạ sốt), không dùng quá 10 ngày liên tục. Trẻ 12 tuổi trở xuống: 10 - 15mg/kg/lần, nhưng trẻ 1 tháng trở xuống: 3 - 4 lần/24h; còn lại  5 - 6 lần/24h, không dùng quá 5 ngày liên tục; liều uống và đặt hậu môn như nhau và chỉ dùng một đường; phải hỏi bác sĩ khi dùng cho trẻ dưới hai tuổi. Khi ngộ độc Paracetamol nếu trong vòng 1 - 2h sau uống cố gắng gây nôn và cho uống than hoạt (nếu có) 1g/kg, đưa ngay đi cấp cứu. Khi uống thuốc, thấy một trong các bất thường đã mô tả phải đến bệnh viện ngay.

Bình luận của bạn

Bình luận