Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội".
Vì vậy, để hiện thực hoá mục tiêu, quan điểm trên, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên để họ trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần vào thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài.
Chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống của thanh niên hiện nay
Chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống của thanh niên hiện nay là tổng thể những cách thức, biện pháp của chủ thể quản lý, giáo dục với nội dung, chương trình giáo dục, bồi dưỡng linh hoạt, sáng tạo, hình thành phẩm chất nhân cách cho thanh niên, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mở cửa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức. Thanh niên là những người có tuổi đời còn rất trẻ, được gia đình nuôi nấng, chu cấp đầy đủ về vật chất, tinh thần, luôn được sự quan tâm, động viên, đồng hành trên mỗi cung đường, bước tiến ở mỗi cấp học, bậc học. Do đó, chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống thanh niên luôn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường, thường xuyên có sự trao đổi thông tin qua lại với nhau, góp phần quan trọng vào việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, lối sống nhân nghĩa, trọng nghĩa tình vì sự tiến bộ, trưởng thành của con người. Trong xã hội phong kiến, các thầy đồ, thầy nho có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, chỉ bảo, dậy dỗ đối với người học, những người tham gia lớp học rất nghiêm túc.
Đạo đức, lối sống yếu tố căn bản, nền tảng của con người, rộng hơn đó là nền tảng của xã hội, con người giàu sang, quyền quý, xã hội phát triển mà đạo đức, lối sống xuống cấp, thoái hoá, biến chất thì cũng chẳng để làm gì. Đạo đức, lối sống phải là vấn đề chủ đạo trong mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, chẳng làm được việc gì. Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay là tổng thể những cách thức, biện pháp của các chủ thể quản lý, bồi dưỡng, giáo dục với nội dung, chương trình phong phú, đa dạng, linh hoạt để họ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện về đạo đức, lối sống trong mọi lúc, mọi nơi. Hoạt động nâng cao này do chính bản thân thanh niên nhận thức rõ và có quyết tâm cao trong việc đặt mình vào tổ chức, chịu sự quản lý của môi trường giáo dục, đào tạo và xã hội. Đó chính là đội ngũ những nhà giáo, quản lý ở các cấp học, trong gia đình đó là bố, mẹ, anh, chị, em, ngoài xã hội, đó là pháp luật, quy định của các cơ quan, ban, ngành chức năng.
Thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên thời gian qua
Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên đã được nâng cao ở cả nhận thức và tổ chức thực hiện. Đội ngũ các nhà sư phạm, quản lý đã làm tốt việc dạy chữ, dạy người, định hình tương lai cho thanh niên, đồng hành trên con đường xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khi bước vào cuộc sống; phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội để xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những thanh niên vi phạm đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, một số nhà giáo chú trọng đến truyền đạt tri thức, ít chú trọng đến dạy người, nhân cách, cách sống cho thanh niên; sự buông lỏng trong quản lý của gia đình, nhà trường đã khiến cho một bộ phận thanh niên thiếu ý thức trong cuộc sống, ngại khó, ngại khổ, không biết phân biệt đâu là đúng, là sai, ăn chơi, đua đòi, thể hiện mình là con nhà giàu, xem thường bạn bè xung quanh. Trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự du nhập của lối sống phương Tây, một bộ phận không nhỏ thanh niên đã phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, sống thác loạn, chạy theo lợi ích vật chất, sống ích kỷ, sống chỉ biết đến bản thân mình, thiếu tôn trọng người lớn, tự tin thái quá, sống thử, sống gấp, dễ dãi trong quan hệ nam - nữ, thiếu giữ gìn phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam đã được lịch sử ghi nhận đánh giá. Để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay cần thực hiện một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.
Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên
Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, giáo dục gia đình giữ vai trò là nền tảng, theo chốt. Gia đình chính là nơi đặt nền móng, hình thành nên phẩm chất, nhân cách con người. Nếu giáo dục gia đình không tốt, định hướng ngay từ đầu, quản lý chặt chẽ các mối quan hệ, xây dựng tình yêu thương, lòng nhân ái, vị tha, sự kính trọng, biết ơn đối với thế hệ đi trước, truyền thống tốt đẹp gia đình thì sẽ làm lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của họ, dẫn đến đạo đức, lối sống xuống cấp, sống thờ ơ, bàng quang với chính bản thân, gia đình và xã hội, vi phạm pháp luật, thích hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ. Nếu giáo dục gia đình vững chắc, cơ bản sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành nên phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị đầy tình thương, trách nhiệm của thanh niên biết nâng niu, trân quý những giá trị đích thực trong cuộc sống, đặt mình vào tổ chức, ý thức được sâu sắc những hành vi, thái độ, ứng xử và giải quyết các mối quan hệ xung quanh để được mọi người kính trọng, quý mến.
Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội về thực chất phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, bộ phận trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung và tổ chức giáo dục sao cho hiệu quả nhất. Giữa gia đình, nhà trường và xã hội thường xuyên có sự trao đổi thông tin qua lại với nhau một cách thường xuyên, nhà trường định kỳ hàng quý báo cáo tình hình mọi mặt của thanh niên cho phụ huynh để họ nắm được kết quả học tập, rèn luyện, có những hình thức, biện pháp quản lý, giáo dục cho phù hợp, phát huy được ưu thế của từng loại hình giáo dục.
Giáo dục nhà trường cần hình thành cho thanh niên hệ giá trị bậc thang về đạo đức, lối sống, không chỉ có dạy chữ, quan trọng dạy cách làm người trong cuộc sống, đó mới là mục tiêu, con đường của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Thực tế hiện nay, cho thấy các trường học chạy theo thành tích, chỉ tập trung vào dạy học, thầy cô muốn có trò giỏi, bố mẹ thích con mình được khen, có nhiều thành tích trong học tập để khoe với mọi người. Câu chuyện không có gì đáng phải bàn ở đây, nhưng vô hình chung tạo ra áp lực cho con em mình phải cố gắng gồng mình lên để đạt được danh hiệu, có em đạt được danh hiệu nhưng biểu hiện thái độ của tính tự kiêu, tự mãn, hênh hoang. Vấn đề đặt ra ở đây, cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ các nhà giáo dục trong quá trình dạy học, định hướng giá trị đạo đức, lối sống, đặc biệt là những đức tính, phẩm chất của thanh niên trước khi bước vào đời; phối hợp với gia đình để có chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý kịp thời những nhận thức lệch lạc.
Hai là, xây dựng môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh, thân thiện cho thanh niên
Môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh, thân thiện có nghĩa rất quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên. Môi trường đó là hệ thống những mối quan hệ, điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục, bồi dưỡng diễn ra thông suốt đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Nếu môi trường không tốt, mất đoàn kết, lục đục thì ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của thanh niên. Trong xây dựng môi trường đặc biệt chú trọng đến môi trường sống, môi trường giao tiếp, ứng xử, khả năng ứng biến với từng tình huống, sự việc xảy ra. Phát huy vai trò của gương người người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong thanh niên để giáo dục lẫn nhau, không tạo áp lực cho thanh niên.
Đội ngũ các nhà giáo cần gần gũi, lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của thanh niên để nắm bắt, xử lý kịp thời những sự việc xảy ra, đem lại hiệu quả cao trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho thanh niên. Sự ân cần trong quan tâm đến thanh niên của đội ngũ các nhà giáo sẽ giúp cho thanh niên tự tin hơn, không lạc lõng, cô đơn trong môi trường sống đầy cạm bẫy, rủi ro và phức tạp. Môi trường đó thật sự là bệ phóng để cho mỗi thanh niên có thể phát huy được năng lực, sở trường thế mạnh của mình, không có sự chèn ép, ganh đua thiếu lành mạnh, hoặc thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình. Đó là tổng thể hoạt động của nhà trường, đem đến cho thanh niên những điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể phát triển toàn diện về mọi mặt. Những yếu tố tích cực của môi trường xung quanh sẽ tác động rất lớn đến đạo đức, lối sống của thanh niên. Do đó, môi trường đó thực sự thân thiện, gần gũi, ấm áp như tiếp thêm sức mạnh, động lực để cho mỗi thanh niên cảm thấy tin tưởng, phấn khởi, muốn hoà mình vào môi trường đó một cách tích cực, chủ động nhất.
Thứ ba, tăng cường các chế tài, quy định đối với việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của thanh niên
Các chế tài, quy định cho thanh niên trong học tập, rèn luyện có ý nghĩa rất thiết thực, cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay. Việc giáo dục này không chỉ dừng lại ở những lời nói, khẩu hiệu, thuyết phục mà cần sử dụng mệnh lệnh, hành chính, những chế tài cần thiết để điều chỉnh, xử lý những hành động đi ngược lại với quy tắc chuẩn mực đạo đức, lối sống của dân tộc. Các chế tài, quy định đó cần hướng đến những sự việc mà thanh niên hay mắc phải, những điểm hạn chế, bức xúc hiện nay, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực, địa bàn, mang tính nhân văn, nhân đạo, giáo dục thuyết phục là chính. Trong quá trình tiến hành xử lý cần căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm để điều chỉnh cho hợp lý, kịp thời, làm cho người vi phạm nhận thức rõ và có ý thức trong việc sửa sai những khuyết điểm, sai lầm của bản thân. Các chế tài, quy định đó không được trái với từng ngành, từng lĩnh vực, phải bảo đảm tính đồng bộ, kế thừa và phát triển. Theo đó, nội dung tăng cường các chế tài, quy định để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống là xử phạt hành chính, gửi thông báo về gia đình, địa phương, kỷ luật tuỳ mức độ năng nhẹ và bản chất của hành động. Mỗi một hình thức đều có ưu, khuyết điểm riêng nhưng đều tựu chung lại ở việc hướng đến làm cho mỗi thanh niên nhận thức rõ mọi suy nghĩ, việc làm của mình, không để xảy ra những hiện tượng đáng tiếc trong cuộc sống.
Kết luận
Thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước, được đào tạo, rèn luyện cơ bản về mọi mặt, đây sẽ là lực lượng cơ bản ké tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên vừa là vấn đề mang tính cấp bách trước mặt, vừa là vấn đề cơ bản mang tính chiến lược lâu dài, phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng tiến hành giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên. Có như vậy, mới làm cho thanh niên không quên vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình đối với công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020".
2. Quyết định số 410/QĐ-BGDĐT ngày 04/02/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020" của ngành Giáo dục.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google