Doanh nhân thời hội nhập: Tôn vinh Đạo đức và Tri thức!
Có lẽ chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều cái tên được vinh danh trên các bảng xếp hạng tỉ phú USD đến vậy. Chúng ta đều cảm thấy tự hào vì những người con đất Việt ấy. Nhưng có được thành công, chắc chắn những con đường không tự trải hoa hồng...
Tri thức là sức mạnh
Bàn tới tiêu chí văn hóa doanh nhân thời nay, điều đầu tiên phải kể tới đó là nền tảng học thức. Đối với một doanh nhân, tri thức luôn là nấc thang đầu tiên đưa tới cánh cửa thành công. Muốn có tri thức, đương nhiên mỗi người đều phải học hỏi.
Có những người chỉ cần học rất ít ở trường lớp, nhưng lại tự học rất nhiều trên đường đời. Việc học tập là suốt đời, đối thoại với nhiều doanh nhân, họ đều coi việc học hiện nay càng quan trọng hơn, để có thể bắt kịp xu thế của thời cuộc. Học hỏi chính là "ngọn hải đăng" dẫn đường cho mỗi con đường khởi nghiệp.
Không ai không học mà tự biết làm việc, không ai tự dưng kiếm được tiền chỉ nhờ vào vận may. Thực tế, Việt Nam đã có rất nhiều thế hệ học giỏi, thành công. Từ thời chiến tới thời bình, những tấm gương hiếu học soi chiếu muôn đời, giúp các thế hệ sau tiếp bước noi theo.
Gần đây nhất, thế hệ các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, phần nhiều đều là các du học sinh các nước Đông Âu, Liên bang Nga lập nghiệp nơi đất khách, làm rạng danh quê hương như: doanh nhân Phạm Nhật Vượng, doanh nhân Trương Gia Bình; doanh nhân Lê Viết Lam... Những người đều đang làm chủ những tập đoàn lớn mạnh của đất nước.
Tất cả các anh chị đều là những du học sinh, trải qua quá trình học tập, tu nghiệp khá gian khổ, mới thành tài và trở nên những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ. "Hoa trái" những ngày gian khó của họ chính là những khối tài sản khổng lồ, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển hưng thịnh của Việt Nam.
Năm 2022, Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách những người sở hữu tài sản tỷ USD. Danh sách do Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố. Theo đó, Việt Nam có tới 7 đại diện: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Trí tuệ, trí thông minh, tri thức, kiến thức là rất quan trọng đối với mỗi người. Bên cạnh đó, chúng ta cần biết tiếp thu những kinh nghiệm để trau dồi thành sự hiểu biết của chính mình. Từ đó, khôn ngoan trong mọi hành động. Đây cũng chính là những chia sẻ của các doanh nhân, trong bất cứ cuộc nói chuyện nào với thế hệ kế tiếp.
"Sự khôn ngoan giúp chúng ta thu nhận những sự thật có giá trị lớn nhất để áp dụng chính xác vào những vấn đề cụ thể trong cuộc sống" - Doanh nhân Đỗ Cao Bảo (Phó TGĐ FPT) đã từng chia sẻ. Sự hiểu biết và khôn ngoan mang cho chúng ta một nền móng vững chắc, giúp chúng ta phân biệt được đâu là sự thật, đánh giá được vấn đề nào quan trọng hơn, từ đó giúp chúng ta ra các quyết định đúng đắn, đặc biệt là tại những thời điểm quan trọng trong cuộc đời…
Ngày nay, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, tri thức có được từ nhiều nguồn khiến chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận việc học để trở nên khôn ngoan hơn bao giờ hết. Tri thức và kiến thức luôn là sức mạnh, tiền đề cho bất cứ bạn trẻ nào muốn làm doanh nhân.
Đạo đức là số một
Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa trọng đạo đức, người Việt Nam sống nhân nghĩa, đề cao công lý lẽ phải, nên doanh nhân - trước tiên là người Việt Nam cũng vậy. Trước khi thu lợi, người doanh nhân "làm lớn" là người biết trân trọng sức lao động, sáng tạo, có văn hóa đạo đức kinh doanh và cao hơn là triết lý doanh nghiệp phải luôn gắn liền với lợi ích quốc gia, đặt lợi ích chung của dân tộc lên hàng đầu.
Truyền thống văn hóa của Việt Nam thực tế đã thẩm thấu, lan tỏa trong các thế hệ doanh nhân Việt Nam. Thời nào cũng vậy, từ người lao động sản xuất nhỏ cũng đã biết đặt chữ "Tín" lên hàng đầu. Thời mở cửa, khi nền kinh tế thị trường thay thế và thống lĩnh, không ít những tiêu cực đã xảy ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cuối cùng, chữ "Tín" vẫn thắng thế và giúp nhiều doanh nghiệp làm ăn uy tín trường tồn mãi với thời gian.
"Phi thương bất phú", khi người người - nhà nhà đua nhau làm kinh tế thì vai trò của đạo đức kinh doanh phải làm số một. Có vậy, xã hội mới có thể xây dựng và phát triển công bằng - dân chủ và văn minh được.
Từ phạm trù đạo đức con người, khái niệm văn hóa doanh nghiệp đã trở thành xu hướng với các doanh nghiệp lớn khi phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp sắc nét, giúp giữ chân hiền tài. Văn hóa muốn có "gu", phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu tổ chức.
Nếu như FPT coi trọng sự sáng tạo, tôn trọng tự do dân chủ, tất cả nhân viên đều có thể "bật" lại sếp thì bởi vì Chủ tịch Trương Gia Bình cũng là một người rất dân chủ, luôn khiêm tốn học hỏi và đề cao sự sáng tạo của mỗi nhân viên để "Cùng đi tới thành công"; Vingroup lại là một "mô tuýp" khác, khi Chủ tịch Tập đoàn là một "ông chủ thép" với tinh thần thượng tôn pháp luật. Mọi quy định trong công ty đều lấy pháp luật làm trọng và toàn bộ nhân viên Tập đoàn đều phải nghiêm túc tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị thanh tra và xử phạt nặng. "Tín - Tâm - Trí - Tốc - Tinh - Nhân" là những giá trị cốt lõi của Vingroup để trở thành một tập đoàn hùng mạnh.
"Tín - Tâm - Trí - Tốc - Tinh - Nhân" là những giá trị cốt lõi của Vingroup để trở thành một tập đoàn hùng mạnh.
Nét văn hóa đặc trưng trong mỗi doanh nghiệp đã khiến doanh nghiệp thu hút được nhân sự phù hợp với văn hóa của mình. Từ đó, họ trở nên đặc biệt và sẵn sàng gắn bó lâu dài. Điều này, ông chủ nào cũng mong đợi.
Muốn có được như vậy, chính các ông chủ phải trở thành tấm gương đạo đức, bản thân phải tuân thủ chuẩn mực, quy tắc trước. Doanh nhân có đạo đức, thì doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự trong đó cũng trở thành chuẩn mực.
Bản lĩnh là tất yếu
Một trong những điều khó nhất đối với doanh nhân thành công là phải có tinh thần chiến đấu quyết liệt. Sự khác biệt giữa người thành công và thất bại chỉ là chuyện có quyết tâm đi tới cuối con đường hay không.
Tinh thần khởi nghiệp và lòng yêu nước là nền móng vững chắc cho việc hình thành một thế hệ doanh nghiệp Việt có tầm vóc và hùng mạnh. "Thắng không kiêu – Bại không nản" - chính tinh thần này đã giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh và không chùn bước trước những khó khăn.
Có những doanh nghiệp đã dũng cảm đi theo hướng "Tiên phong kiến tạo sản phẩm dẫn dắt thị trường" với tinh thần chủ động quyết liệt giúp họ vững tin trên hành trình kiến tạo những công trình, thành quả tốt đẹp cho quê hương – đất nước.
"Dám thay đổi, ham học hỏi" cũng là một phẩm chất đáng quý dành cho doanh nhân. Cùng với sự thay đổi rất nhanh chóng của thời cuộc, doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới càng phải giữ tinh thần dám thay đổi để có thể tự tin bước tiếp trên con đường chinh phục không chỉ khách hàng trong nước mà còn khách hàng ở khắp năm châu.
Không chỉ thành công ở lĩnh vực kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn được xã hội ghi nhận với các hoạt động vì cộng đồng chất lượng. Qua gian nan mới biết trân trọng những giá trị vật chất và tinh thần mà mỗi doanh nhân Việt Nam đã và đang đóng góp cho xã hội.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), xin chúc cho các doanh nhân Việt tiếp tục thành công trên con đường kiến tạo những kỳ tích đáng tự hào, xứng đáng tinh thần và bản lĩnh... doanh nhân!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google