Biện pháp nâng cao kỹ năng viết bài luận tiếng Anh
Kỹ năng viết bài luận tiếng Anh luôn là một thách thức đối với người học.
Đây là kỹ năng không những đòi hỏi người học phải có hiểu biết và vốn kiến thức nhất định về ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp) và về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội để làm ngữ liệu đầu vào cho bài viết mà còn cần rất nhiều kỹ năng như phân tích, tổng hợp, tư duy, lập luận… để thể hiện ra bên ngoài thông qua bài viết. Bên cạnh đó, thái độ học tập tích cực, nghiêm túc, cần cù, chăm chỉ cũng hết sức cần thiết đối với việc học kỹ năng viết.
Trên thực tế, mặc dù hầu hết học viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng viết cũng như những khó khăn trong quá trình rèn luyện kỹ năng này, tuy nhiên, nhiều học viên lại không thực sự nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức của môn học, dẫn đến kết quả rèn luyện kỹ năng viết thường không cao so với các kỹ năng khác, và ít thấy sự tiến bộ. Thực trạng trên có thể do nhiều nguyên nhân, khách quan và chủ quan. Dưới đây là một số biện pháp giúp người học luyện viết tiếng Anh một cách thông thạo.
Tăng cường vốn kiến thức nền
1. Trau dồi vốn từ vựng
Từ vựng là một yếu tố tiên quyết giúp học viên có thể viết và đạt điểm cao cho bài viết bằng tiếng Anh. Để diễn đạt rõ các ý muốn truyền tải, ngoài vốn từ vựng phong phú, học viên cũng cần biết cách sử dụng chúng đúng ngữ pháp và phù hợp với ngữ cảnh. Khi viết bài luận, học viên cần hạn chế việc lặp từ; sử dụng đa dạng những từ đồng nghĩa, làm cho bài viết trở nên hấp dẫn hơn. Để làm được điều này, học viên có thể học từ mới qua những câu ví dụ thay vì học từ riêng lẻ. Khi học từ mới, cần học theo dạng của từ và những từ hay được kết hợp với nó. Sau đó, có thể viết một câu chuyện ngắn từ những từ đã học. Điều này giúp việc ghi nhớ từ hiệu quả hơn, đồng thời luyện tập cách sử dụng chúng.
2. Cải thiện ngữ pháp
Ngữ pháp chính là yếu tố quan trọng hàng đầu mang đến sự thành công cho bài luận. Ngữ pháp bao gồm các thì; cấu trúc câu; từ vựng được sử dụng trong bài. Học viên có nhiều lựa chọn cách viết khác nhau, nhưng khi đã viết nên lựa chọn thì tiếng Anh cho phù hợp nhất. Các câu văn được sử dụng ngữ pháp một cách thuần thục và linh hoạt sẽ giúp nâng cao chất lượng bài luận. Hãy ghi nhớ sử dụng các thì phù hợp và đa dạng các cấu trúc ngữ pháp. Trong khi xem phim hoặc đọc sách báo, nếu gặp một cấu trúc nào cảm thấy hay và hữu ích, hãy ghi lại và cố gắng áp dụng vào bài viết của mình. Sau khi viết xong, học viên nên duy trì thói quen đọc lại bài viết để tìm các lỗi sai về chính tả và nhất là lỗi ngữ pháp.
3. Tích cực đọc các tài liệu bằng tiếng Anh
Đọc là cách học viết tiếng Anh nhanh và hiệu quả nhất. Đọc các nguồn sách, báo hay truyện bằng tiếng Anh là cách tuyệt vời để học viên có thể trải nghiệm nhiều nguồn văn phong khác nhau của các tác giả và học cách họ sử dụng từ ngữ sao cho hiệu quả. Hãy chọn những cuốn sách hay bài báo có chủ đề mà bạn hứng thú, việc học sẽ trở nên thoải mái hơn. Với mỗi văn bản, học viên nên đọc lại nhiều lần để chắc chắn rằng mình đã hiểu cách sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt của tác giả.
4. Tích cực luyện viết tiếng Anh
Nếu muốn cải thiện kĩ năng viết, hãy chăm chỉ luyện viết thật nhiều. Không chỉ là những bài viết theo chủ đề học thuật dễ gây nhàm chán, mỗi học viên nên cố gắng vận dụng tiếng Anh vào những việc làm hàng ngày để tạo hứng thú hơn cho bản thân. Học viên có thể tạo cho mình thói quen viết mỗi ngày bằng cách viết nhật ký bằng tiếng Anh, hoặc tìm cho mình một người bạn có khả năng tiếng Anh, người bản xứ thì càng tốt và trò chuyện với họ thường xuyên qua email hay các trang mạng xã hội.
Nắm chắc các bước viết bài luận tiếng Anh
1. Lựa chọn chủ đề luyện viết
Để bắt đầu thực hành luyện kỹ năng viết, điều đầu tiên là học viên phải tìm cho mình một chủ đề để viết (hay còn gọi là Topic) và chọn cho mình một phong cách viết sao cho phù hợp với chủ đề đó. Có thể tìm thấy chủ đề luyện viết tiếng Anh ở khắp mọi nơi, từ trong cuộc sống sinh hoạt, học tập và rèn luyện hằng ngày hay những vấn đề xã hội mà bạn quan tâm. Học viên có thể bắt đầu bằng những chủ đề đơn giản, gần gũi với bản thân và phù hợp với năng lực của mình. Sau đó có thể nâng dần cấp độ khó hơn với những chủ đề đòi hỏi vốn từ và cách tư duy cao hơn.
2. Nắm chắc các bước thực hành một bài viết
2.1. Lên ý tưởng cho bài viết
Đây là bước đầu tiên của việc tiếp cận quá trình viết. Ngay cả khi viết một bài luận đơn giản, ngắn gọn nhất học viên cũng vẫn phải lên ý tưởng để nội dung được đầy đủ ý nghĩa và giúp người đọc hiểu được những điểm quan trọng mà bài viết hướng đến. Trước hết bạn hãy nghĩ về những chủ đề lớn như "family" (gia đình) hoặc "studying" (học tập)… Từ đó sẽ quyết định xem bạn nên chuẩn bị một cái nhìn tổng quan hay nên thu hẹp chủ đề để có một phân tích cụ thể của chủ đề đó?
Tiếp theo là chuẩn bị một dàn ý (outline). Mục đích chính của việc lập dàn ý là để phác thảo những ý tưởng về chủ đề đã chọn. Hãy viết ra tất cả các ý tưởng, sau đó, phân loại và nhóm những ý tưởng này lại, mỗi nhóm có thể gồm 3 ý tưởng tốt nhất. Học viên có thể sử dụng tất cả những ý tưởng này vào trong bài viết hoặc chỉ sử dụng một ít. Điều này không có vấn đề gì cả, vì bước chuẩn bị này chỉ để giúp bạn vượt qua rào cản: "Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để viết cả".
Sau khi đã liệt kê những ý tưởng trên giấy, học viên cần xác định ý tưởng nào là quan trọng nhất hoặc có liên quan chặt chẽ đến chủ đề của bài viết. Nếu đó là ý tưởng hay, quan trọng thì có thể lấy ý tưởng ấy làm trọng tâm của bài viết. Khi viết các bài luận tiếng Anh thì đây là bước khá quan trọng và được xem như "bản đồ tư duy" (mindmap). Khi phác thảo những ý tưởng, học viên không cần quá lo lắng về mặt ngữ pháp hay lỗi chính tả. Học viên cũng cần chuẩn bị cho mình một quyển từ điển hoặc phương tiện công nghệ hỗ trợ việc tiếp cận với từ mới.
2.2. Tham khảo các bài mẫu
Sau khi đã có những ý tưởng, học viên nên tham khảo nội dung của các bài viết có chủ đề tương tự để nâng cao nhận thức về thể loại và hiểu thêm về những quy ước tiếng Anh được sử dụng cho từng loại bài viết cụ thể. Ngoài ra, những bài mẫu này còn giúp học viên có thêm một số từ vựng đắt giá và xác định được các tính năng ngôn ngữ và các quy tắc chung cho từng thể loại bài viết để học viên ứng dụng tốt cho các bài viết của riêng mình.
2.3. Thực hành kỹ năng viết
Viết phần mở đầu (introduction paragraph)
Một bài luận hoàn chỉnh khi có đầy đủ cả phần mở đầu (introduction paragraph), phần nội dung và phần kết luận (conclusion paragraph). Phần mở đầu không chỉ nêu chủ đề mà còn phải ấn tượng nhằm thu hút sự chú ý của người đọc và cho họ thấy được trọng tâm của bài luận. Chẳng hạn mở đầu của một bài luận với chủ đề "Why do people need to attend colleges or universities?" (Tại sao mọi người cần học đại học?) có thể viết: "Why do people need to attend colleges or universities? Different people have different answers to this question. I believe that the three most common reasons are to prepare for a career, to have new experiences, and to increase their knowledge of themselves and the world around them".
Viết phần nội dung của bài luận
Sau khi đã xây dựng một hệ thống ý, mỗi ý tưởng đã phác thảo phải được triển khai để trở thành một đoạn trong phần nội dung. Các ý cần được triển khai một cách logic, các ý nhỏ để bổ sung ý cho các ý chính, có thể thêm các ví dụ phù hợp cho bài luận thêm phần sinh động và giàu tính thuyết phục.
Viết kết luận (conclusion paragraph)
Trong phần này, học viên có thể tổng hợp các điểm chính của bài luận hoặc cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề. Hãy cố gắng tìm những cách kết luận độc đáo và ấn tượng. Dưới đây là phần kết luận của bài luận với chủ đề như trên: "I would recommend that people not be so focused on a career. They should go to college to have new experiences and learn about themselves and the world they live in."
Trong quá trình viết, các đoạn văn nhất thiết phải tuân theo yêu cầu mạch lạc. Mọi dấu chấm, dấu phẩy đều cần theo đúng quy tắc, thể hiện được ý đồ người viết. Ngắt câu phù hợp, mỗi câu đều phải có nghĩa và phù hợp với chủ đề chung.
2.4. Đánh giá và xem lại
Sau khi đã có bản phác thảo về bài viết, học viên cần đọc lại để đánh giá những điều bạn thích và không thích về nội dung, ý tưởng trong bản nháp đầu tiên của mình, rút kinh nghiệm và làm tốt hơn. Khi hoàn thành bản thảo cuối cùng, bạn nên xem lại bài viết và kiểm tra chi tiết về ngữ pháp và chính tả. Sau đó, học viên có thể đưa cho giảng viên hoặc những người có trình độ tiếng Anh sửa giúp những vấn đề còn hạn chế để học hỏi và cải thiện từ những lỗi sai của mình. Để có thể viết bài luận tiếng Anh thành thạo, đòi hỏi quá trình tích cực rèn luyện thường xuyên của học viên. Mỗi người có một văn phong khác nhau. Thế nên, học viên cần cân nhắc để viết thế nào cho hấp dẫn, cuốn hút người đọc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google