Vì sao môn tiếng Anh học nhiều mà hiệu quả vẫn thấp?
Học sinh phổ thông đang dành nhiều thời gian cho học Tiếng Anh, thậm chí học thêm, nhưng kết quả điểm vẫn thấp. Vì sao?
Thành thạo ngoại ngữ là năng lực cốt lõi cần có của mỗi công dân
Những năm gần đây, môn ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng rất được phụ huynh xem trọng, nhất là học sinh thuộc khu vực các thành phố, vùng có điều kiện thì nhiều em đã được học chính khóa trên lớp và đi học thêm ở nhà thầy cô, hoặc các trung tâm ngoại ngữ từ rất sớm. Nhiều phụ huynh không tiếc tiền để gửi con vào những trung tâm ngoại ngữ có giáo viên là người nước ngoài.
Điều lo ngại là mặc dù môn tiếng Anh đang là 1 trong 3 môn học có nhiều tiết nhiều nhất/ tuần, phụ huynh đầu tư, học sinh sinh phổ thông đi học thêm môn học này nhiều nhất nhưng điểm số vẫn thấp, khả năng sử dụng ngoại ngữ của một bộ phận lớn học sinh vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Thậm chí, nhiều sinh viên học xong chương trình cử nhân nhưng khả năng sử dụng ngoại ngữ vẫn kém, nhiều em vẫn vướng chứng chỉ ngoại ngữ nên chưa thể tốt nghiệp.
Môn tiếng Anh được xem trọng sao chất lượng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng?
Từ lâu, môn tiếng Anh luôn là một trong những môn thi bắt buộc ở kỳ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; các cơ quan tuyển dụng đều yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ. Trong trường phổ thông, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT thì môn tiếng Anh, cùng với môn Toán và Văn là 3 môn ràng buộc để xếp loại học lực của học sinh. Điều này cho thấy ngành giáo dục từ lâu đã xem trọng môn học này.
Hiện nay, trong trường phổ thông, học sinh được học mỗi tuần có 3 tiết tiếng Anh - chỉ sau môn Toán và Ngữ văn. Nếu tính theo số tiết, những học sinh bắt đầu học Tiếng Anh từ lớp 3 thì khi hết bậc học phổ thông, học sinh đã học khoảng 800 tiết học ngoại ngữ. Nếu bắt đầu học từ năm lớp 1, học sinh sẽ có khoảng gần 1.000 giờ học ngoại ngữ - tương đương với số tiết để một sinh viên đại học có thể hoàn thành chương trình cử nhân trên giảng đường đại học.
Không chỉ học ngoại ngữ ở bậc phổ thông, khi bước vào các trường đại học, sinh viên được học thêm 300 tiết tiếng Anh cơ sở và chuyên ngành nữa. Như vậy, nếu so với các môn học khác thì môn tiếng Anh là một môn học xuyên suốt, duy nhất được kéo dài từ tiểu học lên đến bậc đại học, thậm chí ở các bậc học cao hơn như cao học, nghiên cứu sinh môn tiếng Anh vẫn là một trong những môn thi đầu vào và là môn học bắt buộc.
Thế nhưng, điều mà chúng ta đang phải chứng kiến là nhiều học sinh và ngay cả những cử nhân ra trường vẫn yếu ngoại ngữ. Nhiều người học xong đại học mà vẫn "câm, điếc" ngoại ngữ - nói không được, nghe không xong.
Trong trường phổ thông, dù là môn học thêm nhiều nhất của học sinh nhưng điểm môn học này cũng luôn đội sổ, nhất là học sinh khu vực nông thôn. Kỳ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì môn tiếng Anh năm nào cũng là một trong những môn thi có điểm số áp chót hoặc gần áp chót.
Sách giáo khoa tiếng Anh đang đắt nhất trong các môn học ở các trường phổ thông và thay đổi liên tục với nhiều đề án khác nhau. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học khác chỉ có 3 bộ sách nhưng riêng môn tiếng Anh đang có tới 9 bộ sách của nhiều nhà xuất bản khác nhau. Giáo viên phổ thông cũng được đầu tư, nhiều giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cử sang nước ngoài trong những năm qua để bổ sung kiến thức về giảng dạy cho học trò.
Phải thấy rằng các cấp lãnh đạo rất xem trọng môn ngoại ngữ trong bối cảnh đất nước hội nhập, phụ huynh cũng xem trọng môn tiếng Anh nên đầu tư cho con em mình học chính, học thêm từ nhỏ nhưng số học sinh, cử nhân thành thạo ngoại ngữ không nhiều, gần như học xong là quên luôn, không sử dụng được.
Tại sao muốn giỏi tiếng Anh thì bắt buộc phải học thêm ở ngoài
Không phải là bây giờ mà từ hàng chục năm nay, phần lớn học sinh, sinh viên trên cả nước đều phải học thêm môn tiếng Anh. Càng học lên cao, việc học thêm tiếng Anh càng nhiều hơn và đây gần như là yêu cầu bắt buộc để người học có đủ kiến thức thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và lấy chứng chỉ để đi làm.
Càng học sinh nông thôn, khu vực khó khăn thì khi bước vào đại học càng phải học thêm tiếng Anh nhiều hơn vì kiến thức cơ bản của môn học gần như rơi rụng hết. Hơn nữa, việc học tiếng Anh bắt buộc trong chương trình đào tạo yêu cầu ngặt nghèo hơn ở bậc học phổ thông, sinh viên gần như phải "độc lập tác chiến" trong kiểm tra, thi cử.
Vì thế, nhiều sinh viên phải gồng mình để đến các trung tâm ngoại ngữ nhằm bổ sung kiến thức cơ bản và trau dồi vốn ngoại ngữ cho bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu học tập trên giảng đường và cũng là cách chuẩn bị để sau này ra trường đi làm.
Tại sao học sinh phổ thông học nhiều tiết như vậy, nhiều em học thêm rất sớm nhưng vẫn yếu ngoại ngữ? Phải chăng là việc đào tạo ở trường phổ thông có vấn đề?
Rõ ràng, những quan tâm, đầu tư của ngân sách nhà nước, đầu tư của phụ huynh cho ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng chưa đạt được như kỳ vọng. Có thể do nguyên nhân môn học này khó; cũng có thể do người học chưa có kĩ năng tốt.
Nhưng, nguyên nhân cơ bản chính là chương trình học và cách đào tạo, truyền đạt của các cấp học phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức. Giáo viên Tiếng Anh cũng chưa đạt được trình độ truyền thụ và phương pháp giảng dạy tốt nhất. Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tỷ lệ chưa cao.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google