Giải pháp xây dựng mô hình dạy-học tiếng Anh tích hợp công nghệ cho sinh viên thông qua ứng dụng mạng xã hội

Nguyễn Thị Mơ - Trường Đại học Giao thông vận tải, Hà Nội
12:00 - 25/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, nhất là internet và mạng xã hội đã mang lại cho con người nhiều tiện ích trong quá trình sống, học tập và nghiên cứu. Trong đó mạng xã hội đã và đang có những tác động lớn tới đời sống của con người, nhất là đối với lực lượng sinh viên.

Giải pháp xây dựng mô hình dạy-học tiếng Anh tích hợp công nghệ cho sinh viên thông qua ứng dụng mạng xã hội - Ảnh 1.

Thông qua thực tiễn việc dạy-học tiếng Anh ở các trường cho thấy, sinh viên có nhu cầu cao trong sử dụng mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng để kết nối với thế giới thực và ảo bên ngoài nhà trường. brandsketer.com

Qua các nghiên cứu về tác động của mạng xã hội tới hoạt động học tập của sinh viên đều chỉ ra rằng, việc sử dụng các trang mạng xã hội có ảnh hưởng lớn tới quá trình học tập của sinh viên nói chung và việc học tiếng Anh nói riêng. Đặc biệt, các trang web mạng xã hội trực tuyến bên cạnh việc tác động mạnh mẽ tới kết quả học tập của sinh viên, còn giúp sinh viên thích nghi với văn hóa đại học; đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập. 

Trong một số hoạt động, mạng xã hội (Facebook) đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy-học, mang lại hiệu quả thiết thực. Trên thực tế, không ít giảng viên tiếng Anh đã ứng dụng thành công mạng xã hội vào hoạt động giảng dạy của mình, thông qua những hoạt động cụ thể của mạng xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu dạy-học đề ra. Hiện nay, việc ứng dụng mạng xã hội để xây dựng mô hình dạy-học tiếng Anh tích hợp công nghệ cho sinh viên các trường đại học hiện nay là xu thế tất yếu phù hợp với định hướng của Chính phủ: "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dạy và học ngoại ngữ với hệ thống học liệu điện tử phù hợp với mọi đối tượng để người học có thể học Ngoại ngữ, tiếp cận tiếng bản ngữ mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện…".

Mục tiêu trong giảng dạy tiếng Anh ở nhà trường tập trung vào phát triển các kỹ năng giao tiếp cần thiết cho mục đích học thuật được quy định trong hệ thống giáo dục cũng như phục vụ công việc sau khi ra trường. Do vậy, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải luôn tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, khám phá ra nhiều phương pháp mới, sáng tạo nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả dạy-học tiếng Anh. Thông qua thực tiễn việc dạy-học tiếng Anh ở các trường cho thấy, sinh viên có nhu cầu cao trong sử dụng mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng để kết nối với thế giới thực và ảo bên ngoài nhà trường. Một phần không nhỏ đối tượng sinh viên này đã biết tận dụng và khai thác các ưu điểm của mạng xã hội Facebook để ứng dụng vào việc học tiếng Anh trên phương diện phát triển kỹ năng, tăng sự tự tin, động lực và thái độ với loại ngôn ngữ quốc tế này. 

Trong tất cả mạng xã hội hiện nay, Facebook được hầu hết giảng viên và sinh viên lựa chọn làm công cụ phổ biến nhất cho cả hoạt động giải trí, giao tiếp, chia sẻ và học tập. Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao trong việc sử dụng công nghệ vào lĩnh vực giáo dục của giảng viên, có thể nhận định rằng, ứng dụng công nghệ mạng xã hội vào việc giảng dạy tiếng Anh sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho cả giảng viên và sinh viên. Trong đó, giảng viên chính là nhân tố chính quyết định sự thay đổi này trong thời gian sắp tới. Bên cạnh những kết quả thuận lợi thu được, cũng còn nhiều sinh viên chưa có nhận thức rõ ràng về vấn đề này vì chưa hoàn toàn hiểu được hết tính năng mà mạng xã hội cung cấp, cũng như chưa biết chủ động khai thác đặc tính giáo dục tích hợp trong các đặc tính giải trí và kết nối xã hội của nó. Chưa kể, một số ít giảng viên và sinh viên còn giữ quan niệm truyền thống chậm đổi mới đối với quá trình dạy và học tiếng Anh đã tồn tại rất lâu ở nước ta, hoặc chỉ biết đến chức năng giải trí của mạng xã hội.

Để xây dựng mô hình và triển khai mô hình dạy học tiếng Anh tích hợp công nghệ cho sinh viên được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động dạy-học tiếng Anh của giảng viên và sinh viên, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, về phía các nhà trường

Những người đứng đầu các nhà trường cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên tới nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và dạy-học tiếng Anh nói riêng. Trong đó, chú trọng đúng mức tới ứng dụng công nghệ thông tin, triệt để tận dụng mạng xã hội vào nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Đặc biệt, cần có thái độ nhìn nhận khách quan giá trị giáo dục của mạng xã hội Facebook nói chung và hiệu quả của mô hình ứng dụng Facebook và hoạt động day-học tiếng Anh nói riêng. Bên cạnh đó, cần sự ủng hộ về chủ trương lẫn nội dung giảng dạy kết hợp xu thế đào tạo trực tuyến kết hợp trực tiếp như hiện nay, có như vậy thì mới tạo điều kiện cần và đủ để giảng viên và sinh viên làm chủ và khai thác hết ưu điểm từ mô hình công nghệ này. Hoạt động học tập chủ yếu được diễn ra trong một cộng đồng vừa khép kín (nhóm của lớp) vừa kết nối rộng khắp (tham gia nhóm khác), do đó người học bắt buộc phải đóng vai trò tích cực và chịu trách nhiệm quết định quá trình học của mình, phải biết phát huy điểm mạnh; biết cải thiện điểm yếu; biết tăng cường học hỏi và giao lưu, giao tiếp trong ngữ cảnh thực của xã hội; biết khai thác, trau dồi, tích lũy tri thức trong quá trình học tập để phục vụ hướng nghiệp sau này.

Thứ hai, đối với đội ngũ giảng viên

Để thực hiện hiệu quả mô hình này, người giảng viên phải đóng vai trò như một người hướng dẫn trong bối cảnh lấy người học làm trung tâm và theo quy định của học tín chỉ. Giảng viên cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, chấm dứt hình thức thuyết giảng đơn thuần, tập trung hướng dẫn, gợi mở để sinh viên phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Thông qua hoạt động học tập, làm việc qua Facebook sẽ giúp sinh viên tự khám phá và tự quản lý việc học tiếng Anh của mình với sự hỗ trợ của các thành viên khác trên Facebook và giảng viên. Thực tiễn cho thấy, nền tảng Facebook có khả năng khai thác cung cấp nhiều hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên trong cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Vì vậy, giảng viên cần chủ động nắm bắt thực trạng và nhu cầu sử dụng của sinh viên, kết hợp lồng ghép các mục tiêu giảng dạy cụ thể để khai thác Facebook như là một công cụ học tập, hỗ trợ thiết lập một cộng đồng người học và cùng nhau kiến tập, chia sẻ tri thức; đóng vai trò là người định hướng, giám sát, hỗ trợ người học; tạo sự kết hợp mang lại hiệu quả cao từ hoạt động học trực tiếp trên lớp với các hoạt động phi chính thống trực tuyến. Giảng viên cần đầu tư hơn nữa khai thác các chức năng của mạng xã hội để kết hợp với phương pháp giảng dạy trên lớp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho sinh viên trong quá trình học tập các học phần tiếng Anh; đồng thời, tạo diễn đàn kết nối lâu dài, vững chắc cho sinh viên. 

Đây cũng là mục đích thiết thực cần được chú trọng hướng đến, nhằm duy trì thói quen "học tập suốt đời" cho cả thầy lẫn trò trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Muốn vậy, giảng viên cần được bổ sung kiến thức đầy đủ về tính năng của mạng xã hội Facebook, từ đó tích hợp các chủ đề và nội dung tiếng Anh nhằm khai thác triệt để cho hoạt động giảng dạy kết hợp trực tiếp với trực tuyến.

Thứ ba, đối với sinh viên

Sinh viên là trung tâm của quá trình đổi mới phương pháp dạy học, nhân tố quyết định đến thành công của mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học tiếng Anh thông qua mạng xã hội. Do đó, sinh viên cần nhận thức sâu sắc vai trò của mạng xã hội đối với việc học tập nói chung và học tiếng Anh nói riêng. Bên cạnh đó, sinh viên cần kiểm soát tốt việc sử dụng mạng xã hội, giảm bớt các hoạt động giải trí từ Facebook và dành nhiều cho việc học tập, trong đó có tiếng Anh; chỉ có như vậy, những gì sinh viên học được và trải nghiệm mới thật sự được tiếp thu và có ý nghĩa. Bởi vậy, để sử dụng Facebook phục vụ việc học tiếng Anh một cách hiệu quả, trước tiên phải đảm bảo sinh viên nhận thức rõ được cơ hội và những giá trị của hoạt động học tiếng Anh thông qua mạng xã hội mang lại, từ đó mới thúc đẩy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của bản thân từng sinh viên. Việc ứng dụng mạng xã hội vào trong các hoạt động học tập, trong đó có học tiếng Anh đã được đông đảo sinh viên các trường đại học áp dụng và trên thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Tuyết Mai (2014), Nghiên cứu ứng dụng mạng xã hội Facebook trong việc hỗ trợ đổi mới giảng dạy tại trường đại học, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 68.

2. Nguyễn Thị Cúc Phương (2014), Hướng dẫn học ngoại ngữ trực tuyến, Tạp chí Khoa học và Ngoại ngữ Hà Nội, số 40.

3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định 2080/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025".