Môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông khiến học sinh chới với

Ngọc Trân
15:00 - 10/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các học sinh đang cảm thấy khó khăn, áp lực khi bước vào môn học lựa chọn không phải sở trường và không theo định hướng nghề nghiệp tương lai của mình.

Môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông khiến học sinh chới với - Ảnh 1.

Môn học lựa chọn khiến học sinh chới với trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Ngọc Ánh

Một số học sinh sốc với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập

Với hướng dẫn hiện nay, chỉ có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là các trường trung học phổ thông đều giảng dạy như nhau. Còn lại, các môn học lựa chọn, chuyên đề học tập thì nhà trường sẽ căn cứ vào thực tế điều kiện của đơn vị để sắp xếp. Có trường cho học sinh lựa chọn môn, sau đó xếp lớp; có trường lựa chọn tổ hợp rồi cho học sinh đăng ký nhưng cũng có trường ấn định tổ hợp cho từng lớp cụ thể.

Chính vì vậy, một số học sinh học ở những trường được nhà trường xếp tổ hợp cho từng lớp cụ thể sẽ không được lựa chọn cho riêng mình. Vậy nên, cùng tổ hợp và chuyên đề học tập nhưng trong lớp có học sinh cảm thấy phù hợp nhưng cũng nhiều em phải miễn cưỡng học vì không có lựa chọn khác.

Học sinh Thảo Nguyên, lớp 10 của một tỉnh phía Nam chia sẻ: em có dự kiến sẽ thi (xét tuyển đại học) vào sư phạm ngoại ngữ, môn xét tuyển là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và các môn học này đang là môn học bắt buộc nên không gặp khó khăn gì.

Có điều, em sợ nhất là các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập không phải là những môn sở trường của mình. Lớp của em được nhà trường xếp các môn lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ (thiết kế) và 2 môn chuyên đề là Vật lí, Hóa học (toàn môn tự nhiên) nên nhiều buổi học khiến em ám ảnh. Vẫn biết đó là những môn đã học ở cấp trung học cơ sở nhưng không phải học sinh nào cũng giỏi toàn diện.

Vì thế, mỗi giờ học trên lớp bây giờ em cảm thấy áp lực vô cùng. Giá như các em được lựa chọn môn hoặc nhà trường xếp cho các em đan xen cả môn khoa học xã hội sẽ dễ thở hơn. Điều em áp lực nhất là không chỉ năm nay mà cả 3 năm trung học phổ thông phải học các môn học này.

Thực tế cho thấy, một số trường trung học phổ thông, nhất là những trường trung học phổ thông chuyên thường được nhà trường ấn định môn học lựa chọn và chuyên đề học tập nên có nhiều em đã gặp những khó khăn nhất định trong quá trình học tập ở trên lớp.

Việc xếp tất cả các môn lựa chọn và chuyên đề học tập là các môn khoa học tự nhiên thực ra chưa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra và một số văn bản hướng dẫn hiện hành sẽ gây ra áp lực cho nhiều học sinh vì mỗi lớp có mấy chục học sinh, không phải em nào cũng có thế mạnh học tập như nhau.

Các trường nên hài hòa các môn lựa chọn và chuyên đề học tập

Trong 9 môn học lựa chọn hiện nay: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật đã được Bộ hướng dẫn có 2 môn là Âm nhạc và Mĩ thuật phần lớn vẫn chưa được xếp vào tổ hợp vì gần như các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên.

Đối với 7 môn học còn lại: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học đang được các nhà trường cho học sinh lựa chọn hoặc nhà trường xếp sẵn cho học trò khi các em mới trúng tuyển vào lớp 10.

Việc một số nhà trường xếp sẵn tổ hợp, chuyên đề học tập và ấn định cho các lớp do ban giám hiệu căn cứ vào nhân lực hiện có của đơn vị để xếp tổ hợp nhằm đảm bảo số tiết dạy cho giáo viên và kinh phí đã được ngân sách khoán cho nhà trường. Song, có lẽ các nhà trường cũng cần phải hướng đến nhu cầu, mong muốn của học sinh để các tổ hợp trở nên hài hòa và phục vụ cho việc thi (xét tuyển) đại học của học sinh sau này. 

Bởi lẽ, đây là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp chứ không phải là giai đoạn giáo dục cơ bản.

Việc xếp tất cả môn lựa chọn và chuyên đề học tập là các môn học khoa học tự nhiên sẽ khiến cho nhiều học sinh quá tải vì không phải em nào cũng học tốt tất cả các môn học. Một khi các em không có thế mạnh cũng đồng nghĩa phải đầu tư nhiều về thời gian, công sức, thậm chí phải đi học thêm là điều tất yếu. Nếu không, việc học trên lớp sẽ khó khăn vô cùng. Đó là chưa kể một số giáo viên còn tạo áp lực để học sinh phải đi học thêm bằng cách thường xuyên kiểm tra bài cũ hoặc gọi lên bảng làm bài tập. Từ đó, dẫn đến căng thẳng cho một số học sinh.

Thiết nghĩ, đối với học sinh lớp 11 và lớp 10 trong năm học này thì mọi thứ đã không thể thay đổi được nữa vì các em đã bước vào học tập ổn định nhưng những năm tiếp theo các nhà trường cũng cần cân nhắc việc xếp tổ hợp, chuyên đề học tập cho học sinh lớp 10 một cách phù hợp, hài hòa nhất có thể.

Theo định hướng, giai đoạn chọn nghề nghiệp sẽ tập trung vào những môn học mà sau này giúp ích cho việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh. Vì thế, dù biết rằng việc xếp tổ hợp của nhà trường phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau nhưng không nên xếp tất cả các môn lựa chọn và chuyên đề học tập là các môn học tự nhiên cho một lớp vì sẽ dẫn đến áp lực lớn cho không ít học sinh trung học phổ thông hiện nay.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).

Theo đó, cấp trung học phổ thông sẽ có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Đối với các môn học lựa chọn:

Học sinh chọn 4 môn học từ các môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Ngoài ra, học sinh còn lựa chọn thêm một số chuyên đề học tập.