Học theo tổ hợp môn, học sinh sẽ thi và tuyển sinh đại học thế nào?

Phan Anh
19:00 - 16/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn nào khi vào trung học phổ thông thì sẽ học môn học đó, các môn còn lại sẽ không học, không kiểm tra, không thi.

Học theo tổ hợp môn, học sinh sẽ thi và tuyển sinh đại học thế nào? - Ảnh 1.

Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng hướng nghiệp cho tương lai học sinh. Ảnh: Fee/image

Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (cũ) và chương trình bậc trung học cơ sở, học sinh được học tất cả các môn giống nhau theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (mới) bậc trung học phổ thông 3, học sinh được học 12 môn: 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương và 4 môn lựa chọn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc.

Học sinh chọn môn nào thì sẽ học môn học đó. Các môn còn lại sẽ không học, không kiểm tra, không thi. Ví dụ, học sinh chọn tổ hợp Vật lí - Hóa học - Sinh học - Tin học thì các em sẽ học 12 môn: gồm 8 môn bắt buộc và 4 môn vừa lựa chọn. Các môn Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật sẽ không học, không có điểm đánh giá trong học bạ.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho chương trình mới. Vì năm học 2023-2024 là năm thứ hai chương trình mới được triển khai cho lớp 11. Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình mới dự kiến sẽ thi 6 môn: 4 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại Ngữ 1, Lịch sử. 2 môn tự chọn: học sinh được chọn 2 môn bất kỳ trong nhóm 7 môn lựa chọn nhưng không có môn Âm nhạc và Mĩ thuật.

Vậy nên, học sinh cứ yên tâm lựa chọn môn học theo sở trường và sở thích của mình. Khuyến cáo, các em học môn nào thì học luôn cả 3 năm để có đủ kiến thức - kỹ năng đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tuyển sinh đại học sau khi học chương trình mới như thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đánh giá quá trình học (tức kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu dành cho mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông). Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ hỗ trợ các trường đại học tuyển sinh (trong giai đoạn hiện nay) và kiểm soát về mặt chất lượng giảng dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị tuyển sinh đại học.

Các đại học và trường đại học mới là đơn vị tuyển sinh chính thức và có thể tự ra đề án, phương thức, chỉ tiêu…

Quy trình tuyển sinh hằng năm như sau: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học/cao đẳng sư phạm (các trường cao đẳng - trung cấp không có ngành sư phạm thì do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nên sẽ có quy định riêng).

Các đại học sẽ ra đề án tuyển sinh, quy định các cách thức tuyển sinh. Các phương thức tuyển sinh đại học hiện giờ đang có: xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét kết quả học tập (điểm học bạ).

Tuyển sinh đại học qua các kỳ thi đánh giá: Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; đánh giá chuyên biệt của Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá chuyên biệt của Đại Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá năng lực của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; kỳ thi riêng của nhóm An ninh - Công an; kỳ thi năng khiếu riêng của các nhóm Kiến trúc, Mĩ thuật, Âm nhạc,...

Sử dụng các chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEFL, SAT, GMAT… và kết hợp đa dạng các phương thức trên để tuyển sinh đại học.

Hiện nay chưa có quy chế tuyển sinh đại học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dự kiến phải năm 2025 mới có) nên chưa thể biết được các cơ sở giáo dục đại học sẽ tuyển sinh theo phương thức nào, điểm chuẩn ra sao, ngành nào lấy môn nào.

Lưu ý, các khối thi, tổ hợp môn thi đại học truyền thống (A00, A01, B00, D01…) học sinh chỉ nên tham khảo chứ không áp dụng cứng nhắc cho chương trình mới. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải dựa trên các quy định về chương trình mới để có phương thức tuyển sinh phù hợp. 

Học sinh nên học các môn tương ứng với nhóm ngành của mình để thích ứng tốt hơn với sự thay đổi.

Ví dụ, nhóm ngành liên quan đến kinh tế nên học các nhóm có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật". Nhóm ngành công nghệ thông tin nên học Tin học. Nhóm ngành khoa học cơ bản nên học các môn khoa học tự nhiên tương ứng Vật lí, Hóa học, Sinh học. Nhóm ngành kỹ thuật nên học môn Công nghệ…

Ngoài ra, học sinh cần xem chương trình học của các môn học trên trang web của của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lưu ý khi chuyển đổi tổ hợp môn lựa chọn

Sau khi chọn môn học, học 1 thời gian thì thấy không phù hợp, học sinh được chuyển môn học hay không? Công văn 68/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn chuyển đổi môn học như sau:

Về cơ bản các môn học lựa chọn cần được giữ nguyên suốt 3 năm học. Trong điều kiện đặc biệt và phù hợp với điều kiện nhà trường, học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn vào cuối năm học (phải học hết một năm học thì mới được chuyển đổi, không được chuyển ở giữa năm học).

Học sinh phải tự bổ sung kiến thức của năm học cũ và vượt qua bài kiểm tra - đánh giá của nhà trường để được chấp thuận chuyển đổi môn học ở năm học sau. Công văn 68/BGDĐT-GDTrH không đề cập đến việc chuyển đổi tổ hợp môn sau năm lớp 10 hay năm lớp 11 nên xem như học sinh chuyển đổi cuối năm 10 hay 11 đều được. Tuy nhiên, học sinh cần cẩn trọng và chờ các hướng dẫn tiếp theo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.