Nhiều học sinh lớp 10 không được lựa chọn tổ hợp môn theo ban cơ bản

Phan Anh
15:00 - 08/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Qua một năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên các tỉnh, thành chia sẻ, nhiều học sinh lớp 10 không được lựa chọn tổ hợp môn ban cơ bản theo khối thi đại học. Điều này sẽ nảy sinh bất cập trong việc lựa chọn nghề nghiệp sau khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có trường chỉ cho học sinh lựa chọn 2 tổ hợp môn

Mục 2 phần IV Chương trình tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT) quy định về nội dung giáo dục giai đoạn định hướng nghề nghiệp như sau:

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh được lựa chọn 4 môn bất kỳ trong số 9 môn học, tức là theo lí thuyết, các em được chọn 1 tổ hợp trong 126 tổ hợp môn.

Mặc dù về mặt lý thuyết học sinh có thể chọn 1 tổ hợp trong số 126 tổ hợp môn nhưng không một nhà trường nào có thể đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh vì thiếu đội ngũ giáo viên bộ môn và cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học chưa đảm bảo.

Đơn cử như một số trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ xây dựng 2 tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn:  Tổ hợp 1 có Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học. Tổ hợp 2 có Vật lí, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ.

Cùng với đó, học sinh nào chọn tổ hợp môn 1 thì được ấn định cụm chuyên đề học tập: Toán, Vật lí, Hóa học. Tương tự, học sinh chọn tổ hợp môn 2 thì phải học cụm chuyên đề học tập: Toán, Ngữ văn, Địa lí.

Qua dẫn chứng trên có thể nhận thấy, trường này chỉ có 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Học sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên thì không được học một số môn xã hội. Ngược lại, các em chọn Khoa học xã hội thì không được học một số môn tự nhiên.

Đáng nói, sau khi học sinh (chọn tổ hợp 2) tốt nghiệp trung học phổ thông, và các học sinh có nhu cầu xét tuyển vào đại học, thì không có ngành nào xét tổ hợp môn một cách tréo ngoe như: Vật lí, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật hay Vật lí, Địa lí, Công nghệ.

Bên cạnh đó, ở nhiều trường trung học phổ thông thuộc nhóm trường top, đa số học sinh đều chọn học tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ, trường trung học phổ thông nơi giáo viên này công tác có tỉ lệ học sinh lớp 10 đăng ký các tổ hợp môn theo khối thi đại học như sau: Khối A0 (Toán, Vật lý, Hóa học): 30%. Khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh): 60%. Khối D (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh): dưới 10%. Còn khối C (Ngữ văn; Lịch sử Địa lí) thì không có nhiều em đăng ký.

Tuy nhiên, nhà trường không thể xếp toàn bộ học sinh theo nguyện vọng vì cơ cấu giáo viên không cho phép, nên đã có gần 1/3 số lớp phải học tổ hợp Khoa học xã hội. 

Điều này đi ngược lại với tinh thần định hướng cho học sinh chọn môn học phù hợp với sở thích năng lực để học.

Và kéo theo hệ lụy, những học sinh học tổ hợp Khoa học xã hội thì không thể dự thi đại học theo khối A0, A1... Đây là một trong những bất cập nảy sinh về việc lựa chọn tổ hợp môn theo nguyện vọng của học sinh nhưng hệ thống giáo dục lại không cung cấp được giáo viên và điều kiện học tập kèm theo.

Liên quan đến việc lựa chọn tổ hợp môn của học sinh lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hầu hết các trường không bố trí tổ hợp, chuyên đề có Âm nhạc, Mỹ thuật, là một điều rất đáng trăn trở. Và việc thiếu giáo viên ở 2 môn này vẫn không có phương án giải quyết tối ưu.

Ban cơ bản có ưu điểm gì?

Chương trình 2006 có cấp trung học phổ thông có 3 ban: Ban khoa học tự nhiên; Ban Khoa học xã hội và Nhân văn; Ban cơ bản.

Ban khoa học tự nhiên: phù hợp với những học sinh có năng lực, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên.

Ban Khoa học xã hội và Nhân văn: phù hợp những học sinh có năng lực, nguyện vọng học sâu hoặc lựa chọn các nghề nghiệp đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực khoa học xã hội.

Ban cơ bản: thực hiện phân hóa linh hoạt bằng dạy học tự chọn ở các mức độ nâng cao khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của học sinh muốn học lên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào lao động sản xuất.

Đáng chú ý, học sinh ban cơ bản sẽ học các môn học theo chương trình chuẩn. Ngoài ra học sinh ban này sẽ sử dụng thời lượng dạy học tự chọn (4 tiết/tuần) để học theo chương trình và sách giáo khoa nâng cao của một số môn có nội dung nâng cao (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử , Địa lý, các môn ngoại ngữ).

Học sinh có thể chọn học từ 1 đến 3 môn như vậy, đồng thời có thể sử dụng thời lượng dạy học tự chọn này để học một số chủ đề tự chọn.

Theo Chương trình 2006, tùy nguyện vọng học sinh và điều kiện của nhà trường, các trường trung học phổ thông sẽ quyết định tổ chức dạy học mấy ban và là những ban nào.

Giải pháp đơn giản nhất là ngành giáo dục cần quán triệt các nhà trường trung học phổ thông phải cho học sinh lựa chọn thêm tổ hợp cơ bản (ban cơ bản theo khối thi đại học).