Lý do giáo dục Indonesia gặp nhiều khó khăn trong 2 thập kỷ qua

Lam Linh
06:42 - 02/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Bộ trưởng Bộ giáo dục Indonesia, chất lượng giáo dục Indonesia gặp nhiều khó khăn không phải là vấn đề mới xuất hiện trong đại dịch COVID-19. Bởi vấn đề này đã là một thách thức trong suốt 2 thập kỷ qua của quốc gia này.

Lý do giáo dục Indonesia gặp nhiều khó khăn trong 2 thập kỷ qua - Ảnh 1.

Indonesia là một trong những quốc gia học trực tuyến lâu nhất thế giới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: The Statesman

Giáo dục Indonesia bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Indonesia đã đóng cửa trường học hoàn toàn hoặc một phần gần 2 năm. Đây là một trong những quốc gia học trực tuyến lâu nhất thế giới. Việc chuyển đổi đột ngột sang hình thức học trực tuyến đã tác động đáng kể đến kỹ năng học tập của học sinh Indonesia. Đồng thời khiến ngành giáo dục Indonesia đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, do hậu quả của việc học trực tuyến nên vào năm 2023, học sinh lớp 4 ở Indonesia đã gặp khó khăn trong việc học môn Toán và Ngoại ngữ, tình hình này còn trở nên tồi tệ hơn đối với học sinh xuất thân từ các gia đình nghèo khó.

Chương trình giảng dạy thiếu linh hoạt ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục Indonesia 

Tuy nhiên, vừa qua, phát biểu tại một hội nghị của Ngân hàng Thế giới ở thủ đô Jakarta (Indonesia), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nadiem Makarim nhận định chất lượng học tập giảm sút của học sinh Indonesia không phải vấn đề mới xuất hiện trong đại dịch COVID-19.

Lý do giáo dục Indonesia gặp nhiều khó khăn trong 2 thập kỷ qua - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nadiem Makarim nhận định chất lượng học tập giảm sút của học sinh Indonesia không phải vấn đề mới xuất hiện trong đại dịch COVID-19. Ảnh: iFOINDONESIA

"Chúng ta thường cho rằng, khả năng học tập của học sinh bị giảm sút do ảnh hưởng của việc học trực tuyến. Điều đó không chính xác hoàn toàn! Bởi giáo dục Indonesia đã gặp khó khăn trong suốt 20 năm qua", ông Nadiem Makarim nói.

Theo Bộ trưởng Bộ giáo dục Indonesia thì lỗ hổng trong giáo dục Indonesia đã xuất hiện trong suốt 2 thập kỷ qua do chương trình giảng dạy không linh hoạt, các trường không được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và giáo viên. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác cũng đang ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của đất nước này.

Chính sách cải thiện chất lượng giáo dục Indonesia

Hiện tại, Chính phủ Indonesia đã thông qua chương trình cải cách giáo dục. Theo đó, các trường học được khuyến khích áp dụng mô hình mang tính linh hoạt cao hơn. Tên gọi của chương trình cải cách giáo dục này là “Học tập độc lập”.

Theo chính sách này, các trường học được phép xây dựng nội dung giảng dạy ngắn gọn. Mỗi tiết học tương ứng với một chủ đề học tập độc lập.

Lý do giáo dục Indonesia gặp nhiều khó khăn trong 2 thập kỷ qua - Ảnh 4.

Chương trình giảng dạy không linh hoạt đã dẫn đến chất lượng giáo dục Indonesia bị giảm sút. Ảnh: BINA NUSANTARA

Ông Nadiem Makarim cho biết, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Bộ Giáo dục đã tiến hành khảo sát, so sánh chất lượng giáo dục giữa các trường dạy theo mô hình cũ và các trường áp dụng chương trình “Học tập độc lập”. Kết quả cho thấy trường học giảng dạy với nội dung ngắn gọn có tỉ lệ học tập giảm sút thấp hơn, học sinh gặp ít trở ngại hơn trong việc học.

"Ít hơn nhưng lại nhiều hơn. Bởi chương trình giảng dạy với nội dung cô đọng, súc tích cho phép giáo viên tập trung và đi sâu vào chương trình giảng dạy cũng như tập trung vào các khái niệm. Từ đó giúp học sinh nắm chắc kiến thức nền tảng và hiểu rõ bản chất vấn đề. Với chương trình giáo dục không linh hoạt trước đây, lượng thông tin cung cấp cho học sinh nhiều, song điều đó không có ý nghĩa gì", Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia bày tỏ.

Với những phân tích trên, Bộ Giáo dục Indonesia đã kêu gọi các trường học tăng cường và đẩy mạnh việc thay đổi mô hình giáo dục, hướng đến nền giáo dục toàn diện hơn.

Nguồn: Jakarta Globe