Truyền thống tặng nón cho học sinh lớp 1 ở Đức

Lam Linh
15:38 - 26/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ở Đức, theo truyền thống, học sinh lớp 1 sẽ mang theo một chiếc nón bằng giấy đầy màu sắc vào ngày đầu tiên đến trường. Chiếc nón này có tên là “Schultute”, trông giống như một chiếc nón quá khổ.

Truyền thống tặng nón cho học sinh lớp 1 ở Đức - Ảnh 1.

Vào ngày khai giảng đầu tiên trong cuộc đời, học sinh lớp 1 sẽ mang theo chiếc nón được người thân tặng đến trường. Ảnh: Getty Images

Nón được tặng cho học sinh lớp 1 vào ngày đầu tiên tới trường

Khi Jara 6 tuổi, bắt đầu đi học ở London (Anh), bà cô bé là người Đức đã làm cho em một chiếc nón bằng bìa cứng như một món quà nhân dịp lần đầu tiên Jara dự khai giảng.

Đối với Jara, chiếc nón được bà gửi tặng từ Đức là tất cả những gì cô ấy mong đợi. Bà của cô đã tự tay thiết kế chiếc nón sao cho vừa vặn với chiếc vali để gửi cho cháu gái. Đó là một chiếc nón có màu xanh ngọc lam, được trang trí bằng giấy bóng in hình nàng tiên cá, và nó to gần bằng Jara.

Jara thấy điều đó thật kỳ diệu: "Tôi đã rất hạnh phúc, tôi thậm chí còn mang nó đi ngủ cùng mình".

Truyền thống tặng nón cho học sinh lớp 1 ở Đức - Ảnh 2.

Chiếc nón tặng học sinh lớp 1 là món quà chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa. Ảnh: Sophie Hardach

Jacqueline (người Đức) - mẹ của Jara, hiện đang làm huấn luyện viên thể dục ở London, cho biết: “Đối với gia đình chúng tôi, không thể bắt đầu đi học mà không có chiếc nón. Mang theo chiếc nón đến trường trong ngày khai giảng sẽ khiến ngày đầu tiên đến trường trở nên ngọt ngào và đáng nhớ hơn".

Ở bang Sachsen (Đức) cũng là nơi tôi sinh ra, chiếc nón không thể thiếu trong dịp lễ kỷ niệm lớn, lễ ở trường học hay một bữa tiệc tại nhà.

Truyền thống tặng nón cho học sinh lớp 1 ở Đức - Ảnh 3.

Các gia đình nước Đức vẫn tiếp tục duy trì truyền thống tặng nón đi học cho con. Ảnh: Getty Images

Bettina Nestler, nhà sản xuất nón học sinh lớn nhất của Đức, miêu tả những ngày lễ khai giảng của học sinh giống như một đám cưới nhỏ. Bà cũng cho biết, phụ huynh của học sinh rất hào hứng và thường đặt hàng trước chiếc nón từ tháng Giêng, trong khi lễ bế giảng bắt đầu vào tháng 9.

Theo đó, phụ huynh có thể đặt nón theo ý muốn như in tên của con mình lên nón hoặc thậm chí yêu cầu mẫu nón độc nhất theo thiết kế cá nhân.

Nguồn gốc của phong tục tặng nón ở Đức

Bang Saxony (miền đông nước Đức) - đây được cho là nơi bắt đầu của phong tục tặng nón. Theo một trong những tài liệu tham khảo về truyền thống nước Đức, con trai của một mục sư ở Saxony cho biết đã được giáo viên đưa cho một viên kẹo đường trong lễ bế giảng đầu tiên của cuộc đời vào năm 1781.

Vào thời đó, những chiếc kẹo là nho khô hoặc trái cây sấy khô khác được bọc trong chiếc túi giấy nhỏ xinh, đơn giản.

Theo thời gian, những chiếc kẹo ngày nay được bọc trong một tấm bìa cứng hình nón có thể dài tới 85 cm. Bên ngoài chiếc nón có in hình ảnh ô tô, kỳ lân hoặc phi hành gia gắn thêm đèn LED nhấp nháy, thậm chí có các nút nhấn tạo ra âm thanh sinh động. Nhưng cho dù có thay đổi từ chiếc nón truyền thống đến chiếc nón hiện đại thì ý nghĩa của chúng vẫn giống nhau.

Christiane Cantauw, chuyên gia văn hóa dân gian tại Ủy ban Nghiên cứu văn hóa ở Westphalia, miền tây nước Đức, cho biết: “Tặng nón cho học sinh là một nghi thức truyền thống được thực hiện nghiêm túc tại Đức, đánh dấu ngày đầu tiên những đứa trẻ đến trường".

"Ngoài ra, hình nón đánh dấu một mối liên kết mới đặc biệt. Khi bắt đầu đến trường học cũng là lúc đứa trẻ tách ra một chút khỏi gia đình", Christiane Cantauw nói thêm.

Đồng thời, chuyên gia văn hóa Christiane Cantauw cũng cho rằng, với phong tục tặng nón, gia đình đã tạo ra sự kết nối và truyền tải thông điệp đến đứa trẻ rằng: "Con hiện đang là học sinh, con phải rời gia đình để đến trường học, nhưng con vẫn là một phần của gia đình. Gia đình luôn ủng hộ và đồng hành cùng con trên hành trình mới này".

Ngoài ra, bà Christiane Cantauw cũng so sánh phong tục tặng nón cho học sinh giống với các nghi thức khác như lễ tốt nghiệp, hoặc đám cưới tồn tại trên khắp thế giới.

Truyền thống tặng nón cho học sinh lớp 1 ở Đức - Ảnh 5.

Chiếc nón của người Đức phản ánh cách nuôi dạy con cái. Ảnh: Getty Images

Chiếc nón chứa đựng ký ức tuổi thơ của người Đức

Hans-Gunter Lowe, một giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Hamburg, lớn lên trong đống đổ nát của nước Đức thời hậu chiến kể: "Trong ngày khai giảng đầu tiên, tôi đã mặc một chiếc áo khoác được mẹ may cho từ những mảnh vải vụn, đi một chiếc tất cao đến đầu gối, một đôi ủng cũ và trên tay cầm một chiếc nón được trang trí bằng giấy bạc sáng bóng".

Hans-Gunter Lowe cho rằng, mẹ của ông chắc hẳn đã phải cố gắng hết sức để biến hóa những tấm bìa cứng, mẩu giấy bạc thành chiếc nón đẹp mắt.

Cho rằng chiếc nón chứa đựng ký ức tuổi thơ nghèo khổ nhưng luôn chan chứa tình yêu thương của mẹ, Hans-Gunter Lowe đã thu thập hàng chục chiếc nón cổ và hiện chúng được trưng bày trong viện bảo tàng. Đồng thời, Hans-Gunter Lowe cũng viết một cuốn sách về lịch sử của phong tục tặng nón.

Một nhà văn người Đức ở thế kỷ 18 đã trích dẫn trong cuốn sách của Hans-Gunter Lowe viết về ngày đầu tiên đến trường của ông như sau: "Ngày đầu tiên đến trường trong nỗi lo lắng không thể che giấu. Được trang bị một cuốn sách giáo khoa mới, một chiếc nón bên trong có nho khô, sáu đồng xu học phí - tôi bắt đầu rảo bước trên con đường đến trường trong chua chát với những giọt nước mắt lăn dài".

Từ quá khứ cho đến ngày nay, trẻ em luôn có cảm giác lo lắng trong ngày đầu tiên đi học. Vì vậy, việc tặng nón như một nghi thức để giúp trẻ em đối mặt với ngày này như một trải nghiệm tích cực. Đồng thời, lưu giữ lại kỷ niệm tham dự lễ bế giảng đầu tiên trong cuộc đời cho các em, đánh dấu bước chuyển từ trường mầm non sang trường tiểu học.

Ở Anh, các gia đình thường chuẩn bị cho trẻ đến trường bằng cách mua đồng phục học sinh và một đôi giày mới. Trong khi ở Nhật Bản, trẻ em được phát cặp sách truyền thống được gọi là randoseru.

Chiếc nón gắn liền với lịch sử nước Đức

Ở Đức, những chiếc nón có xu hướng gợi lên cảm giác hoài niệm mạnh mẽ ở người lớn. Thoạt nhìn chiếc nón chỉ là một món quà đơn giản giúp các em học sinh tiểu học đựng kẹo, văn phòng phẩm và đồ chơi. Nhưng đằng sau đó chứa đựng một câu chuyện mang ý nghĩa lịch sử của người Đức.

Truyền thống tặng nón cho học sinh lớp 1 ở Đức - Ảnh 6.

Ở Đức, tặng nón cũng thể hiện rằng, phụ huynh đang đầu tư vào tương lai cho con cái. Ảnh: Getty Images

Trong suốt 2 thế kỷ qua, những chiếc nón giữ vị trí độc nhất trong văn hóa Đức. Nó như một món quà mang tính biểu tượng sâu sắc, đồng thời được gìn giữ, phát huy từ đời này sang đời khác.

Theo đó, trong hai cuộc chiến tranh thế giới, chiếc nón đã trở thành vật bất ly thân của người Đức. Nó xuất hiện trong các đống đổ nát của thành phố sau chiến tranh và trong suốt nhiều thập kỷ khi đất nước bị chia cắt.

Vào thời điểm đất nước hòa bình, những chiếc nón chứa đầy những món ăn sang trọng. Trong thời điểm tồi tệ, chiếc nón lại đựng khoai tây hoặc trống rỗng.

Bên cạnh đó, như tài liệu sách của Hans-Gunter Lowe, hình ảnh chiếc nón còn phản ánh lịch sử ở thời kỳ đầy biến động và bạo lực của nước Đức.

Trong một bức ảnh được chụp trong Thế chiến thứ Nhất cho thấy một bé gái một tay cầm chiếc nón, tay kia cầm mô hình một quả lựu đạn, trên đó ghi một thông điệp "chúc em dũng cảm và mạnh mẽ". Những đứa trẻ đã gửi những bức ảnh của chúng với chiếc nón cho cha ở chiến trường. Vào thời Đức Quốc xã, một số hình nón có hình chữ Vạn.

Sau Thế chiến thứ Hai, khi nước Đức bị chia cắt thành Đông và Tây Đức, chiều dài của nón khai giảng cũng được chia đôi. Trong số đó, Đông Đức là khoảng 33 inch (83.8 cm), còn Tây Đức là khoảng 28 inch (71.1 cm).

Tuy đất nước đã thống nhất sau nhiều thập kỷ nhưng khác biệt đó vẫn còn, thậm chí còn có một số khác biệt khác. Chẳng hạn, người Tây Đức có nhiều khả năng tự chế tạo nón hơn, trong khi người Đông Đức thích phiên bản mua ở cửa hàng hơn. Bởi lẽ, trong những năm đất nước bị chia cắt, các bà mẹ Đông Đức nhanh chóng quay trở lại làm việc còn những bà mẹ Tây Đức có nhiều khả năng ở nhà hơn. Sự khác biệt này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Bettina Nestler cho biết, chiếc nón mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, gắn liền với những ký ức về mất mát và kiên cường.

Christiane Cantauw giải thích rằng, thiết kế hình nón thể hiện theo dõi vận may kinh tế của Đức, và cả những ý tưởng của người Đức xung quanh việc nuôi dạy con cái tốt.

Vào những năm 1950, khi nền kinh tế đang phục hồi sau những năm tháng chiến tranh triền miên, việc mua được chiếc nón đẹp bằng giấy bóng là điều không phải gia đình nào cũng làm được. Vì vậy, tặng nón cũng thể hiện rằng, phụ huynh đang đầu tư vào tương lai cho con cái.

Nguồn: BBC