Lời chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn

Ly Hương
11:29 - 08/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 trung học phổ thông cấp tỉnh, trong đó có môn Ngữ văn (phổ thông).

Lời chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn - Ảnh 1.

Thông điệp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về Dòng sông và những thế hệ của nước. Ảnh minh họa: CDKH

Theo đó, câu nghị luận xã hội có nội dung như sau: Trong bài viết "Dòng sông và những thế hệ của nước", tác giả Nguyễn Quang Thiều tâm sự: "Có thể có những con nước kêu lên: "Ta là một, ta không chung dòng với các ngươi". Nhưng khi con nước ấy kêu lên như vậy thì nó vẫn ở trong dòng sông và những con nước khác tác động để nó có thể chảy. Ngược lại, nó cũng trở thành nguồn lực sinh ra sự chuyển động cho những con nước khác và cho những dòng sông". Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi lên từ lời chia sẻ trên.

Câu nghị luận văn học: Trong Diễn từ Nobel văn học, William Faulkner đã từng trăn trở rằng: "Chỉ có những tác phẩm miêu tả sự xung đột nội tâm của nhân vật mới có thể trở thành những tác phẩm bất hủ". Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Gợi ý nghị luận xã hội

Giải thích: Dòng sông là cộng đồng xã hội, môi trường rộng lớn, nơi có nhiều thế hệ cùng sinh tồn và phát triển. Câu nói có nghĩa là, con người dù có ý thức cá nhân cao đến bao nhiêu thì họ vẫn thuộc về cộng đồng, chịu sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa các thế hệ, với xã hội để tồn tại và phát triển.

Bình luận: Cuộc sống không ngừng vận động, các thế hệ luôn nối tiếp nhau. Bằng sự kết nối,các thế hệ đã chuyển giao kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, tư tưởng… để duy trì và phát triển xã hội.

Mỗi cá nhân là một phần tử của xã hội. Sự tách biệt sẽ khiến con người rơi vào đơn độc, đối nghịch và không thể tồn tại. Chính sự sáng tạo, khác biệt của mỗi cá nhân sẽ làm nên màu sắc, sự đa dạng cho cuộc sống và góp phần xây dựng, phát triển xã hội.

Ngược lại, cộng đồng là nơi nuôi dưỡng, vun đắp, tác động để mỗi cá nhân phát huy được vai trò, nội lực của mình. Ngoài ra, sự kết nối giữa các thế hệ nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Dù mỗi người là một thế giới, một cá nhân riêng song tất cả đều phải hòa đồng, gắn kết,tác động lẫn nhau. Xã hội không phải là sự hợp nhất của từng cá thể đứng cạnh nhau mà phải ở trong tổng thể thống nhất; là sự chuyển giao, kết nối giữa các thế hệ, tạo nên mối quan hệ giữa cái chung - cái riêng; cái tôi - cái ta; truyền thống - hiện đại; quá khứ - tương lai…

Mỗi cá nhân sống gắn kết với các thế hệ, tổng hòa trong các mối quan hệ không có nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc dẫn đến nhạt nhòa và thụ động. Có khi, vượt thoát những quy chuẩn sẽ đem lại những đóng góp và làm thay đổi xã hội.

Bài học: Mỗi người phải có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của sự kết nối giữa các thế hệ, tạo thành mối quan hệ bền chặt giữa cá nhân và cộng đồng để duy trì và thúc đẩy xã hội phát triển.

Trong hành trình kết nối,mỗi cá nhân phải vừa sống hài hoà, trân trọng những giá trị chung của xã hội, vừa giữ bản sắc của riêng mình bằng những việc làm và hành động thiết thực. Cộng đồng không nên áp đặt, nhìn định kiến mà nên có cái nhìn đúng đắn và tạo điều kiện hợp lí để mỗi cá nhân có cơ hội đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Nghị luận văn học

Giải thích: Xung đột nội tâm là những mâu thuẫn, dằn vặt, đấu tranh gay gắt trong thế giới nội tâm của con người. Tác phẩm bất hủ là những tác phẩm có giá trị mới mẻ, sâu sắc, độc đáo, có sức sống mãnh liệt, vững bền trong lòng bạn đọc và trong mọi thời đại.

Ý kiến "Chỉ có những tác phẩm miêu tả sự xung đột nội tâm của nhân vật mới có thể trở thành những tác phẩm bất hủ" khẳng định yếu tố cốt lõi làm nên giá trị chân chính của một tác phẩm văn chương chính là việc nhà văn miêu tả sự xung đột nội tâm của con người, của nhân loại. Đó cũng chính là thước đo tài năng của người nghệ sĩ và cũng là định hướng cho người tiếp nhận văn học.

Bình luận: Con người là đối tượng trung tâm của văn học. Văn học luôn đi sâu vào miêu tả, khám phá, mổ xẻ, bóc tách thế giới tâm hồn con người, đặc biệt là những xung đột nội tâm gay gắt dữ đội. Đó là xung đột giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn, giữa hiện thực và khát vọng, giữa tài năng và hoài bão, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoài bão và tinh thần…

Miêu tả xung đột nội tâm là một trong những phương thức quan trọng giúp nhà văn khai thác đến tận cùng tính cách nhân vật, phơi lộ cái phần sâu kín nhất bản chất của con người. Qua đó tác giả tái hiện bức tranh hiện thực đời sống và bộc lộ quan điểm về con người, xã hội.

Từ xung đột nội tâm được nhà văn miêu tả trong tác phẩm, người đọc càng thấu hiểu, trăn trở, day dứt cùng nhân vật để sống đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

Xung đột nội tâm của con người được tác giả miêu tả qua các yếu tố nghệ thuật như tình huống truyện, giọng điệu, ngôn ngữ, kết cấu… đặc biệt là bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật.

Miêu tả xung đột nội tâm của nhân vật không phải là yếu tố duy nhất để làm nên giá trị của tác phẩm. Tác phẩm văn học muốn trở nên bất hủ thì cần có sự cộng hưởng của các yếu tố khác.

Thông qua trải nghiệm văn học để làm sáng tỏ vấn đề: Học sinh lấy tác phẩm văn học để chứng minh cho cơ sở lí luận trên. Học sinh cần chứng minh được, miêu tả xung đột nội tâm là cách nhà văn xây dựng vật, từ đó phản ánh cuộc sống, con người và thể hiện quan điểm nhân sinh sâu sắc.

Miêu tả xung đột nội tâm tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn và giúp người đọc nắm bắt chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, hiểu sâu sắc hơn về con người về chính mình.

Miêu tả xung đột nội tâm là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bất hủ của tác phẩm. Đó chính là biểu hiện sinh động cho tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ. Đấy cũng là yêu cầu và định hướng cho cả người sáng tác và người tiếp nhận.