Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Hãy học cách sinh tồn như cỏ dại

Ly Hương
16:51 - 02/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh suy nghĩ về câu nói: "Giống như cây cỏ dại, hãy học cách sinh tồn trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ngay cả khi người đời cho rằng bạn không thể".

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Hãy học cách sinh tồn như cỏ dại - Ảnh 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2023-2024, trong đó có môn Ngữ văn. Theo đó, cấu trúc đề thi (dự phòng) gồm 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nội dung đề thi như trên. 

Gợi ý đáp án nghị luận xã hội

Giải thích: Bức ảnh miêu tả cây hoa nở trên mặt đất khô cằn. Đó là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường của con người trước mọi nghịch cảnh.

"Giống như cây cỏ dại,hãy học cách sinh tồn trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ngay cả khi người đời cho rằng bạn không thể". Câu nói khuyên con người phải có nghị lực sống kiên cường trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt.

Bức ảnh và câu nói gợi đến bài học về nghị lực sống, về ý chí, sự kiên trì, nhẫn nại vượt qua khó khăn, chông gai trong cuộc đời để vươn đến thành công.

Phân tích, lí giải: Cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên, thuận lợi, cũng có những lúc xảy ra những biến cố, những khó khăn khiến chúng ta chùn bước. Nhưng con người cần có nghị lực cũng như cỏ dại kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh.

Khi dám đối diện nghịch cảnh, con người sẽ trở nên bình tĩnh, làm chủ bản thân trong mọi tình huống, làm chủ hoàn cảnh, vượt lên chính mình.

Nghị lực sống giúp con người có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục đích, lí tưởng sống, thay đổi được hoàn cảnh, số phận, giúp cho cuộc sống có ích, có ý nghĩa hơn.

Người có ý chí nghị lực sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục và tạo được lòng tin ở người khác.

Bàn luận, mở rộng, đánh giá: Phê phán những người không có ý chí nghị lực, chưa làm nhưng đã thấy khó khăn đã nản chí thấy thất bại thì hủy hoại và sống bất cần đời.

Bài học: Hiểu được sức mạnh của nghị lực sống, quyết đoán trước nghịch cảnh và không bao giờ buông xuôi, tuyệt vọng, bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách, nguy hiểm.

Dũng cảm đối diện với khó khăn của hoàn cảnh, có nghị lực, coi thử thách là môi trường để tôi luyện, vươn lên làm chủ số phận.

Nghị luận văn học

Họa sĩ thủy mặc: Chỉ những người vẽ tranh bằng mực nước (mực tàu) trên nền giấy hoặc lụa. Chủ đề chính trong tranh thường là cây cối, hoa, chim muông… Đó là bức tranh rực rỡ muôn vẻ của thiên nhiên được tạo ra bởi một chất liệu duy nhất là mực nước.

Mượn cách nói ví von, Nguyễn Minh Châu khẳng định: nhà văn cũng giống như những họa sĩ tài ba kia, chỉ với một thứ chất liệu ngôn từ nghệ thuật mà có thể dệt nên cả một bức tranh phong thủy về đời sống xã hội và thiên nhiên.

Lí giải vấn đề: Văn học là bộ môn nghệ thuật nhận thức đời sống và thể hiện tư tưởng tình cảm bằng hình tượng nghệ thuật. Do đó, đòi hỏi nhà văn phải sử dụng ngôn ngữ với tất cả phẩm chất thẩm mỹ và khả năng nghệ thuật của nó. Như vậy, ngôn từ là chất liệu xây dựng hình tượng văn học.

Ngôn từ văn học có các đặc trưng như: tính hình tượng, tính tình cảm, tính hàm súc… Lấy ngôn từ làm chất liệu, ngôn từ có khả năng vô hạn trong tái hiện đời sống: từ đời sống hiện thực khách quan ở những không gian và thời đại khác nhau cho đến những phương diện chủ quan như tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng của nhà văn đối với con người và cuộc sống… (Học sinh lấy tác phẩm chứng minh).

Đánh giá: Ý kiến đặt ra bài học cho người sáng tạo: lấy ngôn từ làm chất liệu nhưng muốn nói được những điều sâu sắc, nhà văn không thể sử dụng những lời cũ kĩ, sáo mòn mà phải không ngừng tìm tòi, đổi mới.

Người đọc phải xuất phát từ văn bản ngôn từ để khám phá chiều sâu hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.

Bình luận của bạn

Bình luận