Tác giả bài báo khoa học ghi sai địa chỉ có sai không?

Phan Anh
14:35 - 07/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo sư Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Chủ tịch hội đồng ngành Toán của Quỹ Nafosted bàn về việc tác giả bài báo khoa học ghi sai địa chỉ có sai không.

Tác giả bài báo khoa học ghi sai địa chỉ có sai không? - Ảnh 1.

Giới truyền thông, chính quyền và các cơ quan quản lý cần thận trọng khi dùng bảng xếp hạng để đánh giá các trường đại học. Minh hoạ: unsplash

Các trường đại học mua bài báo khoa học để nâng hạng

Giáo sư Ngô Việt Trung chia sẻ trên diễn đàn Liêm chính khoa học do Tiến sĩ Dương Văn Tú (Đại học Purdue, Hoa Kỳ) làm quản trị) rằng, để trả lời câu hỏi này cần phải xét việc các đại học mua bài báo khoa học từ bên ngoài có sai không?

Mới gần đây báo chí thế giới (Times, France24, Nature,...) đưa tin về việc các đại học ở Saudi Arabia trả tiền các nhà khoa học có số lần trích dẫn cao ở các nước phương Tây để họ ghi địa chỉ ở Saudi Arabia nhằm nâng thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học.

Bài viết "False affiliations boost Saudi university rankings – Report" trên tờ báo "Thế giới đại học" (University World News) ví chuyện này giống như việc dùng "thuốc kích thích" (doping) trong thể thao và coi việc "ghi sai địa chỉ không khác gì việc nguỵ tạo số liệu, đạo văn hay phe phái trong trích dẫn" "làm giảm lòng tin đối với khoa học". Họ cũng nói rằng đây chỉ là "đỉnh núi băng", có thể tan chảy bất cứ lúc nào.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi là tại sao các đại học ở phương Tây không chơi trò mua bài để nâng hạng. Họ đâu có thiếu tiền, nhưng họ biết không thể đùa với "lửa". Bài báo "United States v. Moshe Porat, et al." cho biết, năm 2021, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh của Đại học Temple bị Toà án Liên bang Mỹ kết tội lừa đảo vì đã nguỵ tạo số liệu sinh viên để nâng hạng trường mình.

Ông này bị kết án 14 tháng tù và bị phạt 0,25 triệu USD. Đại học Temple thoát tội liên đới bằng cách dàn xếp ngoài toà. Họ đã phải trả gần 5,5 triệu USD cho các sinh viên kiện đã bị lừa vào học vì thứ hạng cao của trường.

Thận trọng với các bảng xếp hạng, vì chúng có thể được nguỵ tạo

Làm thế nào để chống lại nạn ghi sai địa chỉ? Tờ báo Thế giới đại học (University World News) khuyến cáo giới truyền thông, chính quyền và các cơ quan quản lý cần thận trọng khi dùng bảng xếp hạng để đánh giá các trường đại học.

Các cơ sở dữ liệu và xếp hạng "cần đảm bảo số liệu của họ phản ánh thực tế và có biện pháp trừng phạt nếu số liệu sai" (số liệu do chính các đại học cung cấp). Giáo sư Puigdomènech, thành viên tổ chức Diễn đàn liêm chính nghiên cứu của Quỹ Khoa học Châu Âu nói rằng "các nhà khoa học cần biết rằng việc này (ghi sai địa chỉ) có thể bị coi là hành vi sai trái (misconduct) liên quan đến sự nghiệp chuyên môn của họ".

Sau khi báo chí đưa tin về các đại học Saudi Arabia mua bài, Bộ trưởng Bộ Đại học Tây Ban Nha tuyên bố sẽ điều tra việc các nhà khoa học Tây Ban Nha bán bài. Đại học Cordoba ở Tây Ban Nha đã cho một nhà khoa học nghỉ việc không lương 13 năm vì hành vi ghi địa chỉ sai.

Bài báo của tờ Thế giới đại học (University World News) kết thúc bằng một bình luận của Giáo sư Puigdomènech "chúng ta cần khẳng định xếp hạng và chỉ số trích dẫn không nói lên điều gì về chất lượng nghiên cứu khoa học" rất đáng để chúng ta suy nghĩ!

Nhìn về Việt Nam chúng ta thấy một số trường đại học dẫn đầu Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới về mọi mặt, thậm chí có mặt còn hơn Đại học Harvard. Học đã vung tiền để tăng công bố quốc tế trong khi số lượng các giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học, nghiên cứu sinh của trường ít ỏi. Nhiều trường chi đến vài trăm triệu đồng cho mỗi bài báo lọt vào danh mục ISI các tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế. Tất cả đều nhằm mục tiêu tăng nhanh số lượng công bố quốc tế và lọt vào các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới.

Việc các đại học này mua bài báo khoa học từ bên ngoài có thể làm mất niềm tin của xã hội về nền giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, hiện tượng này còn gây ra tình trạng thật giả lẫn lộn chất lượng đào tạo và nghiên cứu, coi việc không trung thực trong kê khai thành tích là bình thường và thổi phồng xếp hạng để thu hút sinh viên đến học.