Làm việc cùng robot khiến con người lười biếng hơn?

Hồng Ngọc
17:32 - 18/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Kỹ thuật Berlin (Đức), robot ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở nơi làm việc để hỗ trợ con người thực hiện nhiệm vụ, nhưng khi con người hợp tác với robot, họ có xu hướng ít tập trung hơn đến công việc của mình.

Làm việc cùng robot khiến con người lười biếng hơn? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu sự "lười biếng xã hội" trong bối cảnh tương tác giữa con người và robot cũng như tác động của nó đến hiệu quả công việc. Ảnh: Andrey Armyagov/Alamy

Sự "lười biếng xã hội" xuất hiện khi con người làm việc cùng robot

Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Robotics and AI, con người làm việc cùng với robot có nhiều khả năng thể hiện sự "lười biếng xã hội".

Bà Dietlind Helene Cymek - tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: "Làm việc nhóm có thể thúc đẩy mọi người thực hiện tốt công việc nhưng nó cũng có thể dẫn đến mất động lực vì sự đóng góp của cá nhân không được thể hiện rõ ràng. Nghiên cứu của chúng tôi quan tâm đến việc liệu có thể tìm thấy những tác động động lực như vậy khi đối tác trong nhóm là một robot hay không".

Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta đã chứng kiến quá trình chuyển đổi của robot từ các thực thể hoạt động biệt lập trở thành "đồng nghiệp" của con người trong công việc. Sự tích hợp này đã dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức của con người và dẫn đến sự "lười biếng xã hội".

Trong tâm lý học xã hội, lười biếng trong xã hội là hiện tượng một người ít nỗ lực và trách nhiệm hơn để đạt được mục tiêu khi làm việc theo nhóm so với khi làm việc một mình.

Tuy nhiên, hiện nay khái niệm này đang được nghiên cứu trong bối cảnh tương tác giữa con người và robot, đặc biệt là tác động của nó đến hiệu quả và an toàn tại nơi làm việc.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm năng suất quan sát được trong thử nghiệm của họ có thể được giải thích là do "sự thay đổi về động lực trong việc thiết lập nhiệm vụ chung".

Những người tham gia sẽ kết hợp với robot tìm kiếm lỗi của các bảng mạch. Kết quả là, có ít lỗi về chất lượng được phát hiện hơn khi con người làm việc theo nhóm cùng robot. Điều này có thể phản ánh hiệu ứng "nhìn nhưng không thấy", khi trong tiềm thức của những người này, robot sẽ không bỏ sót bất kỳ lỗi nào và họ cũng không cần quá tập trung vào công việc.

Động lực của sức mạnh tổng hợp con người - robot

Trong một số tình huống thực tế, "lười biếng xã hội" có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một nghiên cứu năm 2007 tập trung vào những rủi ro liên quan đến tương tác giữa con người và tự động hóa trong ngành hàng không đã nhấn mạnh rằng sự cố trong quá trình phối hợp giữa tự động hóa và phi công có thể dẫn đến những sai sót.

Vì vậy, chương trình đào tạo, quy trình và giải pháp phản hồi hiệu quả là cần thiết để đảm bảo sử dụng tự động hóa an toàn và hiệu quả tại nơi làm việc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng khi con người có sự hỗ trợ của công nghệ - với sự chính xác cao, họ nghĩ rằng đóng góp của bản thân sẽ không được đánh giá cao và có xu hướng áp dụng cách tiếp cận công việc thoải mái và thiếu tập trung hơn.

Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét tác động của robot đến hành vi và động lực của con người nhằm cho phép chúng ta và máy móc cộng tác trong các môi trường làm việc khác nhau.

Nghiên cứu này đặc biệt có ý nghĩa đối với các ngành phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng tỉ mỉ. Các tác giả cảnh báo rằng ngay cả sự mất tập trung ngắn hạn của con người - có thể do phụ thuộc quá nhiều vào độ chính xác của robot - cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn.

Tác giả Onnasch giải thích, trong những ca làm việc dài hơn, khi các công việc mang tính thường xuyên và môi trường làm việc ít giám sát và phản hồi hiệu suất, xu hướng mất động lực sẽ tăng cao hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất mà yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu.

Đây là một trong những nghiên cứu mở đầu cho hành trình tìm hiểu động lực hợp tác của nhóm người - robot chỉ mới bắt đầu. Khi robot trở thành cộng tác viên phổ biến của con người trong các ngành công nghiệp khác nhau, việc hiểu và điều hướng các động lực tâm lý thực tế của các mối quan hệ này rất quan trọng.

Việc giải quyết những vấn đề này sẽ không chỉ giúp khai thác toàn bộ tiềm năng của nhóm người - robot mà còn bảo vệ các tiêu chuẩn và quy trình an toàn thiết yếu trong môi trường công nghiệp. Tương lai của tinh thần đồng đội là sự kết hợp giữa trí thông minh của con người và độ chính xác của robot.

Nguồn: Earth