Ký ức về Cách mạng tháng Tám và những năm tháng đẹp nhất của người lính Cụ Hồ
Giáo sư Phùng Thế Trường cũng như bao thanh niên lúc đó đã hiến dâng trọn tuổi xuân cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc thiêng liêng. Đó là những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời ông.
Dù đã ở tuổi 95, sức khỏe đã yếu nhưng Giáo sư Phùng Thế Trường - nguyên Chủ nhiệm khoa Kinh tế lao động (nay là khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực), trường Đại học Kinh tế quốc dân vẫn nhớ như in về những ngày sục sôi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử cũng như những năm tháng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đất nước những ngày đầu độc lập
Nạn đói năm 1945 khiến hàng triệu đồng bào bị chết đói, nằm rải khắp đường. Thị xã Sơn Tây quê của Phùng Thế Trường vốn nhộn nhịp và đông đúc cũng trở nên đìu hiu. Những người đi tha hương cầu thực và người khất thực từ nơi khác kéo đến ngày một đông. Cậu đã chứng kiến cảnh buổi sáng, những người phạm tội bị bắt đi nhặt xác rồi đặt lên xe bò mang đi chôn ở ngoài bờ sông.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, nhân dân khắp nơi vùng lên giành chính quyền, chàng thanh niên Phùng Thế Trường khi đó 17 tuổi cũng hòa trong dòng người đi chiếm dinh Công sứ Pháp ở thị xã Sơn Tây vào ngày 20/8/1945.
Sau ngày đất nước độc lập, ông tham gia vào dạy lớp bình dân học vụ cho bà con xung quanh và tham gia đi hộ đê sông Đáy.
Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên dự lễ khai giảng khóa I, trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là trường Sĩ quan Lục quân I) ở thị xã Sơn Tây. Nhân đó, Bác cũng ghé qua dinh Công sứ cũ của Pháp để nói chuyện với người dân.
"Bác Hồ mặc bộ đồ kiểu kaki giản dị, người gầy nhưng đôi mắt rất sáng. Bác đứng trước tòa Công sứ Pháp rồi hỏi thăm đồng bào. Bác nói đại ý: Đất nước mới độc lập nên mọi người phải chịu khó trồng trọt để cứu đói. Những ai biết chữ phải dạy cho người không biết chữ để chống giặc dốt. Cuối cùng là nâng cao tinh thần cảnh giác và chuẩn bị chống giặc ngoại xâm" – Giáo sư Phùng Thế Trường kể.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, không khí nhập ngũ của thanh niên đang hừng hực như ngọn lửa bốc cháy. Phùng Thế Trường cùng các bạn đăng ký nhập ngũ. Ông được phân vào học khóa II ở trường Võ bị Trần Quốc Tuấn do Trung tướng Nguyễn Sơn làm Hiệu trưởng. Việc rèn luyện rất nghiêm ngặt, ban đêm thường có tiếng báo động giả để mọi người nâng cao cảnh giác. Sáng dậy theo tiếng kèn, sau khi tập hợp đầy đủ là chạy bộ 10 km đường núi, trên vai vác ba lô nặng khoảng 30 cân kèm súng. Súng dùng trong tập luyện là loại Mousqueton (súng trường ngắn) của lính Pháp. Áo quần được may bằng vải gai, riêng chiếc áo trấn thủ là đặc sắc nhất do bên trong có độn thêm chút bông, ngoài được may theo hình quả trám.
Trận đánh đầu tiên
Cuối tháng 8/1947, đang tập luyện thì Phùng Thế Trường và đồng đội nghe tin quân Pháp chuẩn bị tấn công lên Việt Bắc. Sáng ngày 7/10/1947, lính Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn - Chợ Đồn – Chợ Mới.
Một mũi tiến công khác từ Sông Lô ngược lên Tuyên Quang. Ngày 18/10/1947, Trung đoàn 79 là cán bộ, học viên trường Võ bị Trần Quốc Tuấn dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Hoàng Đạo Thúy và Chính trị viên Lê Đình phối hợp với lực lượng tại chỗ đã phục kích chặn đứng mũi tiến quân của quân Pháp từ thị trấn Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Trận địa phục kích của trung đoàn nằm bên phải đường Bản Thi đi xã Đầm Hồng, hai bên là rừng cây rậm rạp, bảo đảm giữ được bí mật, lại dễ quan sát địch. Theo Giáo sư Trường nhớ lại: "Thế trận được bố trí thành ba tuyến, tuyến đầu có súng máy và súng trường; tuyến thứ hai là lựu đạn, tuyến thứ 3 chỉ có mã tấu".
Khoảng 8 giờ ngày 18/10, khi quân Pháp vượt suối tiến vào trận địa mai phục thì bộ đội bắt đầu nổ súng. Trước sự chặn đánh quyết liệt, quân Pháp đã phải rút lui với nhiều binh lính chết và bị thương. Bộ đội ta cũng gặp tổn thất, trong đó có đồng đội của Phùng Thế Trường là Vũ Hải Đường cũng anh dũng hi sinh. Ông vẫn nhớ mãi người lính ấy có nước da ngăm đen và tuổi đời còn rất trẻ. Đây là trận đánh đầu tiên mà ông nhớ mãi, góp phần bẻ gãy gọng kìm của địch khi đánh lên Việt Bắc.
Lên Tây Bắc
Năm 1950, Phùng Thế Trường được đơn vị cử đi học chính trị tại xã Quảng Nạp, Thái Nguyên. Một hôm đang học thì Bác Hồ đến, hôm ấy Bác mặc bộ đồ vải xanh lá cây. Sau khi mọi người đã tập hợp đầy đủ, Bác nói: "Hôm nay Bác đến thăm các chú, Bác kể cho các chú nghe câu chuyện. Người nông dân muốn có 1 cây ngô thì họ phải hi sinh một hạt ngô. Khi cây ngô lớn lên ra bắp sẽ có hàng trăm, hàng nghìn hạt ngô khác. Các chú thử nghĩ xem, Bác nói có đúng không?".
Cuộc gặp diễn ra rất ngắn nhưng để lại bài học quý về những mất mát, hi sinh trong cuộc chiến là không thể tránh khỏi. Giáo sư Phùng Thế Trường kể: "Bác nói rất nhẹ nhàng, không dài dòng mà vẫn ôn tồn thân ái như người cha với các con. Câu chuyện về triết lý Sống của Bác đã ngấm sâu vào lớp cán bộ quân đội lúc đó mà tôi mãi không bao giờ quên".
Sau này, ông tiếp tục tham gia các chiến dịch Tây Bắc (Thu Đông 1952), Chiến dịch Thượng Lào 1953. Đặc biệt nhất là trận chiến Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.
Sau 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1956, Giáo sư Phùng Thế Trường ra quân và chuyển về công tác ở trường Kinh tế Tài chính (nay là trường Đại học Kinh tế quốc dân). Từ một người lính cầm súng, giờ đây ông lại cầm phấn đứng trên bục giảng bài cho sinh viên. Sau này, ông đã trở thành Chủ nhiệm khoa đầu tiên của khoa Kinh tế lao động, trường Kinh tế quốc dân, chuyên gia hàng đầu về kinh tế lao động, quản trị nhân lực, dân số học... Ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư kinh tế năm 1984.
Nhớ lại những năm tháng đã qua, Giáo sư Phùng Thế Trường chia sẻ: "Tôi được trở về đã may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm xuống trên chiến trường. Do đó, phải cố gắng làm việc phụng sự đất nước, tổ quốc như lời dạy của Bác Hồ kính yêu".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google