Chuyện ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế

Ngô Hiển
11:18 - 10/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thời gian nhòa đi nhiều ký ức, nhưng di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ trẻ Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị. Qua một số câu chuyện về ứng xử của Người với bạn bè quốc tế, chúng ta hiểu hơn bài học về giao tiếp khi ra nước ngoài, trong bối cảnh buộc phải hội nhập toàn cầu.

Một vài đánh giá của bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta khi Người có những ứng xử văn hoá tới mức nghệ thuật ngoại giao đối với bạn bè quốc tế. Người chính là sự hiện thân cho tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại. Người không chỉ là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam mà đối với bạn bè quốc tế, Người cũng luôn được đánh giá là một nhân vật kiệt xuất, một nhân cách lớn.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M. Ahmed - Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã nhận xét rằng: "Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này".

Chuyện ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Georges Thierry d’Argenlieu duyệt binh trên tuần dương hạm Emile Bertin ở vịnh Hạ Long. Ảnh: Tư liệu

Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời giữa bộn bề khó khăn thử thách, Người vẫn vững tay chèo lái con thuyền đất nước. Ngày 24/3/1946, trong buổi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Hạ Long, Cao ủy Pháp D'Argenlieu đã chuyển lời mời của Chính phủ Pháp mời Người sang thăm Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp. 

Nhiều người lo lắng về sự an toàn của chuyến đi nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ thái độ bình tĩnh và kiên quyết với lý do: Trong Chính phủ Pháp hiện có Đảng Cộng sản tham gia, ta có thể tin vào sự giúp đỡ của Đảng bạn. Sang Pháp cũng là dịp tốt để đề cao vị trí của Việt Nam, tranh thủ tình cảm của nhân dân Pháp và thế giới. Đồng thời cũng để cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp đang quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa.

Chủ trương xây dựng nền hoà bình trong từng ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong chuyến đi, tướng Raoul Salan tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, dù hai người ở hai chiến tuyến, nhưng Người vẫn sẵn sàng bày tỏ mong muốn hai nước đàm phán thành công để chấm dứt chiến tranh. 

Sau này, tướng Salan có thuật lại mong muốn hòa bình của Người trong cuốn Indochine rouge, Lemessage D' Ho Chi Minh (Đông Dương đỏ, sự nghiệp của Hồ Chí Minh): "Chúng tôi phải bắt đầu từ con số không, bắt đầu từ mảnh đất trơ trụi bảo vệ linh hồn của tổ tiên và đất nước chúng tôi. Chính từ mảnh đất ấy, chúng tôi đã rút ra được tinh thần trong sáng của cuộc cách mạng của chúng tôi, sau khi rũ sạch quá khứ… Thưa tướng quân, không nên biến Nam Kỳ thành một xứ Alsace – Lorraine mới, nếu không chúng ta sẽ đi đến một cuộc chiến". Chính tướng Salan trong cuốn hồi ký "Hết đời một đế quốc" cũng viết về cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiễn xuống cầu thang và nói: "Tôi biết, tướng quân là một người nhân hậu. Buổi chiều nay, chúng ta đã là bạn. Ngày mai, có thể chúng ta sẽ là thù. Tôi mong chúng ta sẽ vẫn là bạn".

Chuyện ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế - Ảnh 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên nước ngoài người Pháp trong Phủ Chủ tịch, tháng 8/1966. Nguồn ảnh: Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp. Tuy nhiên, Chính phủ Félix Gouin đổ, nước Pháp chưa thành lập được Chính phủ mới nên máy bay chở Người phải đáp xuống Biarritz, một thị trấn nhỏ trên bờ biển Tây Nam nước Pháp vào ngày 11/6/1946. 

Trong thời gian 10 ngày ở đây, những ai gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bị thu hút bởi tính tình vui vẻ, hiền từ của Người. Khi ông Jean Sainteny đưa Người đến nhà người chị của mình, Người vui đùa với các cháu nhỏ. Khi đến chơi và ăn cơm ở một làng nhỏ Biriatu, Người đi tìm hiểu và tham quan nhiều nơi. Trong cuốn sổ vàng của quán ăn nơi đây vẫn lưu giữ lại lời ghi của Người: "Biển rộng, đại dương cũng không ngăn cách được những người anh em thương yêu nhau". 

Sau này, khi việc cứu vãn một nền hòa bình mong manh thất bại, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12/1946, Người đã gửi thư cho ông Jean Sainteny vào ngày 24/2/1947 với những lời lẽ chân thành rằng: "Tôi tin chắc là, cũng như tôi, bạn rất tiếc rằng công sức chung của chúng ta cho hòa bình đã bị cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này phá hỏng… Về phần tôi, tôi sẵn sàng hành động cho hòa bình, một nền hòa bình công bằng và trong danh dự đối với hai nước chúng ta. Tôi mong rằng, về phía bạn, bạn cũng hành động theo cùng hướng ấy".

Trong ba tháng ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nguyên thủ quốc gia Pháp, thăm một số di tích lịch sử văn hóa Pháp như Điện Panthéon. Tại một cuộc họp báo, có nhà báo Pháp muốn làm giảm thiện cảm của những người Pháp không ưa cộng sản đối với Người, bằng cách đưa ra một câu hỏi: "Thưa Chủ tịch, Ngài có phải là cộng sản không?". Người liền đi đến lẵng hoa bày trên bàn, vừa rút ra từng bông tặng mỗi người, vừa vui vẻ nói: "Tôi là người cộng sản như thế này này!".

Qua đó có thể thấy sự ứng xử rất nhẹ nhàng, khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua đi, Người vẫn luôn được cả thế giới tôn kính và ngưỡng vọng, coi như một biểu tượng cao cả của nhân đạo, chính nghĩa, hòa bình.

Trong chuyến tàu hỏa tốc hành rời Paris đến Marseille dài hơn 1000km, đoàn tàu phải chạy suốt ngày đêm để kịp đến cảng lúc 8 giờ sáng. Các quan chức Pháp tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tận ga tàu. Trước khi vào phòng danh dự, trong sự ngạc nhiên của mọi người, Người xin lỗi đi đến đầu tàu "chào một người bạn". Người đến đầu máy gặp anh em thợ máy, thăm hỏi và cảm ơn làm anh em quá ngạc nhiên và xúc động khi vị lãnh tụ vẫn nhớ tới những người công nhân bình thường. Lúc Người bắt tay tạm biệt, anh lái tàu lúng túng: "Xin lỗi ngài Chủ tịch nước, tay chúng tôi lấm lem dầu mỡ, bẩn lắm ạ!". Người từ tốn nói: "Không sao cả. Tay của anh tuy bẩn nhưng tấm lòng của anh sạch. Anh là công nhân và đã đưa chúng tôi đi rất an toàn". Những việc làm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khiến mọi người có mặt đều xúc động trước tấm lòng nhân hậu và tinh thần đoàn kết quốc tế rộng mở với bạn bè quốc tế, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội.

Những ai tiếp từng tiếp xúc hoặc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tìm thấy ở Người sự giản dị, gần gũi, cách giao tiếp cuốn hút. Ông Jean Sainteny trong cuốn Đối mặt với Hồ Chí Minh cũng thừa nhận: "Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, ngày 15/10/1945, tôi đã khẳng định một cách vững chắc, cũng như Alessandri và Pignon, rằng cụ Hồ Chí Minh là một nhân vật hạng nhất, chẳng bao lâu sẽ nổi bật lên ở mặt trước của sân khấu chính trị Châu Á".

Gia đình luật sư F.Loseby, người đã giúp ông Tống Văn Sơ (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) ra khỏi nhà tù và thoát khỏi Hồng Kông năm 1931 cũng có những kỷ niệm nhân chuyến thăm Việt Nam vào Tết năm 1960 theo lời mời của Người. Ngày 19/2/1960, gia đình luật sư F.Loseby trở lại Hồng Kông đã viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng cảm ơn Người và sự hiếu khách của nhân dân Việt Nam đối với gia đình trong thời gian thăm Việt Nam: "Chúng tôi không thể quên đất nước Việt Nam tươi đẹp, những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của con người Việt Nam, và con đường mà tất cả các bạn đã trải qua để dẹp bỏ mọi dấu vết đau thương của quá khứ… Và Ngài nói rằng tôi "đã cứu sống ngài", điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt; về phần tôi thì tôi thấy mình đã được đền đáp hơn nhiều với những ký ức về những ngày ở Việt Nam và những món quà mà tôi được tặng sẽ luôn là vật kỷ niệm về những ngày tuyệt vời đó".

Theo nữ nhà báo Madeleine Riffaud chia sẻ trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 20/6/1971: "Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng khiêm tốn và có uy tín lớn, nhà yêu nước được mọi người kính trọng, tượng trưng cho sự đoàn kết và đấu tranh của dân tộc Việt Nam giành độc lập tự do và thống nhất cho đất nước… Tôi nhớ lại Người thường đến với khách ngay tại nơi và trong lúc khách không ngờ. Người đến, bóng dáng Người mảnh dẻ, mặc chiếc áo cánh và chiếc quần vải màu vàng hoặc bộ quần áo nâu kiểu nông dân. Người đi vào nhẹ nhàng trên đôi dép lốp và bao giờ cũng làm khách phải ngạc nhiên. Chính Người đã cười và nói rằng Người đến như vậy theo kiểu "du kích". 

Người thường tiếp khách vào buổi bình minh trong một căn nhà nhỏ ở vườn Phủ Chủ tịch. Những cây không có hoa lớn nhưng được chăm sóc cẩn thận và nói lên sự thách thức, lòng tin chắc chắn vào sự thắng lợi của Việt Nam chống lại bom đạn. Cứ sau mỗi cuộc tiếp chuyện ngắn gọn, Người lại tặng khách một bông hoa hồng trước khi Người trở về công việc hàng ngày".