Kỷ luật lao động, nền tảng phát triển của doanh nghiệp

T.T.T
06:00 - 30/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đích thân một Phó Tổng giám đốc từng phải thực hiện điểm danh bất chợt những nhân viên đi làm muộn; Hai giám đốc kinh doanh bị phạt nặng vì tổ chức ăn uống, hát hò giữa giờ làm việc… Những cảnh này hàng ngày vẫn còn tồn tại trong các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần chấn chỉnh.

Trong đợt thanh tra kiểm tra một ngân hàng gần đây, cùng với đội bảo vệ đích thân vị Phó Tổng giám đốc của ngân hàng đã thực hiện cuộc kiểm tra đột xuất việc tuân thủ giờ giấc làm việc của các nhân viên ở khu vực Hội sở tại Hà Nội. Kết quả cho thấy, có khá nhiều cán bộ nhân viên đã vi phạm nội quy ngân hàng về thời gian hoạt động, về trang phục và tác phong làm việc.

Kỷ luật lao động, nền tảng đạo đức của doanh nghiệp	 - Ảnh 1.

Kỷ luật lao động trong doanh nghiệp là cần thiết, đặc biệt đối với các bạn trẻ mới ra trường. Ảnh minh họa: IT

Ngay sau đó, các nhân viên này đã nhận được email cảnh cáo trong toàn hệ thống về kỷ luật lao động. Có lẽ, thói quen đã thành căn bệnh cố hữu của người Việt là rất khó chữa. Theo đó, người mình càng ở đâu lâu càng kém kỷ luật, không đủ làm gương cho những thế hệ tiếp nối. Phải chăng, chúng ta cần học bài học này ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường?

Bích Ngọc, quản lý một siêu thị tại Hà Nội nhận định: "Dưới góc độ quản lý, mình thấy việc siết chặt kỷ luật lao động là đúng đắn vì nó giúp mỗi cá nhân có thói quen chấp hành các kỷ luật của tổ chức. Điều này người Việt Nam mình thường rất yếu, đơn cử như chuyện thiếu ý thức chấp hành luật lệ giao thông vậy!

Bên cạnh đó, siết chặt kỷ luật giúp mỗi cá nhân có thói quen quản lý thời gian hiệu quả hơn. Ví dụ, trong 8h ở cơ quan, nếu mỗi người đều có ý thức làm việc tốt sẽ giải quyết được rất nhiều công việc. Không những đem lại giá trị cho tổ chức mà còn giúp nâng cao giá trị chính bản thân mình.

Nhân viên thường hay kêu ca lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa cao. Nhưng hãy tự hỏi, mỗi người đã làm gì để giúp tổ chức phát triển? Vì khi tổ chức phát triển, chúng ta mới chính là người được hưởng lợi trực tiếp. Việc tuân thủ kỷ luật lao động, trước mắt tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo hứng khởi cho mỗi cán bộ nhân viên tập trung hoàn thành công việc của mình".

Hiệu quả của việc tuân thủ kỷ luật lao động ai cũng thấy ngay, tuy nhiên trong từng trường hợp cụ thể, với mỗi cách làm, cũng có không ít người còn băn khoăn lo ngại.

Dương Hùng, một cán bộ công ty công nghệ chia sẻ: "Siết chặt kỷ luật lao động ở bất cứ đâu cũng có và cần thiết phải làm nhưng cách làm như thế nào và duy trì lâu dài nó như thế nào còn khó hơn. Hay chỉ được một thời gian sau lại "quên béng đi"? Chuyện này vẫn là chuyện xưa như… diễm!".

Tương tự, Xuân Hải (đang công tác tại một Tập đoàn sản xuất ở Cần Thơ) đề xuất: "Quy định về giờ giấc, tác phong, trang phục, biển tên, bảng hiệu, đi lại, tiếp khách, ăn uống… đối với mỗi cán bộ làm việc trong một tổ chức là yêu cầu hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, những quy định sẽ giúp tạo thói quen, tác phong chuyên nghiệp của mỗi tập thể. Phải duy trì thực hiện lâu dài chứ không nên làm theo phong trào, sau một thời gian đâu lại vào đấy! Các vị lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam cần nghiên cứu, xem xét ban hành chế độ chế tài, kỷ luật…. để dễ thực hiện sau này".

Vào vai một nhân viên, Bích Ngọc cho rằng: "Cần phải lựa chọn cách thực hiện. Ví dụ không nên quá cứng nhắc khi quy định đi làm muộn sau 8h10 là bị ghi tên, phạt, hoặc tới trễ các buổi họp thì không thông báo lý do cũng tự động bị trừ lương... Cần có quy chế linh hoạt cho lớp cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù. Để doanh nghiệp vừa đảm bảo kỷ luật cao, nhưng cũng bảo đảm một chữ "tình" khi xử lí các vi phạm của người lao động".

Tóm lại quy định đưa ra thì phải thực hiện nghiêm ngặt nhưng cũng cần tính đến yếu tố linh hoạt, phù hợp cho từng bộ phận, từng vị trí. Một số người chỉ ra rằng, đối với mỗi nhân sự, đơn vị sẽ có chế tài áp dụng riêng để vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. Vì đôi khi, kỷ luật hà khắc lại là lý do mất nhân sự. 

Nhưng, mặt khác, rất nhiều người lao động đồng tình với quan điểm "thương cho roi cho vọt", đặc biệt là đối với các bạn nhân viên trẻ, mới ra trường, môi trường đòi hỏi nghiêm túc tuân thủ kỷ luật sẽ là trường học dạy dỗ nhanh nhất để các bạn trở nên chuyên nghiệp và thành công.

Có một thời kỳ, bài học về nội quy lao động đã từng được tổ chức ở "đại bản doanh" của công ty An ninh mạng BKAV là một khuôn mẫu khá tốt. Ở BKAV, mọi nhân viên được quản lý như một doanh trại quân đội. Mọi ra vào cửa từ sếp đến nhân viên đều phải sử dụng thẻ. Phần mềm quản lý vào có khả năng phát hiện những nhân viên điểm danh theo kiểu… đối phó. 

Mọi khu vực đều có camera giám sát và thiết bị nhận diện hoạt động của người để tự động điều khiển bật/tắt đèn. Tại trụ sở, BKAV có đặt những khẩu hiệu kiểu như "Làm theo luật lệ", "Không quyết liệt sẽ làng nhàng".v.v...

Trên các bức tường lớn là những điều tâm huyết, là triết lý của ban lãnh đạo. Ở đây có một thứ được gọi là "BKIS giáo" mà mọi nhân viên đều phải học và "ngấm". Trong đó có từ các quy định của công ty, chỉ dẫn về kỹ năng sống với những ví dụ cụ thể, đến các quy tắc tưởng là nhỏ như không nói xấu sau lưng người khác. Ở đó môi trường công sở được xây dựng như… ở nhà. Vào đến văn phòng là phải đi đất. Các quy định để xử lý khi mất giầy, hoặc để nhầm chỗ đều được xây dựng đầy đủ, bao quát mọi tranh cãi có khả năng… nổ ra.

Trong môi trường doanh nghiệp, vai trò của các cấp quản lý được đề cao. Đặc biệt, đối với các quy định về kỷ luật lao động thì đội ngũ cán bộ quản lý phải là những người gương mẫu trước tiên. Để từ đó, họ có thể vừa quản lý, vừa dạy dỗ, vừa giữ chân và vừa sa thải những trường hợp nhân sự điển hình, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong các nhân viên.

Kỷ luật lao động, nền tảng đạo đức của doanh nghiệp	 - Ảnh 2.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?". Ảnh minh họa: IT

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?" – có lẽ để xây dựng một doanh nghiệp hùng mạnh, thành công phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhân sự. Với những quy định lao động rõ ràng, công bằng, minh bạch và tuân thủ triệt để, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt chuyển đổi tích cực, tạo ra các giá trị thực, phát triển thành công hơn nữa.

Tham khảo Nội quy lao động của một Ngân hàng

(Quy định về giờ giấc, trang phục)

Giờ làm việc bình thường

* Từ thứ Hai đến thứ Sáu: từ 8h00 sáng đến 17h00 (gồm 01 tiếng nghỉ ăn trưa)

* Thứ Bảy: từ 8h00 sáng đến 12g00

* Để bảo đảm cho hoạt động của Ngân hàng được thông suốt, tất cả nhân viên phải đi làm đúng giờ. Nếu đi làm trễ vì bất cứ lý do gì, nhân viên phải xin phép Trưởng bộ phận trước một ngày. Trong trường hợp khẩn cấp, nhân viên phải xin phép bằng điện thoại cho Trưởng bộ phận ngay trong giờ làm việc đầu tiên của ngày mà mình phải đi làm trễ. Trong những trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của công việc, cán bộ nhân viên có thể đi làm vào giờ khác nhưng vẫn bảo đảm 8 giờ/ngày.

Trang phục nơi làm việc

Tất cả nhân viên phải tuân thủ Quy định về trang phục. Quy định này được đưa ra nhằm xây dựng hình ảnh chung của một nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp, lịch sự và hiệu quả.

A. Đối với nhân viên nữ, trang phục đến công sở phải đảm bảo tính thẩm mỹ, kín đáo, không được mặc áo sát nách, áo hai dây, không được mặc váy đầm hoặc juyp quá ngắn, chiều dài váy quy định trên đầu gối tối đa là 10cm, không được mặc quần bò áo phông, quần hoa, quần lửng hoặc những quần áo quá rườm rà, mỏng hay nhiều màu sắc sặc sỡ, không được đi dép lê, dép đế mỏng hoặc dép không có quai hậu.

B. Đối với nhân viên nam, trang phục quy định là áo sơ mi, cà vạt và quần tây, áo phải được sơ-vin gọn gàng, không được mặc quần bò, áo phông, quần soóc, không đi dép lê, tóc phải được cắt ngắn, nghiêm cấm để tóc dài hay cắt trọc và nhuộm màu sắc sặc sỡ.

C. Riêng sáng thứ Bảy, nhân viên có thể mặc trang phục thoải mái hơn như quần bò, áo phông. Tuy nhiên trang phục đến công sở ngày thứ bảy vẫn phải đảm bảo tính lịch sự, kín đáo, tôn trọng văn hoá chung.

D. Đối với nhân viên phải mặc đồng phục: trang phục do Ngân hàng cung cấp, nhân viên có trách nhiệm giữ gìn đồng phục luôn sạch sẽ, chỉnh tề và sử dụng đồng phục đúng mục đích công việc.