Nghiên cứu của Microsoft cho thấy các chủ lao động không tin tưởng vào làm việc từ xa
Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella, chia sẻ rằng các công ty cần phải loại bỏ "chứng hoang tưởng về năng suất" và tin nhân viên nhiều hơn.
Quan điểm trái ngược nhau về làm việc từ xa
Một cuộc khảo sát mới do tập đoàn Microsoft thực hiện cho thấy các chủ lao động và người làm có quan điểm trái ngược nhau về năng suất khi làm việc tại nhà.
Nhóm khảo sát đã hỏi ý kiến hơn 20.000 người lao động trên 11 quốc gia. Kết quả cho thấy các ông chủ rất lo lắng về việc liệu làm từ nhà có hiệu quả như ở văn phòng hay không. Trong khi 87% người lao động cảm thấy làm việc tại nhà hiệu quả hơn ở văn phòng, khoảng 80% các nhà quản lý không đồng ý với điều này.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella chia sẻ với BBC rằng, căng thẳng giữa người lao động và chủ lao động cần được giải quyết, vì chúng ta khó có thể quay trở lại thói quen làm việc trước đại dịch COVID-19.
"Chúng ta phải vượt qua cái gọi là chứng "hoang tưởng về năng suất". Dữ liệu chúng tôi có được cho thấy rằng hơn 80% cá nhân được hỏi cảm thấy họ làm việc từ nhà hiệu quả hơn. Chỉ có đội ngũ quản lý không đồng tình với điều này. Như thế có nghĩa đã xuất hiện tình trạng "mất kết nối" giữa sự kỳ vọng và những gì họ cảm thấy".
Cả ông Nadella và Ryan Roslansky, Giám đốc điều hành mạng xã hội việc làm LinkedIn hiện thuộc sở hữu của Microsoft, đều cho biết các nhà tuyển dụng đang phải vật lộn với sự thay đổi về cách làm việc, có lẽ là khó nhất trong lịch sử.
Số lượng công việc làm hoàn toàn từ xa được quảng cáo trên LinkedIn đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Nhưng Roslansky cho biết việc phân tích dữ liệu cho thấy những công việc dạng này có thể đã qua thời kỳ đỉnh điểm.
Ông nói với BBC rằng trong số khoảng 14 hoặc 15 triệu việc làm được đưa lên LinkedIn, chỉ còn khoảng 2% có liên quan đến hoạt động làm việc từ xa. Cách đây vài tháng, con số này vẫn nằm ở mức 20%. Người làm việc tại nhà cũng chỉ được nhận mức lương thấp hơn 20% so với những người tới văn phòng.
Vào thời điểm thiếu hụt lao động trầm trọng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các nhà tuyển dụng đã phải làm việc rất vất vả để tuyển mới cũng như thu hút và giữ chân nhân viên. Theo ông Nadella, chính các công ty lớn như Microsoft cũng phải đối mặt với vấn đề này.
"Chúng tôi có 70.000 người đã gia nhập Microsoft trong thời kỳ đại dịch. Có thể nói họ chỉ nhìn thấy cơ hội việc làm ở Microsoft qua lăng kính đại dịch. Và bây giờ khi chúng tôi nghĩ về giai đoạn tiếp theo, đã tới lúc để tái tạo năng lượng cho họ, tuyển dụng lại họ, giúp họ hình thành các kết nối xã hội".
Theo tiêu chuẩn hiện tại, nhân viên của Microsoft có thể làm việc tại nhà đến 50% thời gian. Hơn mức này, họ cần có sự chấp thuận của quản lý hoặc phải chuyển sang làm việc bán thời gian.
Một số công ty không có quá trình chuyển đổi hậu dịch dễ dàng như Microsoft. Họ đã phải vật lộn để áp đặt các thỏa thuận và kỳ vọng làm việc mới.
Đã có những sự kháng cự xuất hiện khi Apple kêu gọi nhân viên trở lại làm việc ở văn phòng 3 ngày một tuần từ tháng 9. Giám đốc điều hành Tesla, tỷ phú Elon Musk thậm chí đã yêu cầu nhân viên phải làm việc 40 giờ một tuần tại văn phòng công ty. Ông cũng gửi email tới nhân viên tuyên bố: "Nếu bạn không xuất hiện, chúng tôi coi như bạn đã xin thôi việc".
Một số lượng lớn chưa từng có lao động cũng đã thay đổi công việc kể từ khi đại dịch xuất hiện. Hiện tượng này được Microsoft gọi là "cuộc đại cải tổ", cho thấy những người lao động sinh sau năm 1997 (hay còn gọi là Thế hệ Z) có khả năng chuyển việc cao gần gấp đôi những nhóm khác.
Báo cáo cho biết: "Vào thời kỳ đỉnh cao của "cuộc đại cải tổ", chúng tôi đã chứng kiến tỷ lệ thay đổi công việc của thành viên LinkedIn tăng thêm 50%. Ở nhóm Gen Z, con số này là 90%". Theo Roslansky, đến năm 2030, Thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 30% toàn bộ lực lượng lao động nên các nhà quản lý cần phải hiểu họ để làm việc với họ tốt và hiệu quả hơn.
Vì sao nhiều người thích làm việc từ xa?
1. Làm việc từ xa cũng hiệu quả không kém, thậm chí là hơn. Hiệu quả công việc là phương thức chủ yếu để đánh giá năng suất của nhân viên. Vì vậy, khi làm việc từ xa, nhân viên vẫn phải đảm bảo thực hiện công việc như khi làm tại văn phòng. Một nghiên cứu cho thấy năng suất làm việc tăng 13% khi làm việc từ xa một ngày mỗi tuần.
2. Đại dịch khiến quan điểm thay đổi. Do tác động bất ngờ của đại dịch, mọi người bắt đầu nhận thấy làm việc từ xa là khả thi.
3. Làm việc từ xa giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Một trong những tác nhân lớn nhất gây ô nhiễm trên toàn thế giới là xe cộ, mỗi năm thải ra 4,6 tấn khí carbon. Khi giảm bớt lượng nhân viên di chuyển trên đường, những lãnh đạo doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng để cùng xã hội chuyển hướng sang các phương thức bền vững hơn.
4. Giao tiếp vẫn hiệu quả khi làm việc từ xa. Trong không gian làm việc truyền thống, nhân viên sẽ có mặt và ngồi quanh bàn họp để trình bày dữ liệu, công việc và các ý tưởng. Tất nhiên, đây là cách họp hiệu quả. Tuy vậy, họp trực tuyến cũng đem lại hiệu quả tương tự, thậm chí là còn dễ tiếp cận hơn gặp mặt trực tiếp, một khi âm thanh, micro, các quy định về ăn uống đều được xử lý tốt, vì nhân viên không phải mất thời gian di chuyển trên đường.
5. Nhân viên làm việc từ xa sẽ hạnh phúc và gắn bó hơn. Theo nghiên cứu của Owl Labs, làm việc từ xa có thể cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên, giúp công ty tăng khả năng duy trì và giữ chân nhân sự. Đồng thời, người lao động có cảm giác được tin tưởng hơn và có thể cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống. Nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và đội ngũ nhân sự làm việc hiệu quả hơn. Vì thế, các công ty mong muốn cải thiện đời sống người lao động nên cân nhắc đến phương thức làm việc từ xa.
6. Các công ty sẽ cần phải bắt kịp thời cuộc. Những lý do để chọn làm việc từ xa thay cho làm việc trực tiếp được nêu trên đây có thể chỉ là những điều nhỏ nhặt. Tuy nhiên, tổng hòa của những điều này lại đem đến sự nhẹ nhàng và thoải mái cho cả công ty lẫn nhân viên. Người sử dụng lao động có thể giảm chi phí vận hành văn phòng và thậm chí cân nhắc để chính mình cũng làm việc từ xa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google