WHO và ILO kêu gọi quan tâm vấn đề sức khỏe tâm thần của người lao động

08:00 - 29/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 28/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã kêu gọi các hành động cụ thể để bảo đảm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động.

WHO và ILO kêu gọi quan tâm vấn đề sức khỏe tâm thần của người lao động - Ảnh 1.

WHO và ILO kêu gọi hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Ảnh: AFP

Ước tính mỗi năm có khoảng 12 tỉ ngày công bị mất đi do chứng trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỉ USD. Các hướng dẫn toàn cầu mới của WHO về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc được củng cố bằng các chiến lược thiết thực nêu trong bản tóm tắt chính sách chung của WHO/ILO nhằm giải quyết vấn đề này. 

Hướng dẫn toàn cầu của WHO về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc khuyến nghị các hành động để giải quyết các nguy cơ đe dọa sức khỏe tâm thần như khối lượng công việc nặng nề, hành vi tiêu cực và các yếu tố khác gây ra tình trạng căng thẳng cả về tinh thần và thể chất  cho người lao động. Lần đầu tiên, WHO khuyến nghị đào tạo người quản lý nhằm nâng cao năng lực của họ để cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ những người lao động có tâm lý lo lắng.

Hướng dẫn mới cũng khuyến nghị những cách tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người lao động gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đề xuất các biện pháp can thiệp hỗ trợ để họ sớm trở lại làm việc, cũng như hỗ trợ những người có tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, cung cấp các biện pháp can thiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm được trả lương. Điều quan trọng là hướng dẫn kêu gọi các biện pháp can thiệp nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe khẩn cấp, nhân đạo cho người lao động. 

Bản tóm tắt chính sách riêng của WHO/ILO giải thích các hướng dẫn của WHO về các chiến lược thực tế cho các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động và các tổ chức của họ trong khu vực công và tư nhân. Mục đích là hỗ trợ, phòng ngừa các rủi ro về sức khỏe tâm thần, bảo vệ và thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, hỗ trợ những người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần để họ có thể tham gia và phát triển trong môi trường việc làm. Đầu tư và lãnh đạo sẽ rất quan trọng đối với việc thực hiện các chiến lược.

Trong phát biểu của mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Đã đến lúc tập trung vào tác động bất lợi mà công việc có thể gây ra đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta. Sức khỏe của cá nhân là lý do đủ để hành động, nhưng sức khỏe tinh thần kém cũng có thể gây làm giảm hiệu suất và năng suất của một người. Những hướng dẫn mới này có thể giúp ngăn ngừa các tình huống và văn hóa công sở tiêu cực, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe tâm thần rất cần thiết cho những người lao động". 

Về phần mình, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng khi mọi người dành phần lớn cuộc đời cho công việc, thì một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là rất quan trọng. Các nước cần đầu tư để xây dựng văn hóa phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, định hình lại môi trường làm việc để chấm dứt sự kỳ thị, đồng thời đảm bảo nhân viên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần được bảo vệ và hỗ trợ.

Báo cáo Sức khỏe Tâm thần thế giới của WHO được công bố tháng 6 cho thấy trong số 1 tỉ người sống chung với chứng rối loạn tâm thần vào năm 2019, có 15% là người trưởng thành trong độ tuổi lao động mắc chứng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, thảo luận hoặc tiết lộ về sức khỏe tâm thần vẫn là một điều cấm kỵ trong môi trường làm việc trên toàn cầu.

Công ước về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp của ILO (Số 155) và Khuyến nghị (Số 164) đưa ra các khuôn khổ pháp lý để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Tuy nhiên, Bản đồ Sức khỏe tâm thần của WHO cho thấy chỉ có 35% quốc gia báo cáo có các chương trình quốc gia về phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần liên quan đến công việc. Năm 2020, các chính phủ trên toàn thế giới chi trung bình chỉ 2% ngân sách y tế cho chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong đó các nước thu nhập trung bình thấp đầu tư chưa tới 1%.

Nguồn: TTXVN