Kinh nghiệm của Hội Khuyến học cùng thành phố Sơn La phấn đấu vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La
12:28 - 18/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La cùng với ngành Giáo dục - Đào tạo Sơn La là 2 trụ cột trong việc tham mưu, đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí để thành phố Sơn La trở thành thành viên của "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu".

Kinh nghiệm của Hội Khuyến học cùng thành phố Sơn La phấn đấu vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"- Ảnh 1.

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La trao học bổng tặng học sinh người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn của Trường Trung học cơ sở Mường Giôn. Ảnh: Hội Khuyến học tỉnh Sơn La

Ngày 14/2, thành phố Sơn La chính thức trở thành thành viên của "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO.
Ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư chúc mừng tỉnh Sơn La. Trong đó khẳng định: "Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La là Thành phố học tập toàn cầu. Đây là niềm vinh dự, tự hào và niềm vui chung của tỉnh Sơn La cũng như của toàn thể người dân Việt Nam… Danh hiệu Thành phố học tập toàn cầu do UNESCO công nhận chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực xây dựng xã hội học tập của tỉnh Sơn La…".

Quá trình phấn đấu trở thành thành viên của "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" của thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thể hiện quyết tâm chính trị, liên tục triển khai các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh Sơn La, của thành phố Sơn La.

3 kinh nghiệm chính của hội khuyến học góp phần đưa thành phố Sơn La vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"

Trở thành thành viên của "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" là kết quả của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La. Trong đó có sự đóng góp tích cực của ngành Giáo dục - Đào tạo và các cấp Hội Khuyến học tỉnh Sơn La.

Nhìn lại chặng đường đã qua, những người làm công tác khuyến học sơ bộ rút ra những bài học kinh nghiệm bước đầu:

Đổi mới công tác tuyên truyền

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn để tuyên truyền về nội dung khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Quyết định 1373/QĐ-TTg, 387/QĐ-TTg, 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Duy trì chuyên trang trên Báo Điện tử Sơn La, chuyên mục khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Sơn La vào các tối thứ 6 hàng tuần,

Cung cấp thông tin để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đông đảo nhân dân thành phố, trong tỉnh Sơn La nắm rõ thế nào là "Thành phố học tập", hiểu được lợi ích và ủng hộ, tham gia xây dựng thành phố Sơn La trở thành thành viên của "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" theo tiêu chuẩn của UNESCO.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La sử dụng nhiều kênh thông tin để tuyên truyền như trang website, Bản tin Khuyến học Sơn La, Zalo, fanpage của Hội nhằm thông tin, động viên kịp thời và giới thiệu những hoạt động tích cực của thành phố sau khi trở thành thành viên mạng lưới học tập toàn cầu đến các thành phố khác, qua đó thúc đẩy các mối quan hệ để học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành phố.

Chú trọng công tác tham mưu

Cùng với đó, cần phải nhạy bén, năng động, đề xuất được những nội dung, cách làm phù hợp với thực tế địa phương. 

Cần bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời những vấn đề nổi cộm, khó khăn, bất cập để tham mưu với cấp có thẩm quyền giải quyết.

Tăng cường huấn nghiệp vụ và kỹ năng xây dựng phong trào

Tổ chức thường xuyên, liên tục, ngoài hướng dẫn bằng lý thuyết, cần phải có thực tiễn minh chứng. Có lúc, có nơi phải cầm tay chỉ việc.

Tiêu chí để trở thành thành viên của "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" rất cao, lại rất mới, chưa có tiền lệ ở địa phương nên cán bộ hội phải năng động, sáng tạo và tích cực học hỏi. 

Các cấp hội khuyến học phải bám sát và nghiên cứu để hiểu sâu, biết rõ nội dung từng trụ cột, tiêu chí của thành phố học tập toàn cầu để tham mưu và đề ra giải pháp đúng.

Kinh nghiệm của Hội Khuyến học cùng thành phố Sơn La phấn đấu vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"- Ảnh 2.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Quyết Thắng hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II năm 2023.

Bên cạnh những kinh nghiệm trên, cùng với sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La và của thành phố Sơn La, chắc chắn phong trào khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh Sơn La sẽ ngày càng phát triển ổn định và vững chắc, sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa về ý tưởng, kinh nghiệm cho thành phố học tập.

Toàn tỉnh Sơn La quyết tâm, đồng lòng đưa thành phố Sơn La là thành viên "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"

Những năm qua, Sơn La vẫn luôn xác định đầu tư, phát triển giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên phong trào ngày càng phát triển vững chắc.

Nội dung hoạt động khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được lồng ghép trong hoạt động của các chi, đảng bộ, các tổ chức chính trị - xã hội. Phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời, đã tạo cơ hội cho mỗi cá nhân được tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi cũng được các cấp, ngành chú trọng thực hiện.

Căn cứ các Quyết định 1373/QĐ-TTg, 387/QĐ-TTg, 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sơn La đã ban hành, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả việc xây dựng xã hội học tập và thành phố trở thành "Thành phố học tập toàn cầu".

Kinh nghiệm của Hội Khuyến học cùng thành phố Sơn La phấn đấu vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"- Ảnh 4.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng và Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn trao tặng xe đạp cho học sinh vượt khó, học giỏi. Ảnh: Huyền Trăng

Trong đó có Quyết định số 2547/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030"; Kế hoạch số 206/KH-UBND về thực hiện Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030" và Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 19/8/2022 về Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Kinh nghiệm của Hội Khuyến học cùng thành phố Sơn La phấn đấu vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"- Ảnh 5.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Sơn La và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La về chương trình phối hợp về khuyến học - khuyến tài. Ảnh: Hội Khuyến học tỉnh Sơn La

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La phát động phong trào hưởng ứng "Tuần lễ học tập suốt đời", "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030" đến cán bộ công chức và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Sơn La nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, xây dựng, cung ứng các kênh và công cụ học tập đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập của suốt đời người dân.

Cán bộ, hội viên hội khuyến học các cấp là nòng cốt tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân có ý thức về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Hội khuyến học tỉnh Sơn La tham mưu nhiều giải pháp để toàn tỉnh Sơn La, đặc biệt là thành phố Sơn La tập trung thực hiện tốt các nội dung quan trọng trong bộ tiêu chí xây dựng "Thành phố học tập". Đó là: thúc đẩy cơ hội học tập bao gồm từ giáo dục cơ bản cho tới giáo dục đại học; khuyến khích cơ hội học tập trong gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện học tập phục vụ cho công việc và tại nơi làm việc; mở rộng việc sử dụng công nghệ học tập hiện đại; tăng cường chất lượng và tính toàn diện trong học tập; thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời.

Công tác khuyến học - khuyến tài được xác định là một trong những nhiệm vụ nòng cốt để xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập từ tỉnh xuống huyện, xã đã được kiện toàn và đi vào hoạt động nền nếp.

Phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đã được toàn dân hưởng ứng, tham gia. Số lượng các gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập", dòng họ đạt danh hiệu "Dòng họ học tập" và khu dân cư đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập" tăng đều qua mỗi năm.

Các cơ quan, đơn vị, trường học đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên học thường xuyên, học suốt đời bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.

Công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Kinh nghiệm của Hội Khuyến học cùng thành phố Sơn La phấn đấu vào "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu"- Ảnh 6.

Các tập thể xuất sắc nhận của tỉnh Sơn La Cờ thi đua của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hùng

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 12 hội khuyến học huyện, thành phố; 204 hội khuyến học xã, phường, thị trấn; tổ, bản, tiểu khu là 2.303; 2.845 chi hội khuyến học. Tổng số hội viên toàn tỉnh Sơn La là 351.214 người, chiếm tỉ lệ 28% so với dân số.

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La đã tham mưu để Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La gửi Thư ngỏ kêu gọi, vận động xây dựng Quỹ Khuyến học, Quỹ Học bổng Tô Hiệu.

Tổng giá trị quỹ khuyến học của cả tỉnh Sơn La năm 2023 là 31,8 tỉ đồng. Từ đó, khen thưởng, cấp học bổng cho gần 44.000 lượt tập thể, cá nhân với tổng số tiền là trên 10,4 tỉ đồng, gấp 3 lần năm 2022.

Đối với thành phố Sơn La, chỉ tính riêng một buổi vận động tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập thành phố Sơn La - năm 2023 đã kêu gọi được tổng số tiền cho Quỹ Khuyến học hơn 500 triệu đồng.

Hội Khuyến học tỉnh Sơn La tổ chức hội thảo về nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng ở 204/204 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Sơn La. Hàng năm, các trung tâm đều tổ chức điều tra nhu cầu học nghề của nhân dân để mở lớp, quan tâm đến những người yếu thế, học sinh vượt khó, hiếu học, trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa…

Hội còn phối hợp với các ngành, các cấp khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời việc tổ chức mở các lớp dạy nghề, ngoại ngữ, tiếng, chữ viết của các dân tộc thiểu số, tin học, các câu lạc bộ, đội văn nghệ, lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.

Đồng thời tạo điều kiện để thành lập các tủ sách thư viện trong các cơ quan, bản làng để nhân dân có điều kiện tự học tập, nâng cao trình độ, cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

Để cán bộ hội khuyến học các cấp nắm chắc nghiệp vụ, giỏi chuyên môn, Hội Khuyến học thường xuyên mở lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hội huyện, thành phố, cán bộ hội thành phố lại trực tiếp mở lớp bồi dưỡng cho cấp xã và thôn, bản.

Công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng hành của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên phong trào ngày càng phát triển vững chắc.