Không chịu ăn non
Kỳ thi Hội khoa Nhâm Tuất (1442) dưới triều vua Lê Thái Tông, niên hiệu Bảo Đại thứ ba xảy ra một chuyện lạ.
Vào đúng ngày xướng danh các sĩ tử nô nức tấp nập vừa hồi hộp vừa thấp thỏm đứng trước trường thi chờ đón kết quả của mình. Đây là những sĩ tử ưu tú nhất vì họ đã từng trải qua nhiều kỳ thi, từng công phu khổ luyện văn tài trước nhiều năm trời, không vấp váp chỗ nào nên ai nấy đều hy vọng về một thành quả mà mình mong ước.
Đỗ tiến sĩ tức là giành được một vinh dự lớn xứng đáng với nhiều năm đèn sách, xứng đáng với mong mỏi của gia tộc vợ con. Có học vị này, chắc chắn sẽ được triều đình bổ dụng, một bước lên quan vừa góp công góp sức cho triều đình, quốc gia, lại vừa thay đổi được điều kiện ăn ở.
Ấy thế mà có hai vị tiến sĩ tân khoa lại có vẻ kém vui. Đó là hai ông Trịnh Thiết Trường và Nguyễn Nguyên Chẩn (còn gọi là Nguyên Xán)!
Trịnh Thiết Trường là người làng Đông Lý, huyện Yên Định (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), còn Nguyễn Nguyên Chẩn quê ở Lạc Thực huyện Thanh Lầu (tỉnh Hải Dương). Cả hai ông này đều nổi tiếng chăm chỉ, cần cù và thông minh ở quê và có chí vươn lên nên đã tìm cách về Thăng Long tìm thầy theo học, với hi vọng sẽ đỗ đạt.
Không hẹn mà gặp, họ tình cờ trọ chung một nhà. Các ông từ đó thân quen rồi cùng nhau làm quen với nhiều danh sĩ cùng chí hướng. Họ cùng nhau học hành, mở lớp dạy thêm để góp phần trang trải trong cuộc sống.
Trịnh Thiết Trường hơn tuổi Nguyên Chẩn và trong quá trình học tập, thảo luận văn bài luôn tỏ ra xuất sắc nên Nguyên Chẩn rất kính trọng, xem như bậc thầy. Họ cùng nhau lều chiếu vào thi và cả hai người đều khá yên tâm có thể nắm chắc thành quả. Chỉ có mỗi một điều là, tuy đỗ nhưng Trịnh Thiết Trường chỉ đứng thứ 14 bảng tam giáp, còn Nguyên Chẩn thì đứng thứ 23, đứng chót bảng này!
Bảng Giáp ghi danh những tiến sĩ. Nhưng có đến ba bậc: nhất Giáp, nhị Giáp và tam Giáp. Danh hiệu tiến sĩ là vô cùng vẻ vang chỉ dành cho những người thực tài. Chắc chắn tin mừng này sẽ làm cho cả làng, cả tổng, cả vùng tự hào vinh dự.
Thế mà hai vị tân khoa vẫn không hài lòng!
Cả Trịnh Thiết Trường lẫn Nguyễn Nguyên Chẩn đều phải thực hiện đúng nghi lễ của triều đình, sau khi xướng danh được gọi vào chiêm bái nhà vua và tạ ơn các quan Trường. Khi được ban áo mũ, cả nhà vua lẫn các quan đều hết sức ngạc nhiên thấy Trịnh Thiết Trường đột ngột bước ra quỳ lạy xin được bày tỏ ý nguyện.
Trịnh Thiết Trường đã tri ân triều đình thu dụng hiền tài và cũng tự thấy mình gắng công học tập. Tuy nhiên ông cũng tự thấy cái học của mình còn quá nông cạn bởi chỉ đứng thứ 14 của tam giáp thôi! Ông xin đức vua và các vị đại sư cho phép lưu lại áo mũ để trở về học thêm. Khoa sau mong có kết quả cao hơn để đóng góp tốt hơn với triều đình.
Cả vua và triều thần có mặt lúc đó đều chuyển từ ngạc nhiên sang sửng sốt! Chưa ai có kịp ý kiến gì thì họ lại thấy một người nữa cũng tiến ra quỳ sụp bên cạnh Thiết Trường.
- Muôn tâu Thánh thượng. Tiểu sinh là Nguyễn Nguyên Chẩn cũng vừa được quan truyền lô gọi tên sau cùng. Tiểu sinh là học trò của thầy giáo Trịnh, cũng xin phép noi gương thầy, kính mong Thánh thượng cho từ khoa để về học lại ạ!
Chuyện xảy ra quá bất ngờ. Nhà vua và các quan đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhà vua chăm chú nhìn hai người, cả cười:
- Thật là thầy nào trò ấy. Ta rất vui mừng và sẵn sàng chiều theo ý nguyện của hai cống sĩ. Xin có lời chúc hai thầy trò sang khóa sau thành đạt rực rỡ hơn.
Quay sang, nhà vua nói với các quan.
- Thật may mắn nước nhà có những người có ý chí và sự thành thực như vậy. Quả chưa chín thì không chịu ăn non! Đáng khen!
Lời chúc của nhà vua chẳng bao lâu trở thành sự thực. Năm 1448, tức là sáu năm sau khoa Nhâm Tuất ấy, hai thầy trò này lại cùng đi thi. Trịnh Thiết Trường đã hoàn thành ý nguyện của mình, ông được ghi tên vào bảng Đệ nhất giáp, nhận học vị Bảng nhãn. Còn Nguyễn Nguyên Chẩn vẫn đỗ tam Giáp thôi, nhưng lần này đỗ cao, ông đứng thứ ba trong mấy chục vị đồng tiến sĩ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google