Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

Minh Thi
07:03 - 01/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau 18 đời vua Hùng, chính sử nước ta được ghi chép bằng một loạt những diễn biến chồng chéo rất khó phân định, từ việc An Dương Vương kế tục Hùng Vương năm 257 Trước Công nguyên, rồi nhà Tần đánh Lĩnh Nam đến Triệu Đà lập nước Nam Việt năm 208 Trước Công nguyên. Tất cả xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm!

Mới đây, một bản thần tích do họ Lê lưu giữ ở thị xã Phú Thọ đã cung cấp thêm nhiều chi tiết giá trị, giúp bổ sung và làm sáng tỏ dòng chảy lịch sử nước ta sau thời Hùng Vương.

1. 

Làng Mạo Phổ, thuộc xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, thờ vị Thánh mẫu Duyên Hòa. Theo ngọc phả, bà là vợ của Hùng Vương thứ 17. Một đêm bà nằm mộng thấy một con chim phượng ngậm một chiếc bút ngọc bay đến trong tiếng sấm nổ vang rền. Từ đó bà có mang. 

Khi sắp sinh, bà lại nằm mơ gặp một lão tiên đến ban cho một chiếc rọ có 5 con cá chép hồng. Bà chọn được 3 con cá. Sau đó bà sinh được ba người con trai tướng mạo dị thường, thông minh tài trí. Ba người con khi lớn lên đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh giúp vua Hùng đánh giặc Thục, rồi về hóa ở quê mẹ bên bờ sông Thao.

Cạnh làng Mạo Phổ là làng Hạ Mạo, thuộc thị xã Phú Thọ, có thần tích kể về 5 vị thành hoàng cùng tên với làng Mạo Phổ. Nhưng khác với ngọc phả Mạo Phổ do Hàn lâm đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn, thần tích của làng Hạ Mạo là một dạng ghi chép của gia tộc họ Lê tại đây về các vị thành hoàng, cũng là vị tổ họ đã lập trang ấp tại Hạ Mạo.

Thần tích họ Lê ở Hạ Mạo kể rằng: Xưa Hùng Vương đời thứ 17 sinh người con trai thứ tên là Hùng Ánh, thiên tư dũng lược, diện mạo lạ thường, thông minh nhanh hiểu biết, vượt trội hơn người. Khi ấy phong tục còn chất phác. Các con vua đều gọi là quan chàng, cho nên có tên là quan Chàng Ánh. Đến khi Duệ Vương nối ngôi, phong Chàng Ánh làm Vương tử, ban cho họ Lê.
Khi giặc Thục đến xâm lăng, Chàng Ánh chỉ huy quân binh, có công chống Thục. Sau giặc Thục đánh Duệ Vương, thế nước nhà Hùng mất. Chàng Ánh rất hận mới luyện binh tuyển tướng, cẩn thận giữ gìn cương giới, bèn tự xưng là Hậu Hùng Vương, không thần phục An Dương Vương. Xưng là nước Việt Tây, nay là Quảng Tây.

Chi tiết Chàng Ánh được phong ban họ Lê, chiếm giữ đất Quảng Tây là một bằng chứng rằng việc hình thành các dòng họ ở nước ta đã có từ thời Hùng Vương. Việc ban họ gắn liền với phong đất và quyền thế tập cha truyền con nối. Đây chính là ý nghĩa khái niệm chế độ "phong kiến", tức là phong tước và kiến địa. 

Lê Hùng Ánh là vị tổ họ Lê sớm nhất được biết trong thư tịch cho tới nay.

2. 

Thần tích Hạ Mạo kể tiếp: Vợ Vương là con gái Đông Chu Quân có mang 3 năm, sinh một bầu năm con trai, đến khi trưởng thành đều có tướng mạo khác thường. Hùng Vương Chàng Ánh rất vui mừng, nhân theo cổ tục khi đó đặt là Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba, Chàng Tư, Chàng Út mà gọi.

Vào cuối thời Chu, đất nhà Chu chia thành 2 vùng là Tây Chu và Đông Chu. Vị vua Chu cuối cùng là Chu Noãn Vương đã bị Tần Chiêu Tương Vương diệt ở đất Tây Chu năm 256 TCN. Đất Đông Chu khi đó trở thành nơi nương náu của các quý tộc nhà Chu và được cai quản bởi một vị hoàng tộc Chu gọi là Đông Chu Quân.

Thông tin Hậu Hùng Vương lấy con gái của Đông Chu Quân khi so sánh với ngọc phả làng Mạo Phổ thì tương ứng việc Thánh mẫu Duyên Hòa nằm mộng thấy điềm chim phượng ngậm bút ngọc bay tới trong tiếng sấm nổ, sinh ra 3 người con đặt tên là Bút Lôi Mao. Chim phượng là biểu tượng cho dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi, cũng tương đương với nhà Chu vì khi Chu Văn Vương khởi nghiệp đã thấy điềm chim phượng hoàng năm sắc đậu ở ngọn núi Kỳ Sơn mà gáy báo tin.

Hình ảnh lông phượng mang hàm nghĩa những người con là dòng dõi của mẹ Âu Cơ hay của nhà Chu. Tiếng sấm tượng trưng cho quẻ Chấn trong Hậu thiên bát quái, là quẻ chỉ hướng Đông. Còn chiếc Bút tượng trưng cho nét "văn". 

Tên gọi Bút Lôi Mao do vậy có thể giải nghĩa là dòng dõi của Đông Chu Văn Quân, vị quân chủ đã quản lý vùng đất Đông Chu chống lại quân Tần. Vì quân Tần đến từ vùng đất Thục nên truyền thuyết Việt gọi đây là giặc Thục.

Hậu Hùng Vương chủ đất Việt Tây, lấy vợ là con gái của Đông Chu Quân, đã không thần phục vua Thục mà tự mình lập nước riêng, xưng là Việt Tây quốc vương. So sánh với chính sử thì việc Hùng Ánh lập quốc ở Quảng Tây tương ứng với việc họ Triệu chiếm đất Tần xưng là Vũ Vương. Cái tên Lôi Mao cũng tương ứng với hình ảnh những chiến binh đội lông chim (Mao) trên mặt trống đồng, là loại trống còn gọi là trống sấm (Lôi), gặp phổ biến nhất ở vùng Bắc Việt và Quảng Tây. Lông chim cũng là họa tiết trang trí phổ biến trên mặt các trống đồng của thời kỳ Đông Sơn.

3. 

Thần tích Hạ Mạo kể tiếp: Gặp lúc có tướng Tần Triệu Đà dẫn quân chiếm phương Nam, Hùng Vương (tức là Chàng Ánh) bèn lệnh Chàng Út dẫn ba ngàn quân giúp Triệu Đà đánh Thục chiếm nước thành công. Triệu Đà lên ngôi là Vũ Đế, nhưng vẫn cắt Quảng Tây cho Việt.

Vì Chàng Út có công nên 4 người anh nhường cho em, bỏ đi ẩn ở vùng sông cuộn núi dừng bên sông Thao. Hùng Vương băng hà, Chàng Út kế vị, xưng là Việt Tây Út Ngọ Lôi Mao Đại vương. Vũ Đế cho lệnh sách phong. Ba năm tang lễ xong, Vương cho hoàng hậu họ Triệu giám quản đất nước, còn tự thân đi cầu tìm bốn người anh.

Triệu Vũ Đế trong thần tích này không phải là Vũ Vương lập quốc ở Quảng Tây, mà là người đã diệt nhà Tần lên ngôi Đế. Vị Hoàng đế của thiên hạ này có sách phong cho Chàng Út làm Vương ở đất Việt Tây.

Đây là thông tin hết sức mới lạ về nguồn gốc nhà Triệu của nước Nam Việt, cho phép giải mã được những khúc mắc lịch sử hiện tại về thời kỳ Hậu Hùng Vương. 

Có thể tóm tắt lại diễn biến của thời kỳ này theo những thông tin mới thu nhận từ thần tích Hạ Mạo như sau:

Hùng Vương thứ 18 là dòng Tiên Phượng theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang, tương ứng với vị vua Chu cuối cùng là Chu Noãn Vương. Tác phẩm thơ Thiên Nam ngữ lục có đoạn về thời gian này như sau:

Kể từ Hùng tổ trị dân
Lên ngôi sánh với thánh nhân Đào Đường
Tới nay Chu mạt Noãn Vương
Ông cha con cháu giữ giàng trị dân…
Ấm bao nhiêu, rét bấy nhiêu
Vườn Chu ải giậu, Tần trèo đãng hoa.

Giặc Thục tấn công và diệt Hùng Vương là nước Tần. Một chư hầu của Hùng Vương mang họ Lê không thần phục Tần đã cát cứ đất Quảng Tây mà xưng vương. Đây là vị Vũ Vương, tức là vị vua đầu triều, của nước Nam Việt. Vũ Vương có người vợ là con gái của Đông Chu Văn Quân, tức là dòng dõi nhà Chu.

Khi Triệu Đà khởi nghĩa chống Tần, Vũ Vương cử quân đội giúp Triệu Đà định được thiên hạ. Triệu Đà lên ngôi Hoàng đế, xưng là Triệu Vũ Đế. Triệu Vũ Đế phong cho Vũ Vương họ Lê làm vua đất Việt Tây như một chư hầu.

Con Út của Vũ Vương họ Lê là người có công trong việc diệt Tần lập quốc, được Triệu Vũ Đế gả con gái cho, là Triệu hậu. Út Ngọ Lôi Mao lên nối ngôi cha ở Quảng Tây tức là Triệu Văn Vương trong lịch sử. Họ Triệu của nước Nam Việt lấy theo họ bên ngoại (theo Triệu Vũ Đế) từ đây.

4. 

Thần tích Hạ Mạo kể tiếp: Được mười năm hoàng hậu họ Triệu sinh được con trai là Chàng Uyên, thông minh sáng suốt. Sau khi Chàng Út cùng 4 anh hóa Chàng Uyên tiếp ngôi, hiệu xưng là Minh Vương. Khi Hán bình định Nam Việt cùng với Việt Tây, Minh Vương thất thủ mà chết. Con trưởng tên là Hùng Tuấn với Vương hậu cùng chết theo. Con trai thứ Hùng Hòa không chịu nhục, cõng thi thể của cha chạy về chôn ở núi Toàn Dương. Sau ba năm chôn cất xong, dẫn con cái đến thôn Thượng Minh cùng với nhân dân bốn họ cùng sống. Nhưng vì tránh tên Minh Vương nên đã đổi thành xã Hạ Mạo, đổi thôn thành xã từ đó.

Người nối ngôi Triệu Văn Vương ở nước Nam Việt theo Sử ký Tư Mã Thiên đúng là Triệu Minh Vương. Người con đầu của Minh Vương là Triệu Ai Vương đã cùng mẹ là Cù Hậu bị chết khi nhà Tây Hán tấn công Nam Việt. Ai Vương như thế tương ứng với tên Hùng Tuấn trong thần tích Hạ Mạo. Còn người con thứ của Minh Vương đã chạy về vùng Phong Châu Phú Thọ là Triệu Vệ Dương Vương, tương ứng trong thần tích gọi là Hùng Hòa.

Tộc tích họ Lê ở Hạ Mạo đã ghi lại đầy đủ thông tin nguồn gốc về nhà Triệu nước Nam Việt. Đó là từ Triệu Vũ Vương họ Lê và vợ là con gái Đông Chu Quân xưng vương ở Quảng Tây. Tiếp nối là Văn Vương lấy vợ là con gái Triệu Đế nên từ đó dùng chữ Triệu để đặt tên triều đại. Triệu Minh Vương nối ngôi, tới Triệu Ai Vương thì bị nhà Tây Hán tấn công, giết chết. Triệu Vệ Dương Vương đem thân tộc gia quyến chạy về quê gốc ở vùng Phong Châu, ẩn cư lấy lại họ Lê. Từ đó chiêu dân lập ấp, hình thành trang ấp ở khu vực thị xã Phú Thọ ngày nay. Họ tộc này cùng 4 họ gia thần khác lập đền thờ Mẫu tổ là bà Duyên Hòa ở làng Mạo Phổ và đền đình thờ các đại vương tổ họ Lê làm thành hoàng ở 2 làng Mạo Phổ và Hạ Mạo.

Câu đối với đình Hạ Mạo còn ghi lại câu chuyện ly kỳ thời Hậu Hùng Vương này:

Hùng Lạc ký truyền nay, diệt Thục bình Ngô rạng ở sử

Việt Tây ngôi nhường nối, điềm rồng thế núi bãi thành trang.

Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

 - Ảnh 1.

Trang đầu" Thần từ sự tích" của làng Hạ Mạo với thông tin về ban tộc tính họ Lê cho Hùng Ánh.

Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

 - Ảnh 2.

Long vị Lôi Mao Đại vương ở đền Mạo Phổ.

Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

 - Ảnh 3.

Cung thờ Ngũ vị Đại vương đình Hạ Mạo.

Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

 - Ảnh 4.

Hình người và lông chim trên trống Sao Vàng.

Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

 - Ảnh 5.

Hình Giao long và Người đội lông chim trên lưỡi rìu thời Đông Sơn.

Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

 - Ảnh 6.

Phả đồ thời kỳ Hậu Hùng Vương theo thần tích Hạ Mạo và chính sử, theo quan điểm tác giả bài viết.