Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng về đàn Nam Giao thời Tây Sơn tại Huế

PV
08:49 - 31/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà khảo cổ xác định những dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn tại di tích lịch sử núi Bân, Huế. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích núi Bân.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo kết quả sơ bộ về khảo cổ tại khu di tích quốc gia núi Bân, phường An Tây, Thành phố Huế. Di tích này được xem là đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn, nơi Nguyễn Huệ làm lễ cáo trời đất, chính danh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào năm 1788.

Xác định nhiều vết tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn

Tại khu vực núi Bân, trong thời gian hơn 1 tháng, nhóm khảo cổ đã đào 9 hố và tìm thấy những vết tích như: bó móng kè đá, kè gạch, mặt nền san phẳng… từ đó bước đầu xác định đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân. Các nhà nghiên cứu đề xuất mở rộng diện tích khai quật và đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương số hóa các hình ảnh, tư liệu liên quan nhằm lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận di tích núi Bân là di tích quốc gia đặc biệt.

Huế: Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng về đàn Nam Giao thời Tây Sơn - Ảnh 1.

Hiện trường khai quật khảo cổ ở di tích quốc gia núi Bân, Huế. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Trưởng Đoàn khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết: “Từ những kết quả thu được, có thể nhận thấy đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng có quy mô, kích thước chu vi các tầng 1, 2 rộng lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay. Bố cục đàn này có nét tương đồng với đàn Viên Khâu (xây năm 1540 thuộc khu di tích Thiên Đàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc) với đế hình vuông, 3 tầng đàn ở giữa hình tròn”, ông Chất đánh giá.

Đàn Nam Giao là nơi vua tổ chức lễ tế trời đất. Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng.

Theo ông Chất, kết quả khai quật bước đầu đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn. Kết quả đó góp phần khẳng định núi Bân chính là nơi được sử sách ghi chép cũng như các nhà nghiên cứu trước đây ở Huế xác nhận là nơi lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

"Đó là những tư liệu vật thật, thông tin khoa học chân xác nhất để chúng ta xác định quy mô kết cấu cũng như niên đại của di tích", ông nói.

Khu di tích lịch sử Núi Bân - đàn Nam Giao thời Tây Sơn

Núi Bân thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, phường An Tây, thành phố Huế. Núi Bân là biểu tượng lịch sử oai hùng của vùng đất Phú Xuân, Huế, nơi xuất phát của cuộc hành binh thần tốc đánh tan 29 vạn quân Thanh của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Huế: Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng về đàn Nam Giao thời Tây Sơn - Ảnh 3.

Tượng đài Quang Trung tại núi Bân. Ảnh: Redsvn

Ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ chọn núi Bân lập đàn Nam Giao, làm lễ tế cáo trời đất chính thức đặt niên hiện Quang Trung năm thứ nhất, thay thế niên hiệu Thái Đức năm thứ 11 của Nguyễn Nhạc và ra lệnh xuất quân ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ đạo của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, chỉ trong vòng 5 ngày tổng tấn công đã đại phá quân Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền của dân tộc.

Theo các nhà nghiên cứu, Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn núi Bân lập đàn Nam Giao nhằm tận dụng địa thế núi không cao, xung quanh là cánh đồng khá rộng để tập kết hàng vạn quân, dễ dàng cho việc xây dựng đàn trong điều kiện thời gian vô cùng gấp gáp.

Khu di tích núi Bân đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988.

Nguồn: VOV