Tam Lang Long Vương - những người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển
"Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi" - câu đồng dao tưởng như nói chuyện vu vơ, nhưng lại là một câu chuyện lịch sử thật sự cách đây 4.000 năm từ khi cha Rồng Lạc Long Quân dẫn những người con xuống chia trị miền duyên hải.
Sự tích Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh
Sách Nghệ An phong thổ ký chép: “Xưa ở Chỉ Châu có hai vợ chồng ông Mái, mụ Mái đã luống tuổi mà chưa có con. Một hôm người vợ nhặt được ba quả trứng về nhà, chồng đem bỏ vào cái chậu. Ít lâu sau ba quả trứng nở thành ba con rắn, ông bèn thả xuống ngã ba sông, bỗng mưa gió nổi lên ầm ầm lúc sau mới lặng. Nhưng hôm sau thì ba con rắn trở về quấn quýt bên ông bà, ông đi đâu rắn cũng theo đi.
Một hôm, ông ra bờ cuốc ruộng, ba con rắn bò lượn xung quanh tỏ ý rất vui vẻ, nhưng không may ông vô tình cuốc nhằm một con làm đứt đuôi. Ba con rắn cùng bỏ đi ẩn dưới vực Đan Hai. Về sau ba con rắn thành Thần được dân Chỉ Châu lập Miếu thờ gọi là Tam Lang Long vương”.
Đền Tam Lang Long Vương ở Chỉ Châu nay thuộc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích này được biết với tên đền Sắc vì tới nay còn lưu giữ được 86 đạo sắc, phần lớn phong cho các vị thần là Ông Cả, Ông Hai, Ông Ba Long Vương.
Các sắc phong này có niên đại từ năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) thời Hậu Lê đến năm Thành Thái thứ 13 (1992) thời Nguyễn. Đền nằm trong cùng một khuôn viên với di chỉ khảo cổ quốc gia Thạch Lạc trên núi Sò điệp, nơi từng phát hiện được di cốt người tiền sử có niên đại 4.000 - 5.000 năm.
Niên đại trên 4.000 năm lịch sử ở vùng đất ven biển của cư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản (sò điệp) mang tên Thạch Lạc thờ các vị Long Vương thì chắc chắn liên quan đến sự kiện cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển.
Truyện Họ Hồng Bàng kể: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước… Long Quân lấy Âu Cơ, trong năm sinh ra một bọc trứng, cho là điềm bất thường, vứt ra ngoài đồng; qua bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi…”
Đoạn truyền thuyết này rất giống với sự tích Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh kể trên. Tiếp theo, khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay, Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc… Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”.
Lạc Long Quân cùng 50 người con trai về Thủy phủ không phải ở một chỗ mà là “chia trị các xứ”, là các nơi đầu khe góc biển. Chính vì thế mà ở rất nhiều vùng sông nước và ven bờ biển còn lưu lại những sự tích về các vị Long Vương Thủy phủ của thời kỳ này. Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh là một trong số đó.
Và sự tích Tam Lang Long Vương ở Phú Thọ
Sự tích Tam Lang Long Vương có thể gặp đầu tiên là tại vùng Ngã ba Việt Trì nơi cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ chia tay lên rừng xuống biển. Thần tích ở làng La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ) kể về Thánh mẫu Động Đình Phan Cù Nương sinh ra 3 con trai được phong làm các vị thủy quan, đi trấn nhậm các nơi.
Tương tự ở làng Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) có bà Trang Hoa, vợ của ông Hùng Hải, sinh ra ba bọc trứng, nở ra 3 con rồng, rồi hóa thành 3 người con trai, đặt tên là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Ba người con được cử đi trị nhậm ở vùng sông Đà, sông Thao. Vùng Động Đình ở Phú Thọ là chỉ khu vực sông nước quanh Ngã Ba Hạc.
Dòng sông Hồng bắt đầu từ hợp lưu của ba sông Đà, Lô, Thao tại Ngã Ba Hạc đổ ra biển ở vùng Thái Bình. Nơi đây cũng có sự tích về 3 con Hoàng xà ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ). Nàng Quý đi tắm ở sông Đào, cảm động với giao long mà có thai, sinh được một bọc, nở ra 3 con Hoàng xà. 3 con rắn sau hóa thành 3 chàng trai giúp vua Hùng đánh giặc.
Con Hoàng xà lớn nhất trở thành Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình, tức là vị đức Vua cha Thoải phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ. Đây cũng chính là hình ảnh của Vua cha Lạc Long Quân, vì Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ghi rõ, Lạc Long Quân đã “hóa sinh về biển làm đế chủ Thủy Tiên Động Đình Long Quân”. Động Đình ở Thái Bình là vùng đất Đào Động của Vĩnh Công Đại Vương, tức là vùng đất ven biển cửa sông Hồng.
Khi so sánh sự tích Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh với các truyền tích ở vùng sông Hồng thì có thể thấy rõ đây cùng là một sự kiện lịch sử. Hà Tĩnh theo trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ghi là nơi đã diễn ra cuộc kỳ ngộ giữa cha Tiên Lộc Tục và mẹ Rồng Thần Long tại cửa biển Hội Thống, trên đất Cựu đô Ngàn Hống của vùng núi Hồng sông Lam. Ông Cả Long Vương ở Hà Tĩnh không ai khác chính là người con trưởng của Kinh Dương Vương và Động Đình Long Nữ, tức là vua Lạc Long Quân.
Ở Hà Tĩnh hiện có khá nhiều nơi thờ Tam Lang Long Vương và thường được gọi là đền Cả, như đền ở xã Ích Hậu huyện Lộc Hà, hay xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân. Ngay ở xã Thạch Trị huyện Thạch Hà cũng có ngôi miếu thờ Ông Cả Long Vương với tên gọi là Miếu Ao. Nơi đây nổi tiếng với sự linh ứng kỳ diệu qua những câu chuyện như vào các ngày lễ có bóng rồng hiện dưới ao.
Ngày chính lễ Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh gọi là ngày “kỳ phúc lục ngoạt”, tức là lễ cầu phúc vào rằm tháng Sáu Âm lịch hàng năm. Người dân địa phương còn lấy nước từ ao để làm thuốc uống chữa bệnh sau đi đã thành tâm thắp hương cầu thần tại Miếu.
Những câu chuyện của 4.000 năm trước, khi người Việt đi xuống khai phá vùng sông nước ven biển, xăm mình chài lưới như những con Giao long trên sóng nước, còn lưu lại đậm nét trong các di chỉ khảo cổ và di tích tín ngưỡng ở vùng đất miền Trung như ở Hà Tĩnh. Bài thơ Nôm về Tam Lang Long Vương ở đền Sắc Thạch Lạc như còn khắc tạc câu chuyện này:
Giao long được nước vẫy vùng
Anh uy khôn xiết, linh thông khôn lường
Vua Thủy long lòng càng thân ái
Bèn phong cho hà hải khê nguyên…
Uy linh lừng lẫy trời Nam
Thiên thu sùng phụng năm năm lâu dài.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google