Hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối tượng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 bao gồm: Cán bộ y tế; người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.
Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Tháng 11/2023, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới.
Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Hiện COVID-19 được kiểm soát, quản lý bền vững theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế, trong đó tiêm vaccine là một nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2023-2025.
Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, đối tượng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 bao gồm: Cán bộ y tế; người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.
Về liều tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn: Nếu chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 1 liều, nếu đã tiêm thì tiêm thêm 1 liều cách liều trước đó từ ít nhất 6 tháng bằng vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
Đối với phụ nữ có thai tiêm 1 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn, đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn nêu trên để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vaccine phòng COVID-19 thời gian tới và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng kịp thời, tổ chức triển khai tiêm chủng theo kế hoạch của địa phương.
Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.
Để chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.
Biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tên KP.2 có khả năng lây lan nhanh hơn và "né" vaccine tốt hơn
Mới đây các nhà khoa học vừa cảnh báo biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tên KP.2 có khả năng lây lan nhanh hơn và "né" vaccine tốt hơn so với các biến thể trước đây, kể cả biến thể XBB đang chiếm số đông các ca nhiễm mới.
KP.2 có hệ số lây nhiễm thực cao hơn đáng kể so với biến thể JN.1, cho thấy khả năng lây lan nhanh hơn. Điều này được quan sát thấy ở Mỹ, Anh và Canada, nơi KP.2 đang lan rộng nhanh chóng.
Theo các nhà khoa học, KP.2 cũng cho thấy khả năng kháng trung hòa cao, nghĩa là biến thể này có thể trốn tránh hệ miễn dịch do vaccine hoặc do nhiễm các biến thể trước đó tạo ra. Khả năng kháng vaccine cao hơn này có thể là một phần lý giải cho việc gia tăng số ca mắc COVID-19 do KP.2.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google