Người đã tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca có cần làm xét nghiệm D-dimer?
Người đã tiêm từ 1 đến 3 mũi vaccine COVID-19 AstraZeneca có nên đi làm xét nghiệm D-dimer? Các chuyên gia Y khoa lên tiếng tư vấn về việc này.
Không có lí do thuyết phục để đi làm xét nghiệm D-dimer
Một người bạn của Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) hỏi ông rằng đã chích 2 mũi AstraZeneca vaccine (chống COVID-19), sao không đi làm xét nghiệm D-dimer?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn giật mình hỏi tại sao, thì mới biết rằng có tin đồn trên mạng về mối liên quan giữa AstraZeneca vaccine và chứng đông máu (thrombosis), và xét nghiệm D-dimer sẽ cho biết tôi bị thrombosis hay không. Nhưng ông chọn không đi làm xét nghiệm D-dimer.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, thật ra thông tin về mối liên quan giữa AstraZeneca vaccine (Vaxzevria) và chứng đông máu không phải là mới. Năm ngoái, y văn đã đề cập đến mối liên quan này.
Theo thông tin từ Cục quản lí dược phẩm của Úc, cứ 100,000 người chích Vaxzevria thì có 2-3 người bị chứng đông máu. Thường, chứng đông máu phát sinh trong 4-42 ngày sau khi chích. Đó là sự thật.
Có một thực tế khác mà ít người chú ý. Xác suất mà một người nhiễm SARS-Cov-2 (chưa tiêm vaccine) mắc chứng đông máu cao gấp 10 lần so với xác suất đông máu ở những người tiêm AstraZeneca vaccine.
Nói cách khác, nguy cơ đông máu rất hiếm và nó xảy ra trong vòng 1.5 tháng sau khi chích, và nó liên quan đến COVID-19 hơn là liên quan đến vaccine. "Từ hai năm qua, tôi không chích Vaxzevria nữa, nên tôi không nghĩ mình nằm trong nhóm có nguy cơ. Mà, cho dù nằm trong nhóm đó, thì xác suất rất thấp", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói thêm.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, xét nghiệm D-dimer là một xét nghiệm từ máu với mục tiêu là phát hiện chứng đông máu. Cơ chế của xét nghiệm D-dimer là đo lường nồng độ protein có tên là D-dimer trong cơ thể. D-dimer là protein có chức năng làm tan cục đông máu. Một kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là nồng độ D-dimer cao hơn bình thường.
Một kết quả dương tính không có nghĩa là cá nhân đó bị chứng đông máu, bởi vì không có một xét nghiệm y khoa nào là chính xác tuyệt đối cả.
Theo nhiều nghiên cứu trước đây, xét nghiệm D-dimer có độ nhạy khá cao (~95%), nhưng độ đặc hiệu thì thấp (có khi chỉ ~40%) [3], tuỳ vào quần thể nghiên cứu. Nếu độ đặc hiệu là 40%, thì điều này có nghĩa là cứ 100 người có kết quả dương tính thì 60 người không bị đông máu (tức dương tính giả).
"Chúng ta hãy đặt câu hỏi thực tế: Nếu tôi (đã chích AstraZeneca vaccine) đi làm xét nghiệm D-dimer, và nếu kết quả là dương tính, thì xác suất tôi bị đông máu là bao nhiêu?
Với độ nhạy, độ đặc hiệu, và xác suất bị đông máu như trên (2 trên 100 ngàn người), câu trả lời cho câu hỏi trên, qua phương pháp của Linh mục Thomas Bayes, là 0.0032% (32 trên 1 triệu người).
Với xác suất thấp như vậy, tôi thấy không có lí do thuyết phục để đi làm xét nghiệm D-dimer", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đưa ra lời khuyên.
Ngày 3/5, thông tin với báo chí PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Việt Nam cũng đã được cảnh báo về tác dụng phụ gây đông máu này. Việc triển khai tiêm vaccine COVID-19, chúng ta rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.
Báo Sức khoẻ và Đời sống lấy ý kiến các chuyên gia cũng cho biết: Xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm sinh hóa được dùng để xác định yếu tố nguy cơ gây cục máu đông. Nói cách khác, kết quả này chỉ nói lên bạn có nguy cơ cao có cục máu đông chứ không có ý nghĩa chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm D-dimer cũng không có khả năng chỉ ra vị trí của cục máu đông. Một số trường hợp có yếu tố nhiễm trùng, các bệnh về gan, ung thư... có thể là nguyên nhân dẫn đến nồng độ D-dimer trong máu tăng cao.
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm D-dimer cùng các xét nghiệm cận lâm sàng khác khi bệnh nhân có các triệu chứng như: Sưng phù nề chân, chân bị đổi màu, đau yếu một chân.
Ngoài ra, khi bệnh nhân có các các triệu chứng như thuyên tắc phổi, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, ho ra máu,.. cũng sẽ được chỉ định xét nghiệm D-dimer.
Bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 cũng có thể có nồng độ D-dimer trong máu cao, tuy nhiên việc thực hiện xét nghiệm cần dựa trên chỉ định của bác sĩ nếu có các yếu tố nguy cơ khác (như có tiền sử rối loạn đông máu...), các đối tượng khác không cần thiết làm xét nghiệm D-dimer khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google