"Học tập suốt đời" - cuốn sách cần có cho các "Công dân học tập"

GS.TS Phạm Tất Dong
14:48 - 31/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đọc "Học tập suốt đời" (The Lifelong Learner), tôi rất thú vị vì tính hấp dẫn của nó, đồng thời nghĩ rằng, những bạn đọc đã và sẽ đăng ký đạt danh hiệu "Công dân học tập" có thể đưa cuốn sách nhỏ này vào cẩm nang của mình, mang nó theo hành trình tri thức của các bạn.

Học tập suốt đời

Nhà Xuất bản Dân trí vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Học tập suốt đời" (The Lifelong Learner) do Tống Liên Anh và Lê Anh Thư dịch sang tiếng Việt. Tác giả cuốn sách là Peter Hollins, một nhà Tâm lý trẻ người Mỹ chuyên nghiên cứu và tư vấn về hành vi con người. 

Riêng trong lĩnh vực học tập và tự học, Hollins đã được nhiều bạn đọc biết đến qua những tác phẩm như "Làm chủ việc tự học"; "Tư duy nhạy, tiếp thu nhanh"; "Nguyên tắc kỷ luật bản thân"; "Sống kỷ luật, gặt thành công"; "Tư duy như Einstein"...

Là những người am hiểu lĩnh vực giáo dục thường xuyên và theo dõi quá trình xây dựng xã hội học tập ở nước ta, Tống Liên Anh và Lê Anh Thư đã chọn và dịch cuốn The Lifelong Learner để góp phần thúc đẩy mọi người học tập thường xuyên, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong Lễ phát động "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030" vào ngày 10/6/2023.

Dorothy Billington nói rất chí lý: "Những gì ta biết trong ngày hôm nay thì ngày hôm sau sẽ bị lỗi thời. Nếu ngừng học tập, chúng ta sẽ ngừng phát triển". Vì thế, chúng ta phải biết học tập một cách chủ động. Peter Hollins sẽ giúp chúng ta cách tạo ra những kỹ năng để tự tạo cho mình một hành trình đi cùng tri thức (The Journey being with knowledge), xây dựng cho bản thân một kho tàng tri thức mới để áp dụng có hiệu quả vào những công việc ta đang làm và sẽ làm.

Trong hơn 20 năm qua, tôi đã dành khá nhiều thì giờ để nghiên cứu vấn đề xã hội học tập ở Việt Nam, và điều này tạo ra cơ duyên học hỏi những bậc đàn anh như Jacques Delors (Pháp), Isac Amagi (Nhật Bản), Michael Manley (Jamaica), Roberto Carneiro (Bồ Đào Nha), Bronislaw Geremek (Ba Lan), Alexandra Kornhauser (Slovenia), Fay Chung (Zimbabwe)... Nhưng đọc Peter Hollins, tôi lại thấy có cái gì rất mới, rất hiện đại và rất thiết thực. Vì thế, tôi muốn nói với các bạn đọc, những người đang đi trên con đường học tập suốt đời, rằng, nên có trong cẩm nang khoa học của mình cuốn sách này.

Cuốn sách có 9 chương, trong mỗi chương, tác giả trình bày rất ngắn gọn ý tưởng của mình, qua đó, làm rõ quan điểm về cách thức học tập suốt đời của con người. Mỗi chương là một lời tư vấn bổ ích cho những người đang tìm cách tiếp cận những tri thức mới, hoặc đang suy nghĩ về mục tiêu học tập sao cho việc làm giàu kiến thức có hiệu quả nhất, hoặc cần quản lý những kiến thức và xử lý chúng như thế nào. Peter Hollins viết gọn, không làm bạn đọc phải tốn thời gian để đọc hết cuốn sách, và khi gấp cuốn sách lại, chúng ta có thể nhớ được nhiều điều cần thiết cho mình.

Ngay từ chương đầu tiên, Peter Hollins đã nêu lên một nghịch lý. Theo ông, nhiều người thường quen sống trong những điều kiện bình thường, quen thuộc cho dù nó đơn điệu như thế nào. Người ta muốn yên ổn trong một công việc hay trong những mối quan hệ đã xác lập. Cái môi trường sống đó, Peter Hollins gọi là "vùng an toàn". Vùng an toàn giống như ngôi nhà ta đang sống một cách bình yên trong đó. Ta bước vào ngôi nhà của mình và cảm thấy thật yên tâm. Song, Judith Bardwich lại đưa ra một cách nhìn khác trong cuốn "Danger in the Comfort zone" (Sự nguy hiểm trong vùng an toàn). Mới nghe ta thấy có gì đó thể hiện sự trái ngược: đã an toàn mà lại nguy hiểm! Ta thường ngại khi ra khỏi cổng ngôi nhà của mình, vì bên ngoài bức tường bao bọc ngôi nhà, ta cảm thấy sợ hãi. Song, cứ ngồi trong ngôi nhà thì ta phải bằng lòng với những gì đang có trong ngôi nhà mà thôi.

Peter Hollins lấy ý kiến của Judith Bardwich để làm phép ẩn dụ về một cuộc sống bằng lòng với vốn kiến thức đang ngày càng lão hóa và lỗi thời của mình nếu không học thêm. Kiến thức lỗi thời ấy sẽ làm tư duy của chúng ta ngày càng thêm sức ì, rồi từ đó ta sẽ dần xa lạ với xã hội bên ngoài, bị xã hội bỏ lại phía sau.

Vì thế, hãy can đảm bước vào vùng sợ hãi, mạnh dạn đi ra xa, và ta sẽ thấy một vùng có hào quang bừng sáng - Đó là "vùng học tập" (Learning zone).

Những nhà khoa học, những doanh nhân và những nhà hoạt động xã hội hơn ai hết, đều tìm mọi cách đi tới vùng học tập. Họ biết rằng, nếu muốn làm ra một sản phẩm mới, một công nghệ mới, một tư tưởng mới, họ không thể dựa vào những tri thức đã có, mà phải từ tri thức đã có để sáng tạo ra những tri thức mới, chưa từng có. Tri thức chưa từng có chính là chìa khóa để kiến tạo ra sản phẩm mới.

Để sáng tạo ra thi thức mới, điều kiện quan trọng là từ bỏ lối học hỏi giáo điều, dựa dẫm vào ý kiến người khác, học thuộc lòng kiến thức sách vở... Cần xây dựng cho bản thân năng lực tư duy phản biện trước một vấn đề được đặt ra, phân tích và đánh giá nó theo cách nhìn khác để làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề.

Peter Hollins nhắc các bạn đọc không câu nệ về kiến thức cũ trong tư duy, ông gọi đó là lối tư duy cố định (Fixed Mindset) - một lối tư duy không mang lại những giá trị mới. Chúng ta biết rằng, tư duy là quá trình vận dụng những khái niệm vào hoạt động. Bản thân khái niệm cũng vận động liên tục, và trong tư duy, những khái niệm được vận dụng phải ở trình độ cao nhất trong sự vận động của chúng. Lối tư duy ấy đối lập với Fixed mindset là tư duy tăng trưởng (Growth Mindset). Bước ra khỏi vùng an toàn, người có tư duy tăng trưởng có thể cũng vấp ngã và thất bại vào thời điểm nào đó. Nhưng với họ, sự thất bại cũng là một cơ hội để học hỏi và phát triển.

Đi vào vùng học tập, con người phải tác động vào những vấn đề cần tiếp cận, cần khai thác. Peter Hollins nói đến "siêu học tập" - một thuật ngữ do Donald Maudsley trước đây đã đưa ra. Sau này, các nhà khoa học đã thay thuật ngữ "siêu học tập" bằng "Học cách tự học". Mỗi người đều phải biết và có thói quen tự học và tạo cho mình một phong cách riêng trong tự học.

Tên cuốn sách "The Lifelong Learner" được dịch sang tiếng Việt là "Học tập suốt đời". Nhưng chúng ta có thể hiểu "Lifelong Learner" là "Người học tập suốt đời". Trong xã hội học tập, người học tập suốt đời chính là người thực hiện "hành trình tri thức" xuyên suốt các thời kỳ lứa tuổi trong cuộc đời của họ. Đây là mẫu người của một giai đoạn phát triển mới trong xã hội hiện đại, bắt đầu từ khi loài người đi vào xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức. 

Học tập suốt đời trở thành một lý thuyết hiện đại, khác về nguyên tắc so với các lý thuyết học tập khác đã từng có. Chẳng hạn, các nhà tâm lý học Xô - Viết đã từng đưa ra lý thuyết "Hoạt động" và phân chia thời kỳ lứa tuổi thành những lứa tuổi có hoạt động chủ đạo tương ứng. Chẳng hạn, chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, học là hoạt động chủ đạo của học sinh lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên, lao động là hoạt động chủ đạo của người trưởng thành... Theo lý thuyết này, học tập không phải là hoạt động được triển khai trong suốt cuộc đời. Lý thuyết "Hoạt động" đã trở nên lỗi thời khi thế giới đi vào giai đoạn xã hội học tập.

Người học tập suốt đời sẽ thực hiện "Hành trình tri thức" cho đến khi họ dừng cuộc sống. Trong hành trình đó, quan trọng là "Hành trình sáng tạo tri thức" (The Journey for creating knowledge).

Người học tập suốt đời là người "không có tuổi tác" (Perennials) trong học tập, cơ thể của họ sẽ từng bước bị lão hóa, nhưng khối lượng tri thức trong họ ngày càng tăng lên. Với phương thức tư duy tăng trưởng của mình, họ luôn là người thông thái, cống hiến mọi năng lực và tài trí của mình cho đất nước.

Theo Quyết định 677/QĐ-TTg (3/6/2022) của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đang bắt tay xây dựng mô hình "Công dân học tập" (Learning citizen) giai đoạn 2021-2030. Công dân học tập chính là người học tập suốt đời theo những tiêu chí do Nhà nước ban hành.

Đọc "The Lifelong Learner", tôi rất thú vị vì tính hấp dẫn của nó, đồng thời nghĩ rằng, những bạn đọc đã và sẽ đăng ký đạt danh hiệu "Công dân học tập" có thể đưa cuốn sách nhỏ này vào cẩm nang của mình, mang nó theo hành trình tri thức của các bạn. Vì thế, nhân đọc cuốn sách, tôi giới thiệu với các bạn đọc, nhất là những cán bộ, hội viên khuyến học ở 63 tỉnh thành cùng những bạn làm công tác giáo dục thường xuyên trong cả nước.

Hy vọng các bạn sẽ thấy ở cuốn sách những điều bổ ích cho mình.