Hạnh phúc

Đỗ Trung Lai
07:43 - 06/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sinh thời, Cụ Hồ từng nói, đại ý, có Độc lập - Tự do mà dân chưa Hạnh phúc, thì Độc lập - Tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì! Thời nay, Thủ tướng Bu-tan nói, đại ý, "Tổng hạnh phúc quốc gia" phải lớn hơn "Tổng thu nhập quốc gia", thì mới tốt!

Nghe Cụ Hồ, nghe Thủ tướng Bu-tan, tôi chợt nhớ lần cùng cố nhà thơ một thời là lính, Hoàng Nhuận Cầm, đi nói chuyện thơ ở Trường Sĩ quan Chính trị Bắc Ninh, theo lời mời của trường và Thư viện Quân đội.

Đến phần "giao lưu/ hỏi đáp trực tiếp", về cả các vấn đề ngoài thơ, một học viên sĩ quan đứng lên hỏi tôi : "Thưa nhà thơ! Hiện chúng cháu đang là các học viên. Khi ra trường, chúng cháu sẽ là các chính trị viên đại đội, tiểu đoàn; rồi sẽ là các chính ủy trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, quân - binh chủng, quân khu... Tóm lại, nền chính trị tương lai sẽ nằm trong tay chúng cháu. Khi ấy, bác khuyên chúng cháu phải làm gì?".

Trời! Câu hỏi sao mà to? Sao mà trang nghiêm?

Thời gian có hạn, không thể nghĩ lâu. Tôi bảo: "Trước khi trả lời, cho tôi được hỏi lại bạn hai câu! Một là, nước ta, từ khi Cụ Hồ lập ra đến nay, có mấy quốc hiệu?". 

Người học viên ấy đáp: "Dạ! Có hai quốc hiệu. Đó là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" và ""Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" ạ!". 

"Hoàn toàn đúng" - tôi nói – "Câu hỏi thứ hai là: Vì sao dòng đầu có thể thay đổi mà dòng sau lại được giữ nguyên?". 

Dạ! Cháu không biết ạ!" - người học viên ấy bẽn lẽn nói.

Tôi bèn dẫn lời Cụ Hồ và nói tiếp: "Cụ Hồ, đảng ta, dân ta, quân ta hợp sức lại mấy chục năm, nước ta mới thoát ách đô hộ của ngoại bang, mới có Độc lập - Tự do về chính trị / hành chính. Việc đầu tiên của các "chính trị viên", "chính ủy" tương lai là cùng cả nước giữ vững cái thành quả mà cha anh vừa đạt được, tức là giữ vững nền Độc lập, khí Tự do ấy trước thù trong giặc ngoài. Rồi ngày ngày, phải nghĩ cách làm cho dân ta được Hạnh phúc! Vì, nếu dân chưa Hạnh phúc, thì Độc lập - Tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì, như Cụ Hồ đã dạy. Nếu không, ta chỉ mới có "phương tiện" (Độc lập - Tự do) mà chưa đạt "mục đích" (Hạnh phúc)!".

(Có lẽ giờ phải nói thêm, "Tự do" gắn chặt với "Hạnh phúc" hơn là gắn với "Độc lập").

Giá mà có thì giờ và người học viên ấy hỏi tiếp, "Thế nào là dân Hạnh phúc?", thì tôi sẽ nói, "Thiếu cơm ăn áo mặc, không được học hành" là dân ta chưa Hạnh phúc! Nên Cụ mới mong ước suốt đời, làm cho dân ta "Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". 

Rượu, thuốc phiện tràn lan; thuế khóa nhiều quá, lại bị đánh cả thứ thuế bất nhân nhất là "Thuế thân", thì dân ta chưa Hạnh phúc! Nên Cụ mới viết "Bản án chế độ thực dân Pháp" mà gửi tới Hội nghị Véc - say ngày trước. 

Cán bộ còn "hành" dân là dân chưa Hạnh phúc! Nên Cụ mới dạy, cán bộ phải là "Nô bộc" của nhân dân, chứ không phải là các "Ông quan cách mạng"! Rồi dân còn suốt ngày lo về thực phẩm "bẩn"/ "sạch", thanh niên thiếu việc làm, trẻ em thiếu trường học tốt, đô thị thiếu không gian xanh, thiếu nước sạch.v.v..., thì dân còn chưa Hạnh phúc!

Hạnh phúc- Ảnh 1.

Một bức tranh về Hạnh phúc. Nguồn: i.pinimg.com

Hôm ấy, tôi chỉ đủ thời gian để nói thêm rằng, cái câu "Nền chính trị tương lai sẽ nằm trong tay chúng cháu" trong câu hỏi của người học viên ấy không đúng! Nhà nước nào cũng là Nhà nước "Của dân, vì dân, do dân", nên "Nền chính trị" ta, kể cả ở "tương lai", không nằm trong tay một nhóm, một lớp người nào. "Nền chính trị" ấy luôn nằm trong tay nhân dân. 

Nguyễn Trãi viết: "Chở thuyền, lật thuyền cũng là dân"! Ta cũng biết: "Mất lòng dân là mất tất cả!". Mà dân, thì cần nhất là Hạnh phúc như vừa nói, và "Tăng trưởng Hạnh phúc" nhất định phải đi cùng, đi trước "Tăng trưởng kinh tế" thì mới tốt. Nghe qua tưởng mới, nhưng thiếu gì "quốc" và "gia" giàu có của cải mà đã Hạnh phúc đâu?

Qua những dòng này, tôi muốn "nói thêm" với người học viên hôm ấy rằng, thực tình, những điều vừa nói cũng chỉ là lời trong những "Giáo khoa thư", những "Tam tự kinh" chính trị ấy mà!

Nhưng, cứ lúc nào quên, là hỏng việc!