Lý Xương Căn: Đường cao tốc nhìn từ Hàn Quốc

Trần Quang Quý
12:04 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2000, qua Ban liên lạc dòng họ Lý, tôi gặp Lý Xương Căn (Lee Chang Kun) ở Hà Nội.

Lý Xương Căn: Đường cao tốc nhìn từ Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ông Lý Xương Căn diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTVH/TTXVN

Trước đó, đến Seul tôi nhờ Tham tán văn hóa sứ quán ta đưa đi tìm ông nhưng thấy nhà khóa cửa. Ông Lý là chi trưởng họ Lý, hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, đời thứ 26 của Hoàng tử Lý Long Tường, sống ở Seul. 

Sự kiện sau những 800 năm, người con dòng họ Lý về Việt Nam vào tháng 5/1993 nhận Tổ tiên và bái đường tại nhà thờ thờ dòng họ tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, có lẽ là câu chuyện như huyền thoại của con cháu hoàng tử Lý Long Tường sang xứ Cao Ly. Vì vậy tôi muốn viết một bài ký về dòng họ Lý ở Hàn Quốc.

Lần gặp này, Lý Xương Căn dẫn một đoàn các doanh nhân sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn. Họ cũng giới thiệu một một chế phẩm đặc biệt mà chỉ cần trộn với đất làm mặt đường đông cứng như bê tông. Có thể dùng làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, kênh mương, bờ thửa… 

Sau nhiều câu chuyện, tôi hỏi ông: "Điều gì làm kinh tế phát triển nhanh thế?". Ông trả lời ngay: "Đường cao tốc". Ông kể, thập niên 60, sau chiến tranh liên Triều, kinh tế Hàn Quốc còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng, đường giao thông vô cùng lạc hậu, xập xệ. 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình đường bộ được công bố vào năm 1966, bình quân độ dài đường trên đầu người ở Hàn Quốc chỉ là 1,1m, trong khi ở Mỹ là 31,5m và Nhật Bản là 10,2m. Ngoài ra, diện tích đường được lát chỉ chiếm 5,1% toàn bộ diện tích đường nói chung. 

Tình trạng này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một tuyến đường cao tốc mới.

Vì thế, thời đó người Hàn vẫn gọi Sài Gòn là "Viên ngọc viễn đông", là "Anh hai". Nhưng vào năm 1967, Cố tổng thống Park Chung Hee rất quyết tâm xây dựng tuyến đường cao tốc đầu tiên, cao tốc Gyeongbu dài 428 km, nối thủ đô Seoul và thành phố Busan; thông toàn tuyến lãnh thổ Hàn Quốc từ Bắc vào Nam, sau khi đi thăm hệ thống đường cao tốc Autobbahn của Tây Đức mà ông vô cùng ấn tượng. 

Điều mà Lý Xương Căn bảo, có thể nói người Hàn Quốc đã "thắt lưng buộc bụng" để tập trung lực lượng làm cao tốc này. 

Tuy nhiên, ngay từ đầu dư luận nghi ngờ, phản đối, đặc biệt là đảng đối lập đã chỉ trích kế hoạch này của chính phủ. Chủ yếu xoay quanh chuyện tiền ở đâu, khi tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bình quân đầu người chỉ vào khoảng 142 USD lại cần đường cao tốc làm gì? Trước mắt nên dùng đồng tiền để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nông thủy sản một cách ổn định cho người dân… 

Nhưng Tổng thống Park quyết đoán và tự tin, ông đưa kế hoạch này vào cuộc tranh cử của ông. Và cuối cùng, Hàn Quốc đã tập trung lực lượng từ người dân, đến binh lính, các cán bộ kỹ thuật… với sự tham gia của 16 công ty xây dựng hàng đầu. Mọi việc chủ yếu làm bằng tay, do lúc đó chưa có các thiết bị kỹ thuật cao như sau này. 

Và con đường được khởi công từ ngày 1/2/1968, đến ngày 7 tháng 7 năm 1970, tuyến đường cao tốc chính thức được khai thông, sau hơn hai năm. Nhờ vậy kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng.

Sự phát triển của mạng lưới giao thông Hàn Quốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp vận tải và ô tô. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường cao tốc cũng giúp tích lũy thêm kinh nghiệm cho ngành công nghiệp xây dựng của đất nước này, và biết cách sử dụng đất đai lãnh thổ một cách hiệu quả. Nó còn giúp phát triển các khu công nghiệp, qua đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, nền tảng của kinh tế. 

Việc hoàn thành công trình xây dựng đường cao tốc còn cổ vũ, khích lệ tinh thần nhân dân, thay đổi được ý thức từ chỗ nghi ngờ, do dự chuyển sang quyết tâm và tự tin "Chúng ta có thể làm được". Và đây cũng chính là điểm mấu chốt giúp cho Hàn Quốc đạt được sự phát triển thần kỳ, trở thành nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới, một điều mà trước đây người dân của đất nước này cũng khó có thể tưởng tượng nổi.

Thời điểm Lý Xương Căn nói chuyện về đường cao tốc, Việt Nam chưa có mét cao tốc nào, nghĩa là đi sau Hàn Quốc hơn 30 năm, khi hoàn cảnh hạ tầng giao thông hai nước khá tương đồng. 

Có lẽ những năm 90 Lý Xương Căn về Việt Nam, ông đã tận kiến nền kinh tế cố hương khó khăn, nghèo nàn thế nào và hệ thống giao thông lạc hậu, những con đường ổ voi, ổ gà liên tục phải vá víu như manh áo đụp. Nên không phải ngẫu nhiên khi hỏi ông về kinh tế Hàn Quốc, ông nói ngay vai trò đường cao tốc. 

Không phải ngẫu nhiên khi hỏi ông về kinh tế Hàn Quốc, ông nói ngay vai trò đường cao tốc.

Mãi vài năm gần đây báo chí Việt Nam mới khai thác các thông tin làm đường cao tốc Gyeongbu - kỳ tích của người Hàn một cách khá chi tiết, và hiệu quả của nó; những điều mà Hàn Quốc coi là biểu tượng và ý chí của dân tộc mình, để ngụ ý làm bài học cho Việt Nam phát triển. 

Tất nhiên, giờ thì Việt Nam đã có mục tiêu chiến lược quan trọng để cất cánh: Đường cao tốc xuyên Bắc - Nam đang thực hiện, và mới nhất Quốc hội đã phê chuẩn đường vành đai 4 Hà Nội, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Nha Trang - Buôn Mê Thuột, Đồng Nai - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với cơ chế đặc thù, quyết liệt và năm hoàn thành. 

Những hy vọng về cố hương phát triển của Lý Xương Căn thật đáng trân trọng.