Lan toả sứ mệnh vì toàn dân học tập!

Nguyễn Hoài Bắc- Việt kiều
16:20 - 30/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ tôn chỉ, mục đích và tâm nguyện phụng sự của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, kế thừa tinh thần hiếu học, tinh thần khuyến học của người Việt Nam, tôi tin tưởng rằng Tạp chí Công dân và Khuyến học sẽ trở thành người bạn đồng hành tin cậy của công dân Việt Nam trên hành trình học tập để vươn ra thế giới.

Việt Nam cũng như thế giới luôn vận động không ngừng nghỉ tiến về phía trước để thay đổi cuộc sống của mỗi công dân và cộng đồng xã hội. Muốn thay đổi, muốn làm tốt và làm đẹp cho cuộc sống  thì mỗi công dân phải được học và tự học không ngừng nghỉ để luôn "cập nhật" kiến thức, trang bị kỹ năng. Một đất nước muốn phát triền thì phải có một nền giáo dục tốt, phải có một xã hội là xã hội học tập. Đó là yêu cầu, là đòi hỏi cấp thiết và lâu dài đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vì vậy khuyến học không còn là chuyện của ngành giáo dục mà là của cả xã hội, của các cấp chính quyền, các tổ chức, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, dòng họ, gia đình…

 Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết ấy, năm 1996 Chính phủ đã cho thành lập Hội Khuyến học Việt Nam với chức năng nhiệm vụ là tổ chức, vận động toàn dân học tập. Sứ mệnh của Hội là "Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập".

Cần phải nhấn mạnh rằng, trách nhiệm đào tạo, giáo dục không chỉ là trách nhiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo hay Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Bởi lẽ, sau khi tốt nghiệp các trường lớp do hai bộ này quản lý thì  mỗi công dân chúng ta vẫn phải tiếp tục học tập, rèn luyện để nâng cao hiểu biết, bồi đắp kiến thức, tiếp cận với những cái mới của khoa học kỹ thuật tiến bộ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão thì mỗi công dân vẫn phải học tập không ngừng nghỉ mới đáp ứng được yêu cầu  làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội, đặc biệt là Hội Khuyến học Việt Nam các cấp, có trách nhiệm và nghĩa vụ phải làm công tác khuyến học, để làm sao mỗi công dân được hưởng quyền được học, quyền tự học. Cũng cần nhớ rằng đây là những quyền cơ bản của công dân được pháp luật nước ta bảo vệ!

Hội khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội có vị thế và nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao nên Nhà nước đã rất quan tâm  lựa chọn người đứng đầu Hội. Đó là những nhà lãnh đạo cao cấp, là trí thức, nhà khoa học có uy tín, có nhiệt huyết và có tâm cống hiến, phụng sự cho sự nghiệp khuyến học của nước nhà. Tôi được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam. Các vị Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam qua các thời kỳ, gồm: GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, ông Vũ Oanh – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; và đương kim Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam là GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Khuyến học Việt Nam là lan toả và truyền tải những thông điệp quan trọng, những chương trình về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến khắp vùng miền trên cả nước. Muốn như vậy Hội Khuyến học Việt Nam từ nhiều năm trước đã thành lập cơ quan ngôn luận của mình, đó là báo điện tử Dân trí. Nhưng hai năm trước báo Dân trí khi thực hiện Quy hoạch báo chí của Chính phủ đã được chuyển về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Do đó, để tiếp nối nhiệm vụ truyền thông phục vụ sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ngày 1/3/2022 Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đã ký quyết định thành lập Tạp chí Công dân và Khuyến học theo giấy phép số 114/GP-BTTTT ngày 25/2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Lan toả sứ mệnh vì toàn dân học tập! - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Hoài Bắc tặng hoa chúc mừng Tạp chí Công dân và Khuyến học

Ngày 29/06/2022, tôi có đến thăm và chúc mừng Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học. Toà soạn khang trang, thiết bị nghe nhìn và các phương tiện phục vụ tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tương đối ổn, còn nhân lực của tạp chí rất nhiệt huyết. Tất nhiên,Tạp chí điện tử mới được thành lập sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi tin rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam mà đứng đầu là GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước, và sự quyết tâm của đội ngũ nhân sự Tạp chí Công dân và Khuyến học hiện nay luôn có tâm nguyện phụng sự, sẽ vượt qua khó khăn, tiến về phía trước, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc ngày càng khắt khe trong thời kỳ cách mạng 4.0. Và  thêm nữa, niềm tin của các hội viên khuyến học, của công dân, của cộng đồng xã hội đang học tập không ngừng nghỉ để nâng cao dân trí, luôn dành cho cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam, là nguồn động viên để Tạp chí vững bước đi lên.

Lan toả sứ mệnh vì toàn dân học tập! - Ảnh 2.

Nhân sự Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học là những người nhiệt huyết với tâm nguyện phụng sự

Chúng ta phải nhận thức rằng: xã hội học tập là một xã hội mà trong đó mọi công dân có nhu cầu và có quyền học tập đều được đáp ứng. Trong xã hội học tập, ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố rất quan trọng.

 Tôi không bàn đến các trường lớp của hệ thống giáo dục Việt Nam mà chỉ muốn nói đến công tác khuyến học ở Việt Nam hiện nay. Trên thực tế chúng ta thấy công tác khuyến học, phong trào khuyến học đã và đang phát triển mạnh mẽ ở cả 2 chiều lan tỏa. Chiều lan tỏa trên xuống: từ chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đến hoạt động của các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; từ Hội Khuyến học ở Trung ương đến Hội Khuyến học tỉnh, thành, quận, huyện, làng xã; từ cơ quan nhà nước đến dòng họ, gia đình…Đâu đâu  cũng làm công tác khuyến học, phát động phong trào khuyến học. Ở đó, ai ai cũng muốn có những phần thưởng xứng đáng cho con cháu mình khi các cháu đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện, nâng đỡ, động viên các cháu nhà nghèo vươn lên học tập. Và chiều lan tỏa dưới lên: khuyến học đã lan toả  từ gia đình, dòng họ, đến  thôn, xã, khu phố, phường; từ quận, huyện, tỉnh, thành đến bộ, ngành trung ương.... Ở các cấp đó đều có hội, chi hội khuyến học, mà những người nhận lãnh trách nhiệm không cần hưởng lương, không cần phụ cấp của ngân sách nhà nước, nhưng họ làm việc siêng năng, làm hết lòng vì tương lai của con em, của dòng tộc và rộng hơn là vì đất nước.

Từ  Điều lệ và từ sứ mệnh của Hội khuyến học Việt Nam, từ tôn chỉ, mục đích và tâm nguyện phụng sự của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, kế thừa tinh thần hiếu học, tinh thần khuyến học của người Việt Nam, tôi tin tưởng rằng Tạp chí sẽ trở thành người bạn đồng hành tin cậy của công dân Việt Nam trên hành trình học tập để vươn ra thế giới.

Hà Nội, ngày 30/06/2022.

NHB