Hà Nội: Xử phạt 12 bếp ăn trường học vi phạm an toàn thực phẩm
Hà Nội đã xử phạt 12 bếp ăn tập thể trường học 241,5 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và nhắc nhở tại chỗ 198 cơ sở.
Hơn 90% bếp ăn trường học đạt điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 2 năm 2022-2023, Hà Nội đã triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 214 trường trên địa bàn 10 quận, huyện của thành phố gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Hà Nội đã tổ chức 3 đợt giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 31 bếp ăn trường tiểu học và 24 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu tại 5 quận, 5 huyện triển khai mô hình.
Kết quả, về điều kiện cơ sở vật chất có 28/31 (90,3%) bếp ăn đạt; 3 bếp còn một số tồn tại như khu vực kho sắp xếp lộn xộn, cơ sở vật chất xuống cấp, chế độ vệ sinh chưa bảo đảm, thùng rác chưa có nắp đậy…
Đồng thời, có 5/24 (20,8%) cơ sở cung cấp nguyên liệu có nguồn gốc thực phẩm chỉ được thể hiện trên hóa đơn, chứng từ, chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt.
Rà soát quy trình chế biến thực phẩm ở bếp ăn trường học
Cơ quan chức năng Hà Nội đã lấy 220 mẫu để xét nghiệm. Kết quả có 16 mẫu nhiễm vi khuẩn; trong đó 1 mẫu nước chế biến nhiễm vi khuẩn Coliforms (một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đường ruột) vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế.
Theo đại diện của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ngay sau khi phát hiện các mẫu nhiễm vi khuẩn tại các bếp ăn tập thể, cơ quan chức năng của thành phố đã yêu cầu nhà trường tổng vệ sinh toàn bộ khu vực bếp, vệ sinh môi trường và bể chứa nước; đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình chế biến thực phẩm, chủ động lấy mẫu xét nghiệm lại đến khi đạt, mới đưa vào sử dụng.
Cùng với các đoàn kiểm tra, giám sát của thành phố, các đoàn kiểm tra của quận, huyện cũng kiểm tra 100% bếp ăn tập thể của 214 trường tiểu học.
Kết quả, có 202/214 (94,4%) bếp ăn đạt điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, tăng 9,4% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm 241,5 triệu đồng đối với 12 bếp ăn, nhắc nhở tại chỗ 198 cơ sở.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là để thực phẩm sát nền nhà; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát đột xuất cơ sở cung cấp nguyên liệu; không lưu giữ đầy đủ các phiếu giao nhận hàng hóa hàng ngày và thực hiện tự truy xuất nguồn gốc thực phẩm đến tận các cơ sở nuôi trồng, giết mổ…
Người đứng đầu đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề an toàn thực phẩm, đồng thời để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học có hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặc biệt nhấn mạnh việc người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó bảo đảm các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn tại các trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhất là ngành y tế, giáo dục, phối hợp với các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ sở y tế trong giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm từ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận thực phẩm, kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn.
Phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng (công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường...), chú ý về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.
Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, đặc biệt là ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ sở y tế để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng; biểu dương các cơ sở bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Huy động sự tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, công đoàn trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên tại nhà trường, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu nghiệp, khu chế xuất, các bệnh viện, trường học.
Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị; xử lý, kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google