Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi

Hồng Ngọc
12:08 - 01/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố đã xảy ra những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ ngoài cổng trường. Các bậc phụ huynh, học sinh cần cảnh giác với các sản phẩm đồ ăn, thức uống... trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 1.

Một số loại kẹo lạ không rõ nguồn gốc xuất xứ bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Nhiều học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ

Liên quan đến thông tin phản ánh có một số học sinh trên địa bàn Hà Nội biểu hiện ngộ độc nghi do ăn kẹo có xuất xứ không rõ ràng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xác minh.

Kết quả cho thấy, 11 học sinh Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm) có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn khi ăn cùng một loại kẹo không rõ nguồn gốc, bao bì in chữ nước ngoài.

Theo báo cáo của Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Quý Đức, vào hồi 13 giờ 40 phút ngày 29/11, Phòng Y tế nhà trường tiếp nhận 11 học sinh có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn. Đây là những học sinh không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường. Qua tìm hiểu, những học sinh này cho biết, trên đường đến trường, các em mua một loại kẹo vỏ màu xanh, in chữ nước ngoài và cùng chia nhau ăn. Sau khi ăn xong khoảng 45 phút, các em thấy mệt, đau đầu, buồn nôn.

Sau khi được đưa tới Trạm Y tế khám và theo dõi, sức khỏe 11 học sinh này đã ổn định. Nhà trường cử nhân viên y tế đi kiểm tra các lớp để nắm bắt, rà soát học sinh ăn loại kẹo nói trên, yêu cầu các em không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; đồng thời thông báo tới cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở con lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 2.

Học sinh cần nâng cao cảnh giác với các loại kẹo lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ bán ngoài cổng trường. Ảnh minh họa

Ủy ban nhân dân phường Đại Mỗ đã có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm, đồng thời chỉ đạo Công an phường đến cửa hàng tại số 19/8 Quang Tiến kiểm tra. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 66 gói nylon màu xanh có hình gấu, quả đào, dâu tây, coca, ô mai, bên ngoài bao bì có nhãn hiệu nước ngoài. Công an phường Đại Mỗ đang chờ trưng cầu giám định. Ủy ban nhân dân phường Đại Mỗ chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng, không bảo đảm vệ sinh.

Cũng liên quan đến kẹo lạ, ngày 29/11, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm với trên 20 em học sinh Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Hoành Mô do ăn một loại kẹo có chữ nước ngoài, được mua ở gần cổng trường học.

Đến sáng 29/11, Đội Quản lý Thị trường cùng với Công an huyện đã làm việc với nhà trường, xác minh thêm thông tin để truy xuất nguồn gốc của hàng hóa; đồng thời, hướng dẫn nhà trường gửi mẫu kiểm định chất lượng.

Lực lượng chức năng cùng nhà trường đã trao đổi thống nhất cách xử lý tình huống và yêu cầu rà soát hàng hóa được bán gần các trường học; phổ biến để các trường học tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh không mua, sử dụng các loại kẹo không rõ nguồn gốc chất lượng.

Tại Hải Phòng, Trường Trung học cơ sở Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền) cũng xảy ra sự việc học sinh nhà trường bị ngộ độc do ăn kẹo ngoài cổng trường.

Theo đó, có 3 phụ huynh phản ánh việc ngày 25/11, con họ bị đau bụng sau khi ăn kẹo do bạn mua ngoài cổng trường. Các gia đình sau đó cũng đưa con đến bệnh viện kiểm tra vì có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên không bị ảnh hưởng gì lớn và được cho về luôn.

Giáo viên chủ nhiệm cũng đã kiểm tra các học sinh khác trong lớp và được biết trước đó cũng có một số học sinh khác đã ăn loại kẹo đó và có biểu hiện đau bụng.

Ngày 28/11, đoàn kiểm tra phường Vạn Mỹ gồm đại diện Công an phường, Trạm Y tế phường vào ngõ trường kiểm tra các hàng quán gần trường nhưng không tìm thấy loại kẹo như học sinh báo. Chủ hàng trao đổi trước đó có bán nhưng thấy cảnh báo trên mạng nên không bán nữa.

Trước đó, ngày 25/11, Trường Trung học Cơ sở thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cũng xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Có 126 em học sinh ăn kẹo lạ mua ở cổng trường, trong đó 5 em có biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở.

Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn và các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi, xác minh làm rõ vụ việc. Đồng thời, báo cáo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân huyện Vân đồn xem xét, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Thị trấn Cái Rồng đã lập biên bản, niêm phong, tạm giữ toàn bộ số kẹo trên tại cơ sở kinh doanh ở khu 3, thị trấn Cái Rồng.

Phòng Y tế cũng sẽ phối hợp với Trường Trung học cơ sở Thị trấn Cái Rồng tư vấn, thông báo cho các giáo viên trong nhà trường giám sát, phổ biến cho học sinh nếu có biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trường học

Sau vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, tối 30/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã chỉ đạo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị, trường học trực thuộc yêu cầu tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả bậc phụ huynh và học sinh không mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời phổ biến tới cha mẹ học sinh về việc cần lưu tâm, tăng cường quản lý tình hình học tập, chuyên cần của con.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị, các đơn vị, trường học chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phát hiện cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không nguồn gốc và báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngay trong tối 30/11, nhiều trường học trên địa bàn thành phố phát thông báo, gửi tin nhắn đến toàn thể cha mẹ học sinh ở các lớp để cảnh báo. Theo đó, các trường đều yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến tới tất cả cha mẹ học sinh về sự xuất hiện của một loại kẹo có vỏ in chữ nước ngoài và không có nhãn chú thích bằng tiếng Việt. Các thông tin cảnh báo về sự ảnh hưởng của loại kẹo này cũng được các trường lưu ý với phụ huynh.

Làm rõ thông tin một số sản phẩm kẹo chứa chất ma túy

Trong một diễn biến liên quan, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tin nhắn nhóm Zalo có tên gọi "Khoa B8 BV105" với nội dung: "Nhà mình nhắc bọn trẻ ko được ăn và mua kẹo này nhé. Viện 105 xét nghiệm có dương tính với ma túy tổng hợp. Trên Sơn Tây đã xuất hiện người lạ đến cổng trường chia kẹo cho học sinh tan học".

Công an thành phố Hà Nội khẳng định, đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin nói trên, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an thị xã Sơn Tây khẩn trương rà soát địa bàn, làm việc với Bệnh viện quân y 105 để làm rõ sự việc.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 5.

Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Bước đầu xác định: Bệnh viện 105 chỉ tiến hành xét nghiệm ma túy qua nước tiểu và máu, không tiến hành xét nghiệm ma túy qua mẫu thử khác và không xét nghiệm ma túy đối với loại kẹo nào cho kết quả dương tính với ma túy tổng hợp như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội. Tại một trường học trên thị xã Sơn Tây, có ghi nhận một số học sinh bị đau bụng sau khi cùng sử dụng một loại kẹo có vị hoa quả mua online trên mạng xã hội; chưa phát hiện việc phát kẹo cho học sinh tại cổng trường.

Cũng liên quan đến thông tin lan truyền về kẹo có chứa chất ma túy khiến một số học sinh tại Lạng Sơn đau bụng, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành xác minh, làm rõ.

Trong ngày 30/11, Công an thành phố Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh bán hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố, phát hiện, thu giữ một số loại kẹo không có chữ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và phối hợp với Viện khoa học hình sự - Bộ Công an lấy các mẫu kẹo trên để giám định. Kết quả, xác định các mẫu trên không chứa chất ma túy.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo, đây là các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các nhà trường, các bậc phụ huynh cần quản lý tốt con em mình, hạn chế sử dụng các sản phẩm tương tự.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện nhiều sản phẩm đồ ăn, thức uống... có chứa chất ma túy len lỏi vào môi trường học đường với những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi.

Loại tội phạm này đang diễn biến phức tạp, khó lường, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra. Các bậc phụ huynh, học sinh cần cảnh giác với một số dạng ma túy đội lốt thực phẩm này.

Tuy nhiên, Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, clip chưa được xác thực; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị Nhà trường và phụ huynh học sinh tuyên tuyền, phổ biến cho con em không mua bán, sử dụng các loại kẹo, đồ ăn uống không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân khi sử dụng.

Nhận biết các loại ma túy ngụy trang thực phẩm, đồ uống

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thời gian qua, thú chơi những loại ma túy như: "nước vui", đông trùng, nước xoài, kẹo… đã rộ lên tại một số thành phố lớn. Bản chất của những sản phẩm mang tên gọi như một loại thực phẩm nói trên là ma túy tổng hợp. Các loại ma túy này được ngụy trang dưới những tên gọi khác nhau để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Ma túy "núp bóng" thường được đựng trong các gói trà, bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango hoặc "nước dâu", "nước vui", cà phê "White Coffe", "CHALI"...; được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar,… Các đối tượng cũng bán tại các cơ sở giáo dục, các trường học nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy.

Một số loại ma túy ngụy trang thực phẩm, đồ uống:

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 6.

Ma túy “nước vui” có thành phần Methamphetamine, Ketamine…tồn tại dưới dạng lỏng, được đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 7.

“Bánh lười” – bánh có vị chocolate và nho khô, tẩm cần sa, có khả năng làm người sử dụng chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ và cười.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 8.

Ma túy được ngụy trang dưới dạng gói kẹo có chứa cần sa.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 9.

Kẹo mút chứa ma túy.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 10.

Hay ma túy trong "vỏ bọc" socola mang từ nước ngoài về Việt Nam.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 11.

Ma túy Methamphetamine, MDMD, Nimetazepam “núp bóng” trong các gói trà thảo mộc CHALI.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 12.

Ma túy “trà sữa” là một trong những hình thức biến tướng của ma túy tổng hợp.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 13.

“Ma túy tem giấy” hay “Bùa lưỡi” chính là một Alcaloid được Albert Hofmanne chiết xuất từ một loại nấm từ năm 1938.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 14.

Ma túy giả dạng nước xoài.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 15.

Nước nho giả dạng ma túy.

Từ những vụ học sinh ngộ độc nghi do ăn kẹo lạ, nâng cao cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống trôi nổi- Ảnh 16.

Ma túy nước dâu.

Lực lượng Công an đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Đồng thời, các phụ huynh cần chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình trong các độ tuổi thanh, thiếu niên không tham gia tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, không sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc hoặc chưa được chính quyền cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Thường xuyên quan tâm đến những biểu hiện về tâm sinh lý của con em mình, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về giờ giấc sinh hoạt, tâm sinh lý để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn nếu nhận thấy các em có sử dụng các thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc.


Nguồn: TTXVN, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, An ninh Thủ đô
Bình luận của bạn

Bình luận