Giáo viên phải bồi dưỡng chứng chỉ dạy tích hợp với kinh phí ra sao?
Việc dạy và học các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở lại tiếp tục nóng lên trước thềm năm học mới. Những bất cập về dạy và học tích hợp vẫn là thách thức không nhỏ trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Những ai phải bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp?
Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở cấp trung học cơ sở, ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về 2 môn tích hợp như sau: "Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên".
Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục đã ban hành 2 Quyết định: Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí.
Đến nay, các địa phương đều đã điều động một bộ phận giáo viên đi học bồi dưỡng để về dạy 2 môn học mới. Bên cạnh đó, nhiều trường sư phạm đã tuyển sinh, đào tạo 2 chuyên ngành này. Kết thúc năm học 2022-2023 đã có khóa sinh viên sư phạm tích hợp đầu tiên ra trường.
Theo hướng dẫn của Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021, việc bồi dưỡng môn khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở sẽ có 2 đối tượng là A và B. Đối tượng A: đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đơn ngành sư phạm hoặc cử nhân Vật lí, sư phạm Hóa học, sư phạm Sinh học hoặc các ngành sư phạm hoặc cử nhân song môn trong có 1 môn là Vật lí hoặc Hóa học hoặc Sinh học (Toán học - Vật lí, Vật lí – Kỹ thuật công nghiệp, Toán học - Hóa học, Sinh học – Thể dục thể thao...).
Đối tượng A bồi dưỡng tối thiểu là 36 tín chỉ. Đối tượng B đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng các ngành sư phạm hoặc cử nhân: Vật lí - Hóa học, Hóa học - Sinh học, Sinh học - Hóa học. Đối tượng B bồi dưỡng tối thiểu là 20 tín chỉ.
Theo Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT, đối tượng bồi dưỡng môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở bao gồm 6 đối tượng:
1. Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành sư phạm Lịch sử hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Lịch sử.
2. Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành sư phạm Địa lí hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Địa lí.
3. Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng sư phạm đang học ngành sư phạm Lịch sử, hoặc các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Lịch sử.
4. Sinh viên năm cuối các trường cao đẳng sư phạm đang học ngành sư phạm Địa lí, hoặc các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Địa lí.
5. Giáo viên đang giảng dạy môn Lịch sử, Địa lí đã tốt nghiệp ở các trường đại học khác mà không có bằng cử nhân sư phạm.
6. Giáo viên được đào tạo chuyên môn khác có nhu cầu dạy Lịch sử, Địa lí hoặc sẽ được phân công dạy Lịch sử, Địa lí.
Tổng khối lượng kiến thức tối thiểu là 20 tín chỉ.
Theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí sẽ có 2 phương án học tập. Phương án 1: Học tập trung, liên tục (có thể học vào kỳ nghỉ hè hoặc mỗi tháng một đợt từ 3 đến 4 ngày cuối tuần). Phương án 2: Theo hình thức tích lũy tín chỉ. Người học hoàn thành chương trình bồi dưỡng sau khi tích lũy đủ số tín chỉ qui định.
Như vậy, trừ những sinh viên mới được đào tạo gần đây ở 2 chuyên ngành Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí thì tất cả giáo viên, sinh viên đã và sẽ dạy môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí ở cấp Trung học cơ sở nếu tốt nghiệp các ngành học Lịch sử; Địa lí; Vật lí; Hóa học; Sinh học hoặc song ngành đều phải bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp. Bởi vì, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT đều có câu hướng dẫn: "Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí".
Chi phí cho việc bồi dưỡng 2 môn tích hợp hiện nay như thế nào?
Theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 hướng dẫn kinh phí bồi dưỡng từ các nguồn: Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng góp.
Những năm qua, các trường sư phạm mở lớp bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp thông báo về các nhà trường với mức kinh phí đào tạo là 150.000/ 1 tín chỉ. Vì thế, để bồi dưỡng cho giáo viên hiện tại, và sinh viên sư phạm sẽ có mức tiền học phí tương ứng từ 3.000.000- 5.400.000 đồng/ chứng chỉ.
Hiện tại, đối với các trường trung học cơ sở công lập, kinh phí bồi dưỡng cho những lớp đầu tiên do ngân sách địa phương chi trả. Cả nước, giáo viên các môn Lịch sử, Địa lí, Sinh học, Vật lí, Hóa học có đến hàng trăm ngàn giáo viên, khi bồi dưỡng xong các đối tượng này, nếu tất cả kinh phí đều do ngân sách địa phương phải chi trả sẽ là khá lớn. Bên cạnh đó, việc đi học bồi dưỡng trong một quãng thời gian dài thì giáo viên cũng phải chi phí khá nhiều cho việc ăn uống, đi lại và các loại quỹ lớp.
Những sinh viên đã, đang, sẽ học 2 chuyên ngành: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí ở các trường đại học sẽ được nhà nước hỗ trợ sinh hoạt phí mỗi tháng 3,63 triệu đồng/tháng để trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mỗi năm học 10 tháng.
Tuy nhiên, với tình hình nhân sự hiện tại ở các nhà trường, sinh viên sư phạm 2 môn tích hợp trong những năm tới đây cũng không phải dễ dàng ra trường là có việc ngay vì đội ngũ hiện tại đã và đang được bồi dưỡng theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT nên 2 môn học này nguồn nhân lực hiện thiếu không đáng kể.
Kinh phí khổng lồ cho việc tích hợp môn mờ nhạt, không hiệu quả
Việc gộp 5 môn học độc lập của chương trình 2006 thành 2 môn tích hợp ở chương trình 2018 đối với cấp trung học cơ sở đã và đang gây ra rất nhiều xáo trộn và đi kèm với nó là nguồn lực tài chính phải đầu tư cho 2 môn học này rất lớn.
Môn khoa học tự nhiên được viết theo từng mạch nội dung chương trình của từng chủ đề Sinh học, Vật lí và Hóa học. Đối với môn Lịch sử và Địa lí được các tác giả sách giáo khoa viết theo 2 phần hoàn toàn riêng biệt. Mỗi cuốn sách giáo khoa 2 môn tích hợp này có từ 10-15 tác giả biên soạn theo từng phân môn riêng.
Tuy nhiên, với nguồn nhân lực hiện có đi bồi dưỡng 20-36 tín chỉ để về dạy thêm 1-2 phân môn của 2 môn tích hợp vẫn rất khó có chất lượng. Hơn nữa, sách giáo khoa tích hợp đang được biên soạn riêng lẻ từng phần, từng mạch kiến thức như hiện nay nên bóng dáng "tích hợp" cũng rất mờ nhạt.
Hiện tại, điều dễ thấy nhất đối với 2 môn tích hợp là lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian của nhà nước, giáo viên là rõ ràng nhất còn hiệu quả, cách thức thực hiện đang có quá nhiều bất cập, khó khăn cho cơ sở.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google