Các môn học tích hợp ở cấp Trung học phổ thông đang tồn tại nhiều bất cập

Nguyễn Khanh
15:16 - 05/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tích hợp các môn: Lịch sử, Địa lí thành môn Lịch sử và Địa lí; Hóa học, Sinh học, Vật lí thành môn Khoa học tự nhiên. Sau 2 năm, việc học tích hợp vẫn tạo ra rất nhiều áp lực cho các nhà trường, giáo viên và khó khăn trong việc học của học sinh.

Năm học 2022-2023 đã kết thúc, phần lớn các trường vẫn phân công dạy theo phân môn. Những giáo viên được cử đi học bồi dưỡng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT thì giáo trình đào tạo vẫn theo từng phân môn, giảng viên môn nào dạy môn đó. 

Sách giáo khoa cơ bản vẫn viết riêng lẻ, phần chủ đề chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong mỗi cuốn sách giáo khoa.

Đến thời điểm hiện tại, chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện giảng dạy được một nửa lộ trình ở cấp Trung học cơ sở nhưng nhiều giáo viên lúng túng với môn học "tích hợp". Bởi thực tế, nói tích hợp nhưng bản chất chỉ là "gộp" một số môn học lại với nhau.

Các môn học tích hợp ở cấp Trung học phổ thông đang tồn tại nhiều bất cập - Ảnh 2.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bất cập, lãng phí và tiếp tục cần cải cách. Ảnh: Hưng Nguyễn/QĐND

Chưa thấy tính tích hợp rõ ràng trong các môn học tích hợp

Mặc dù thời gian thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới đã lùi lại 1 năm so với kế hoạch ban đầu nhưng khi triển khai ở lớp 6 (năm học 2021-2022) thì gần như các trường trung học cơ sở trên cả nước chưa có giáo viên dạy các môn học tích hợp.

Tháng 9 tựu trường nhưng ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên. Vì thế, sang năm học 2022-2023, các địa phương mới chủ trương mở lớp để bồi dưỡng cho giáo viên vì phải qua nhiều nấc chuẩn bị khác nhau. 

Dù thực hiện chậm trễ nhưng các địa phương cũng mới cử số lượng giáo viên nhỏ giọt ở các trường đi bồi dưỡng vì có lẽ liên quan đến vấn đề kinh phí chi trả cho các trường đại học.

Trớ trêu, những giáo viên đang được bồi dưỡng để về dạy các môn học tích hợp chia sẻ rằng họ cũng không được học tích hợp mà học riêng lẻ từng phân môn. Bởi vì, giáo trình "tích hợp" vẫn viết theo từng phân môn riêng biệt.

Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên vẫn viết theo từng mạch kiến thức của phân môn riêng lẻ. Môn Lịch sử và Địa lí lên đến lớp 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) mới có 2 chủ đề, đó là: "Các cuộc phát kiến địa lý"; "Đô thị: Lịch sử và hiện tại" với 11 trang sách. Rõ ràng, việc "tích hợp" như vậy phức tạp cho giáo viên và tốn khá nhiều kinh phí để đào tạo giáo viên nhưng hiệu quả so với cách bố trí riêng lẻ của chương trình 2006 thì khó có thể bằng được.

Những lãng phí, bất cập cần tiếp tục được cải cách 

Theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT thì giáo viên dạy 2 môn học tích hợp sẽ bồi dưỡng từ 20-36 tín chỉ. Theo bảng giá, một số trường chiêu sinh cho giáo viên học bằng kinh phí tự túc thì mỗi tín chỉ có giá 150.000 đồng. 

Cả nước có hàng trăm ngàn giáo viên thuộc diện phải bồi dưỡng để dạy 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở nên số tiền mà ngân sách bỏ ra để trả kinh phí đào tạo cho các trường sư phạm không hề nhỏ. Bởi, kinh phí đào tạo 1 giáo viên sẽ tương đương với số tiền từ 3 đến 5,4 triệu đồng và hiện ngân sách địa phương đang phải chi khá nhiều tiền cho việc bồi dưỡng giáo viên lớp đầu tiên.

Trong khi đó, hết năm thứ 2 thực hiện chương trình mới nhưng nhiều địa phương mới đang bắt đầu bồi dưỡng lớp đầu tiên cho giáo viên dạy tích hợp. Và không rõ khi thực hiện cuốn chiếu xong ở lớp 9 vào năm học 2024-2025 thì việc bồi dưỡng cho giáo viên đã hoàn thiện được hay không.

Không chỉ kinh phí nhà nước, kinh phí địa phương phải chi ra một số tiền khá lớn mà những giáo viên được cử đi bồi dưỡng cũng tất bật học vào các ngày nghỉ cuối tuần là thứ Bảy và Chủ nhật. Các ngày đầu tuần, họ vẫn phải giảng dạy theo định mức mà nhà trường đã phân công. 

Giáo viên đang đi học không có thời gian để đầu tư cho công việc định mức giảng dạy ở trường. Trong khi, việc giảng dạy chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu, nghiền ngẫm trước thì mới dạy được vì lượng kiến thức, phương pháp dạy học khác hơn nhiều so với chương trình 2006.

Gần 2 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các môn học tích hợp, không chỉ giáo viên giảng dạy vất vả mà những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng chuyên môn ở các nhà trường cũng tất bật theo. Chỉ riêng việc phải tính toán lượng kiến thức, nhân sự của tổ chuyên môn để lúc nào dạy phân môn này, lúc nào dạy phân môn kia đã tốn rất nhiều thời gian, của các bộ phận.

Thời khóa biểu của trường thay đổi theo từng tuần và có nhiều giáo viên phải dạy vượt định mức rất nhiều tiết ở thời điểm dạy phân môn chính của mình nhưng có lúc lại rất thảnh thơi vì phân môn khác đang được giáo viên khác giảng dạy.

Suy cho cùng, đến lúc này giáo viên mới chỉ thấy một điểm chung duy nhất là 2-3 phân môn cùng chung 1 sách giáo khoa. Nhưng nội dung, kiến thức chưa đáng được gọi là môn học "tích hợp". Bởi thực tế, ngay cả những tác giả sách giáo khoa cũng đang đứng riêng, viết riêng. Mỗi cuốn sách "tích hợp" như vậy có đến hàng chục tác giả, thậm chí có cuốn lên đến 15 tác giả và họ đều là những người có học hàm, học vị cao hơn rất nhiều so với giáo viên phổ thông.

Sách giáo khoa vẫn có "sạn" - điều này đã được phản ánh khá nhiều trong thời gian qua. Thế nhưng, mọi thứ về cơ bản vẫn rơi vào cõi thinh không. Điều này đã được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu tại buổi thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/6 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: "Thái độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà xuất bản trong tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hầu hết ý kiến phê bình không được trả lời hoặc trả lời không đúng thực tế.

Ví dụ, trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng khẳng định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi, sửa chữa 110.000 cuốn và hủy in lại 38.000 cuốn Khoa học Tự nhiên lớp 6 của Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều trường, sách chưa được thay mới".

Bình luận của bạn

Bình luận