Giáo viên nói gì về đề thi tham khảo Ngữ văn kì thi tốt nghiệp 2024?
Một số giảng viên đại học và giáo viên bậc trung học phổ thông đã có những góp ý xác đáng về đề thi tham khảo Ngữ văn kì thi tốt nghiệp 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 22/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 15 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, trong đó có môn Ngữ văn. Sau khi đề thi Ngữ văn được công bố, một số giảng viên đại học và giáo viên bậc trung học phổ thông đã có những góp ý về nội dung đề thi môn tự luận này.
Thứ nhất, về ngữ liệu đọc hiểu (đoạn thơ), một giảng viên ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: "Ban ra đề thi tham khảo nên chọn một bài thơ có cấu tứ "chỉn chu" một chút, nó toát lên một cảm hứng, một tư tưởng rõ ràng… sẽ phù hợp hơn với một kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bài thơ "Những đám mây cuối trời" (Đoàn Văn Mật) nếu là người đọc thông thường thì cũng khá được nhưng đem cho học sinh phổ thông thì e khó cảm lắm thay. Sự suy tưởng của học sinh nó có tính hướng đích rất rõ ví như ẩn dụ nhân hoá trong bài "em thương": em thương làn gió mồ côi - không tìm thấy bạn vào ngồi trong cây… sẽ có tính định hướng trong lí giải hơn nhiều".
Thứ hai, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, về dạng thức câu hỏi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu.
Tuy vậy, nhiều giáo viên khẳng định, câu 1 (nhận biết) phần Đọc hiểu yêu cầu thí sinh xác định thể thơ của đoạn trích là quá dễ, chưa phù hợp với một đề thi hai trong một – vừa lấy điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển vào đại học cao đẳng.
Theo đáp án đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn một số năm qua, câu hỏi xác định thể thơ chiếm 0,75 điểm – thí sinh chỉ mất vài giây là trả lời được câu hỏi này. Yêu cầu thí sinh xác định thể thơ của văn bản có được nhiều giáo viên cho là câu hỏi chống "liệt" dành cho thí sinh có học lực yếu.
Thứ ba, câu 2 (thông hiểu) phần Đọc hiểu yêu cầu thí sinh chỉ ra biện pháp tu từ là chưa hợp lí. Thí sinh chỉ ra bao nhiêu biện pháp tu từ là đủ và biện pháp tu từ đó có được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào không – cần phải có câu lệnh tường minh.
Một số tờ báo đăng tải đáp án đề thi tham khảo Ngữ văn dẫn lời giáo viên cho rằng, biện pháp tu từ được thể hiện trong những dòng thơ: "bay như chưa biết mình từ nước/ chưa từng hoá cơn mưa/ chưa từng có phút giây cuồng nộ/ vô ưu bay chẳng để ai ngờ" là so sánh (bay như chưa biết mình từ nước) và phép điệp (chưa từng).
Một số giáo viên cho biết, đoạn thơ này có đến 4 biện pháp tu từ, vẫn có giáo viên xác định sai vì chưa hiểu bản chất "tu từ" là gì.
Một giáo viên có học vị thạc sĩ Ngôn ngữ học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đoạn thơ như đã dẫn ở trên có đến 6 biện pháp tu từ: 1) So sánh ((đám mây) bay như chưa biết mình từ nước); 2) Điệp ngữ (chưa từng - chưa từng), điệp cấu trúc (chưa từng hoá cơn mưa - chưa từng có phút giây cuồng nộ); 3) Liệt kê (chưa từng hoá cơn mưa, chưa từng có phút giây cuồng nộ); 4) Nhân hoá (mây) chưa từng có phút giây cuồng nộ, (mây) vô ưu bay chẳng để ai ngờ; 5) Dấu chấm lửng (... chẳng để ai ngờ); 6) Ẩn dụ (mây cũng là người).
Không ít giáo viên nêu băn khoăn, liệu ban ra đề thi có lường hết những tình huống này khi làm đáp án hay không? Thầy cô giáo ra đề thi có trả lời được hết các biện pháp tu từ hay không? Như vậy, giám khảo chấm thi sẽ có những tranh cãi không hồi kết và thí sinh là những người sẽ bị thiệt thòi nhất – giả sử các em làm đúng nhưng bị chấm sai.
Thứ tư, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học vẫn giống đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước. Việc giữ ổn định cấu trúc đề thi là điều cần thiết, vì đây là năm cuối ngành giáo dục thực hiện Chương trình 2006. Thế nhưng, thí sinh vẫn còn học văn mẫu vì câu nghị luận văn học chưa thấy sự thay đổi trong cách ra đề thi.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, triệt tiêu văn mẫu vì cấu trúc đề từ phần đọc hiểu đến phần viết đều ra lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google