Đề thi Olympic Ngữ văn: Người ta chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng?
Liên cụm trường trung học phổ thông Hà Nội vừa tổ chức kì thi Olympic dành cho lớp 10, 11 năm học 2023-2024, trong đó có môn Ngữ văn.
Nội dung đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi Olympic dành cho học sinh lớp 11 như sau:
Câu I (8 điểm). Phải chăng, "người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng"? (Nguyễn Ngọc Tư)
Câu II (12 điểm). Bàn về thơ, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng: "Có tình, thường chưa đủ để thành thơ… Nhưng, muốn thành thơ, trước hết phải có tình". Bằng kiến thức và trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Gợi ý đáp án câu nghị luận xã hội
Vấn đề cần nghị luận: người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng?
Giải thích: "Sự hào nhoáng, bóng bẩy" là những vẻ ngoài đẹp đẽ, sang quý, lấp lánh, có sức hấp dẫn lớn với con người, làm con người bị ấn tượng, chú ý – đó cũng là những giá trị mà nhiều người hiện đại ngày nay theo đuổi, mê mẩn, ngây ngất, choáng ngợp…
"Sự giản dị tự đáy lòng" là vẻ đẹp giản đơn, mộc mạc, bình dị, thường không thu hút sự chú ý của con người – đó có thể là vẻ đẹp thuộc về phần sâu kín bên trong, là những giá trị tinh thần, những điều tử tế, lòng tốt bình thường xuất phát từ sự chân thành, thật tâm… chỉ có thể dùng trái tim để cảm nhận.
"Ngây ngất, mê mẩn, rơi nước mắt" là mức độ hứng thú, cảm xúc khác nhau của con người.
Câu hỏi gợi mở vấn đề: Đôi khi trong cuộc sống chúng ta chỉ mải mê chạy theo những điều đẹp đẽ, lấp lánh hào nhoáng bóng bẩy bên ngoài mà quên rằng chính những điều bình thường giản dị xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng mới là điều làm nên chân giá trị, ý nghĩa đích thực của đời sống này.
Vì sao người ta "ngây ngất" trước sự hào nhoáng, "mê mẩn" trước sự bóng bẩy? Bởi vì, vẻ đẹp hào nhoáng, bóng bẩy luôn có sức hấp dẫn ban đầu khiến con người khát khao thèm muốn. Sự hào nhoáng, bóng bẩy đôi khi trở thành thước đo giá trị cho cuộc đời giàu sang, tiện nghi mà con người mơ ước. Dễ theo đuổi vẻ đẹp hào nhoáng, bóng bẩy nhiều khi còn do tâm lí a dua, theo xu hướng…
Vì sao ta chỉ "rơi nước mắt" trước sự giản dị tận đáy lòng? Bởi vì, sự giản dị là trạng thái chân thực của cuộc sống, gắn với sự chân thành không màu mè tô vẽ… Sự giản dị có thể không gây chú ý ban đầu nhưng đủ khả năng làm ta xúc động, vì nó chạm đến phần sâu thẳm nhất của tâm hồn.
Sự giản dị cho phép con người dừng chân, sống chậm lại, cảm cảm nhận cuộc sống trong tất cả những vẻ đẹp thân thuộc. Trước những điều giản dị, con người được thả lỏng bản thân, được là mình, chân thành, sâu sắc và nhẹ nhõm, được thanh lọc tâm hồn, trở về với những trong trẻo, nguyên sơ, thuần khiết nhất.
Bàn luận: Theo đuổi những điều hào nhoáng, bóng bẩy bên ngoài không phải không chính đáng song cần xây dựng cho mình hình ảnh bên ngoài đẹp đẽ song hành với giá trị thực bên trong tương xứng.
Vẻ hào nhoáng gắn với giá trị nhất thời, còn cái giản dị, chân thành là giá trị bền vững, gắn với mọi thời. Nhận thức và phân biệt rõ giữa trạng thái già đi và lớn lên, giữa tồn tại và sống
Phê phán những người chấp nhận lối sống buông xuôi, nhạt nhẽo, vô nghĩa đồng thời luôn luôn vận động hết mình, sống chủ động tích cực để làm giàu có hơn cho sự sống của bản thân. Tuy nhiên, cũng cần biết lắng đọng nâng niu, quý mến cuộc sống hiện hiện hữu trong trọng từng phút giây.
Đáp án phần Nghị luận văn học
Thơ là thể loại trữ tình, bộc lộ tâm trạng, cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và có nhịp điệu. Tình là tình cảm, cảm xúc; là nội dung chính của thơ.
Ý kiến của Hoài Thanh nhấn mạnh điều kiện đầu tiên làm nên bài thơ đó là tình cảm, cảm xúc mãnh liệt; nhưng thơ không chỉ là chuyện tình cảm, làm nên sức sống của thơ cần những yếu tố khác nữa.
Thơ "trước hết phải có tình". Tình ở đây được hiểu ở hai góc độ: Tình trước hết là tình cảm, sự rung động, xúc cảm của nhà thơ trước cuộc sống. Yêu cầu của tình cảm là phải đạt tới độ mãnh liệt. Tình còn là tấm lòng cả người nghệ sĩ trước con người và cuộc đời. Yêu cầu của tấm lòng là phải chân thành, chân thật.
Từ đó thấy được "tình" là gốc của hồn thơ, là đặc trưng cơ bản của thơ, là yếu tố quyết định làm cho ngọn bút "có thần" (chữ của Ngô Thì Nhậm)
Nhưng tình "chưa đủ để thành thơ" bởi tình cảm, rung động là khởi nguồn của cảm hứng sáng tạo, là điểm "phát khởi"của bài thơ. Khi nói Có tình, thường chưa đủ để thành thơ, Hoài Thanh muốn nhấn mạnh:
Thơ còn có trí tuệ, lí trí. Chính nhờ yếu tố trí tuệ, nhờ những suy ngẫm, triết lí của nhà thơ về con người và cuộc đời mà bài thơ có thể tác động sâu sắc tới người đọc, có thể làm người đọc đồng cảm, bừng tỉnh và ghi tạc. Tuy nhiên cần thấy trí tuệ trong thơ là thứ trí tuệ gắn liền với cảm xúc, trí tuệ của trái tim.
Những suy ngẫm, triết lí của nhà thơ về con người và cuộc đời ấy phải được chuyển tải bằng một thế giới ngôn từ và hình ảnh độc đáo, một tứ thơ mới mẻ cùng với một nhạc điệu phù hợp. Nói chung là một hình thức sáng tạo.
Chứng minh: Học sinh chọn và phân tích được một số bài thơ đã học và đọc để làm sáng tỏ vấn đề.
Bàn luận mở rộng: Ý kiến của Hoài Thanh rất xác đáng, có ý nghĩa lí luận, giúp ta thấy được cái gốc của thơ ca là tình cảm, cảm xúc. Tuy nhiên, để thành thơ hay thì tình thôi chưa đủ mà còn cần lao động sáng tạo của nhà thơ.
Ý kiến cũng là một kinh nghiệm quý báu với nhà thơ trong quá trình sáng tác. Sẽ không thể có thơ khi lòng người không có những rung động. Và những rung động ấy phải đạt đến độ mãnh liệt, sâu sắc.
Ý kiến còn là một lời khuyên đối với độc giả. Khi đọc thơ cần "sống" với bài thơ để cảm nhận được những tình cảm, cảm xúc phong phú và làm giàu có thêm cho tâm hồn mình.
Như vậy, Hoài Thanh bàn về đặc trưng cơ bản của thơ: Thơ phát khởi nhờ tình cảm cảm xúc mãnh liệt; thơ chứa đựng những chiêm nghiệm, những triết lí sâu sắc làm người đọc thức tỉnh và thơ sẽ sống mãi nhờ tấm lòng nghệ sĩ. Tất cả những yếu tố đó được thể hiện bằng một hình thức nghệ thuật giàu sáng tạo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google