Giáo viên đánh giá môn tích hợp: Không biết phải "tích" thế nào cho "hợp"

Anh Minh
14:51 - 22/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Có tới hơn một nửa số môn học được gộp chung lại với nhau thành môn học mới ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – gọi là môn "tích hợp". Cho đến thời điểm phải kiểm tra đánh giá học kỳ 1, các giáo viên đối mặt với việc không biết phải "tích" thế nào cho "hợp".

Bi hài chuyện "tích hợp"

Nhiều giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhận định, gọi là môn học "tích hợp" nhưng giáo viên vẫn dạy riêng theo các phân môn, thời khóa biểu riêng, học sinh vẫn ghi chép riêng nhưng điểm số, nhận xét môn học thì thầy cô vẫn thực hiện chung. Nên mới có chuyện bi hài "1 môn 3 thầy, 3 vở ghi chép, 3 thời khóa biểu nhưng vào điểm chung 1 cột".

Các tổ chuyên môn vẫn hoạt động riêng lẻ, giáo viên môn nào thì dạy phân môn đó nhưng kiểm tra học kỳ thì chung một đề, chung một điểm số. Giáo viên sẽ ra đề chung; chấm bài chung; nhận xét và nhập điểm chung; vào học bạ chung nên chuyện phân công người thực hiện chính cũng là một vấn đề phức tạp ở các nhà trường.

Vì một môn học nên kiểm tra đánh giá phải thể hiện trên một đề, kiểm tra trong 90 phút, giáo viên phải đổi giờ để có 2 tiết liền nhau thực hiện kiểm tra, học sinh phải ôn tập lượng kiến thức nhiều, dễ bị lẫn lộn, rất áp lực.

Hiếm có giáo viên nào tích vào đánh giá: "chưa đạt"

Các môn Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp thực ra cũng rất khó để đòi hỏi về chất lượng bởi có môn giáo viên chỉ dạy vài ba tiết học rồi gán ghép cơ học lại với nhau trong các đề kiểm tra.

Theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các môn Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp đánh giá theo mức "đạt" và "chưa đạt" nên rồi tất cả cũng quy về "đạt" hết vì một môn học có mấy phân môn, giáo viên không thể làm khác được.

Thực tế việc thực hiện chương trình mới còn khó khăn hơn trước đây rất nhiều vì khâu ra đề, kiểm tra, vào điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực vào kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, học bạ thêm rất nhiều đầu việc.

Rắc rối chấm điểm kiểm tra môn "tích hợp"

Một số môn như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí được hướng dẫn cho điểm bằng điểm số kết hợp với nhận xét nhưng phải đảm bảo tỉ lệ phần trăm với nhau. Ví dụ: hai phân môn lịch sử và địa lý theo tỉ lệ 50:50, tình huống đặt ra, học sinh làm trọn vẹn phân môn Lịch sử, không làm phân môn Địa lí, được 5 điểm, học sinh vẫn đạt yêu cầu. Hoặc học sinh học xuất sắc phân môn Địa lí, học kém phân môn Lịch sử, khi làm bài học sinh được trọn vẹn 5 điểm Địa lí, nhưng được 1 điểm Lịch sử, tổng điểm là 6 thì học sinh ấy vẫn chỉ là trung bình.

Với môn Khoa học tự nhiên, trong nửa học kì 1 là học Hóa học, bài kiểm tra giữa kì chỉ có phân môn Hóa học, như vậy kết quả sẽ được tính chung cho các phân môn còn lại dù chưa biết năng lực của học sinh ấy với các phân môn còn lại như thế nào.

Đối với việc chấm bài, các môn học trên sẽ do nhiều giáo viên chấm, phần của giáo viên nào người đó chấm nên gặp rất nhiều khó khăn. Một bài kiểm tra thường có nhiều câu gồm cả trắc nghiệm và tự luận thuộc nhiều phân môn, do nhiều giáo viên chấm bài sẽ rất rối, dễ nhầm lẫn, vô cùng phức tạp khi tổng hợp điểm. Bản thân học sinh làm bài cũng dễ nhầm lẫn và căng thẳng. (Khác với việc thi tổ hợp ở kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông là đề riêng, có khoảng thời gian chuyển môn, hoàn toàn trắc nghiệm và chấm bằng máy).

Khó đánh giá môn Nghệ thuật

Đối với môn Nghệ thuật (Âm nhạc tích hợp cùng Mỹ thuật) đánh giá bằng nhận xét ở mức "đạt", "chưa đạt" và mỗi phân môn có 1 bài kiểm tra thường xuyên cho một học kỳ nhưng đến khi kiểm tra định kỳ thực hiện chung thì xếp loại ra sao? Nếu như 2 phân môn đều đạt ở mức "đạt" thì đơn giản nhưng có 1 phân môn ở mức "đạt" và 1 phân môn còn lại xếp ở mức "chưa đạt" thì xếp chung sẽ thế nào? Vì khó có thể học sinh nào cũng có khả năng cảm thụ âm nhạc đồng nhất với tài năng hội họa

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn kết hợp các môn học cả bằng điểm số và nhận xét thì chẳng lẽ những môn học có 2, 3 phân môn, thậm chí có môn đến 6 phân môn thì ai nhận xét? Hay, mỗi người có 1 nhận xét riêng?

Bất cập nhất là nhiều giáo viên dạy một môn học, khi có kết quả thấp thì vẫn chưa biết giáo viên nào sẽ là người chịu trách nhiệm chính. Ở học kỳ II, nếu học sinh không đạt phải thi lại hoặc ở lại lớp thì chất lượng của học sinh sẽ được tính cho giáo viên nào?

Mỗi học sinh sẽ có học sinh học giỏi phân môn Vật lí, học kém phân môn Sinh học là điều hết sức bình thường, khi ghép thành một môn "tích hợp" thì tình trạng đó sẽ giải quyết như thế nào, có bất công đối với học sinh, giáo viên? Khi học sinh chỉ học yếu, kém 1 phân môn nhưng khi kiểm tra lại cả 2, 3 phân môn liệu có công bằng?

Các phần việc của giáo viên về môn "tích hợp" hiện tại rối tung rối mù. Hầu hết các trường tự xoay sở, thực hiện mỗi nơi một kiểu. Gọi là môn "tích hợp", nhưng dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng các thầy cô bậc trung học cơ sở vẫn không biết phải "tích" thế nào cho "hợp". 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn chung cho việc triển khai dạy, học, kiểm tra môn "tích hợp" mới có thể triển khai Chương trình giáo dục mới có hiệu quả.